>> Nơi mọi phụ nữ đều bị bán làm nô lệ tình dục/ Cơn ác mộng của nô lệ thời hiện đại/ Chi tiết vụ "nô lệ tình dục" chấn động TQ
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng đất nước ở tây nam Á này lại có số người làm nô lệ đông nhất thế giới. Trong số đó rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị gả bán.
Buôn lậu “cô dâu”
Trong bối cảnh nghèo đói lan rộng, cộng thêm bất bình đẳng kinh tế và tham nhũng tràn lan, một dạng nô lệ đã bùng nổ. Đó là các cô dâu. Phụ nữ và các bé gái bị bán với giá chừng 120USD cho những ai có thể nuôi họ, lạm dụng và vắt kiệt sức lao động của họ.
Jamila, một cô dâu nô lệ cho biết, những kẻ buôn người đã bắt cóc và đánh thuốc mê cô trước khi bán cô cho một người đàn ông khác. “Ông ta có thể đánh đập tôi hết ngày lẫn đêm. Tôi phải làm việc cật lực suốt cả ngày… Đó không phải là cuộc sống nữa… Liệu có đáng để sống nữa hay không?
Còn Sugandha đã trở lại trường sau khi kết hôn và sau đó rời bỏ gia đình nhà chồng khi đứa con đầu lòng của cô qua đời. “Giờ đây tôi làm việc như một người truyền giảng cùng tuổi cho một chương trình có tên gọi “Tuổi trẻ vì Thay đổi”. Tôi sắp xếp các cuộc gặp và thông tin cho mọi người về những tác hại của việc kết hôn quá sớm”
Một cô dâu nhí của Ấn Độ ngồi bên cạnh chân của chồng. Nguồn ảnh: Guardian. |
“Bố tôi mất khi tôi còn rất nhỏ. Chính vì điều này mà trong làng đã gây sức ép, khiến mẹ tôi phải gả tôi khi còn quá nhỏ” – Sugandha nói.
Ở một đất nước mà đôi khi, các bé gái bị coi là gánh nặng tài chính, việc tìm mọi cách giết các bé gái hoặc lựa chọn thai nhi là bé trai đã dẫn tới tình trạng thiếu ‘vợ’. Đôi khi, sự việc lại trầm trọng hơn do chi phí cho hồi môn quá cao. Các chuyên gia cho rằng điều này đã khiến cho nạn ‘buôn cô dâu’ phát triển hơn.
Shafiq Khan – người điều hành một tổ chức của nhóm dân thường – tình nguyện truy tìm những những kẻ buôn người và các nạn nhân của họ, giải thích: “Các bé gái phải làm hai công việc cùng một lúc. Họ vừa là nô lệ tình dục, nhưng không phải chỉ của một người mà là cả một nhóm 10 đến 12 người đàn ông. Bên cạnh đó là việc đồng áng – làm việc tại các nông trại với gia súc từ sáng cho tới tối”.
Con gái là cái nợ
Cách đây không quá lâu, báo chí thế giới từng kinh ngạc về vụ ly hôn chấn động của một bé gái Ả Rập Xê Út 8 tuổi và người chồng 50 tuổi sau một vụ dàn xếp ngoài phiên tòa. Trước đó, mẹ của bé gái này đã bị từ chối ly hôn cho tới khi đến tuổi dậy thì. Bố của em bị buộc phải kết hôn, để đổi lấy 13.000 USD.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ còn tệ hơn rất nhiều. Bị buộc kết hôn từ lúc lên 6-8 tuổi, 12 tuổi thì làm mẹ, và cho đến năm 20 tuổi thì cơ thể tiều tụy thảm hại do phải mang thai quá nhiều lần. Phụ nữ Ấn Độ không còn xa lạ gì với việc phải cắt bỏ tử cung ở tuổi 23.
