Đài Loan đã 'bật đèn xanh' cho các quận 'đèn đỏ', nhưng trớ trêu thay, những công nhân tình dục lại cho rằng cách quản lý này sẽ triệt đường làm ăn của họ.
Nguyên nhân chính là do cơ quan chức năng cấp cao đã thông qua luật hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, nhưng địa phương lại không dám quy hoạch hoặc xây dựng các nhà chứa hợp pháp. Do đó, các hoạt động mại dâm diễn ra ngoài các khu vực được cấp phép sẽ vẫn bị phạt tiền.
Hình ảnh cô gái "bán hoa" tại Đài Loan. Ảnh: Global Post |
Cách đây vài ngày, Đài Loan đã thông qua một bộ luật hợp thức hóa hoạt động mại dâm thương mại, nhưng chỉ trong các khu vực đèn đỏ do chính quyền quy hoạch. Luật này cũng quy định các nhà chức trách ở các khu vực 'không phép' có thể phạt tiền các cô gái và khách làng chơi.
Năm 1991, hoạt động mại dâm vẫn còn bất hợp pháp sau hàng thập kỷ vẫn được dung dưỡng theo kiểu Á Đông, các nhà chức trách thường phạt tiền với các cô gái bán dâm, sau đó tập trung họ trong các trại phục hồi nhân phẩm.
Tới năm 2009, việc chỉ phạt các cô gái bán dâm mà không đả động gì tới các "khách hàng" bị cho là không hợp pháp. Luật này giờ đã hết hiệu lực.
Ngay sau đó, khi các nhà làm luật nghĩ tới nghĩ lui về tương lai của các cô gái làng chơi, một cuộc vận động hành lang quyết liệt với quy mô lớn đã được triển khai nhằm hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh giữa những 'công nhân tình dục' và các 'khách hàng', bao gồm các đối tượng thường bị công an bắt nhiều nhất là gái điếm trên các góc phố.
Động thái này của nhà cầm quyền đang nhận được nhiều quan tâm. Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệu cho ngành công nghiệp sex đang đà 'ăn nên làm ra' của hòn đảo này đã được tiến hành.
Nhưng các 'công nhân' của ngành công nghiệp này lại không có vẻ gì hoan hỉ. Cũng như ở những nơi khác, cho tới bây giờ, hoạt động mại dâm tại Đài Loan vẫn chỉ loanh quanh trong những nhà nghỉ hoặc khách sạn 'tàu nhanh', và đằng sau những tấm biển hiệu quảng cáo dịch vụ massage và karaoke.
'Công nhân làng sex' cho rằng luật này sẽ đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp và buộc các nhà chức trách phải xây dựng các quận 'đèn đỏ' mà họ không hề muốn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc hợp thức hóa này chẳng khác gì chính quyền trung ương đang đổ vấy trách nhiệm của mình.
Chính quyền phản hồi lại rằng đây không phải là viễn cảnh lý tưởng, nhưng là những gì tốt nhất mà họ có thể làm được.
"Việc thông qua luật này tuy không phải là lý tưởng, nhưng vẫn là sự đồng thuận cao nhất giữa tất cả các bên liên quan tới vấn đề này" - người phụ trách nội vụ của Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.
Nhưng dưới không nghe
Việc Đài Loan cho phép các phố đèn đỏ hoạt động đã đặt hòn đảo này vào bản đồ sex đang ngày một xôm tụ trên thế giới. Tại những nơi này, mại dâm được cho là hợp pháp và được quản lý.
Kể từ năm 2003, New Zealand đã cho phép các nhà chứa hành nghề tự do, khi quốc hội bỏ phiếu lật đổ các luật đã có 100 năm tuổi liên quan tới tình dục. Một phiên tòa tại Bangladesh đã hợp pháp hóa loại hình thương mại này từ năm 2000, nhưng chỉ dành cho mại dâm nữ. Hong Kong cũng cấp phép cho các loại nhà chứa một phòng cho nữ.
Tại Đài Loan, chính quyền ủng hộ việc địa phương hóa các quận đèn đỏ, vì họ sẽ dễ dàng quản lý hơn - phát ngôn viên của bộ nội vụ Chien Tai-lang cho biết. Luật này có nói thành phố và các chính quyền các hạt có thể chỉ định các quận đèn đỏ, miễn sao giữ một khoảng cách "hợp lý" với các trường học công cộng.
Chung Chun-chu - giám đốc điều hành của một nhóm 71 thành viên của Tập hợp các Công nhân tình dục và những người ủng hộ cho biết, họ có thể cố gắng lập ra một quận 'đèn đỏ' ở một hạt hẻo lánh. Nhưng luật sư của họ lại cho biết các quan chức địa phương đã né tránh ý tưởng này.
"Vấn đề mấu chốt là, ai muốn thành lập nên một quận như vậy? Ai muốn nhận lấy trách nhiệm về việc này" - Chung nói.
"Do khi chính quyền địa phương không muốn đối mặt với việc này nên cả công nhân làng sex và các khách hàng đều sẽ bị xử phạt".
Nhóm vận động của Chung Chun-chu tại Đài Bắc tin rằng có khoảng 100.000 "công nhân" đang hoạt động tại Đài Loan. Chung nói, những người này có thể có một cuộc sống khá giả, nếu như cảnh sát không bắt giữ họ tại các góc phố và phạt họ 1.000 USD.
Chung còn cho biết thêm: việc bị bắt giữ như vậy đã khiến cho 1.000 công nhân vỡ nợ hàng năm.
Tiến thoái lưỡng nan
Stephen Lakkis - giám đốc của Trung tâm Thần học công tại Đại học Thần học Đài Loan cho biết, luật mới này sẽ giúp cho chính quyền né tránh trách nhiệm của họ.
"Từ ý tưởng của chính sách này chúng ta có thể thấy là, chính quyền chỉ muốn làm những gì ít nhất có thể" - Lakkis nói. Ông đã nghiên cứu ngành thương mại sex này suốt 18 tháng qua.
Trong khi không phải là các lực lượng chính trị đáng kể, các nhóm phụ nữ và tôn giáo lại là những nòng cốt trong việc hỗ trợ dự phòng cho cả các cô gái làng chơi và khách hàng hoạt động ngoài khu vực đèn đỏ được cấp phép.
"Những cô gái làng chơi đang mắc kẹt trong hệ thống" - Chi Hui-jung, giám đốc điều hành của một nhóm ủng hộ khác tại Đài Bắc cho biết.
"Chúng tôi nghĩ rằng [chính quyền] nên phạt tiền khách làng chơi. Nếu như Đài Loan cho phép hoạt động mại dâm tiến triển hơn, hình ảnh của phụ nữ xứ Đài sẽ ngày càng xấu đi".
Những người phản đối cũng lo ngại rằng thương mại hóa sex sẽ hút những người quá nghèo vào vòng xoáy này. Mặt khác, nó cũng có thể làm gia tăng nạn buôn bán người nhập cư, bao gồm cả những người thiểu số từ các vùng nghèo khó ở Trung Quốc đại lục và các quốc gia Đông Nam Á.
Con số thống kê của cơ quan nhập cư cho biết: trong khoảng từ năm 2001 tới 2007, đã có khoảng 10.500 người từ Trung Quốc đại lục gia nhập làng sex Đài Loan. Có khoảng 2.200 trong số này là bất hợp pháp.
- Thu Lượng (theo Global Post)