“Khi kết hôn, tôi không hề biết chuyện gì đang diễn ra” – Manemma, một cô dâu nhí nói. “Tôi mới có 6 tuổi và tất cả những gì tôi biết là tôi không được phép ra khỏi nhà. Tôi đã khóc và khóc rất nhiều, tôi nói rằng tôi không muốn nhưng họ ép tôi phải làm vậy”.
Theo điều tra dân số, khoảng 300.000 bé gái sinh đẻ khi chưa đầy 15 tuổi, có em đã sinh đẻ tới lần thứ hai. Một bé gái tại ngôi làng Kottaiyur Kollai đã kết hôn khi mới 10 tuổi. Đến năm 20 tuổi, cô có 5 đứa con. Cô gái khác là Mallamma 20 tuổi, có 6 người con và cưới năm 12 tuổi. Còn Mallie cưới năm lên 8 tuổi và giờ đã có 8 đứa con.
Cơ thể chưa phát triển hoàn toàn, thường thiếu dinh dưỡng, các bé gái này thường sinh non và nhiều trường hợp sảy thai. Khoảng hơn 100.000 bà mẹ và hàng triệu trẻ em Ấn Độ chết hàng năm. Các bác sĩ cho biết tình trạng các bé gái bị cưỡng dâm trước khi dậy thì rất phổ biến.
Trong suốt những ngày lễ tháng Năm Akshaya Tritiya, ngày tốt đẹp nhất trong năm cho các đám cưới, các con phố đông ngập âm thanh của ban nhạc, tiếng pháo nổ và giọng ca của những người phụ nữ khi họ chuẩn bị cho các cô dâu mới sắp được gặp chú rể. Hầu hết các cô gái không được biết về người chồng của mình trước lễ cưới. Các cô không có cơ hội để tiếp tục đi học, vì họ trở thành nô lệ cho mẹ chồng hoặc bị chồng lạm dụng. Những cô dâu này chẳng có gì để hy vọng, ngoài việc suốt ngày chửa rồi đẻ, và bù đầu chăm sóc con cái, đó là trong trường hợp họ có thể sinh nở thành công.
Thậm chí, từng có trường hợp bé gái mới 4 tuổi đã bị gả cưới. Tất cả đều xảy ra bất chấp thực tế là tảo hôn là bất hợp pháp tại Ấn Độ và không được đăng ký, nhưng rõ rang là “phép vua thua lệ làng”. Những lệ cũ còn cho rằng khi một cô gái đã hoàn toàn dậy thì thì không nên lấy làm vợ. Có người còn cho rằng nếu để cho một cô gái ở nhà bố mẹ đẻ tới sau khi dậy thì, đấy sẽ là một tai họa.
Khi một người phụ nữ trẻ trở nên quá yếu để có thể mang thai hoặc làm việc ngoài cánh đồng, người chồng sẽ ruồng bỏ cô. Những cô gái trẻ lai tiếp tục bị đánh cắp tuổi thơ để đối mặt với một cuộc đời không hề có tương lai.
Luật thua lệ
Từ năm 1929, việc kết hôn các thiếu nữ quá trẻ thậm chí là dưới 18 tuổi đã bị coi là vi phạm pháp luật, bắt đầu từ thời kỳ Anh cai trị Ấn Độ.
Mặc dù đã có các điều khoản trong luật Chống tảo hôn năm 2006, nhưng việc thực thi rất yếu kém. Người đứng đầu ngôi làng của Sugandha cho biết: “Tôi có nghe nói rằng tảo hôn là một tội, song tôi chưa đọc về luật này. Giờ đây, thậm chí tảo hôn vẫn đang diễn ra, bởi vì mọi người cho rằng con gái là một gánh nợ của cha mẹ, do đó phải gả đi càng sớm càng tốt về gia đình “riêng” của cô ấy. Tôi phải chứng kiến một thực tế là nếu tôi có ý định phản đối họ, những người trong làng sẽ đứng lên chống lại tôi. Do vậy ngay cả khi tôi biết chăng nữa, tôi nghĩ tốt hơn hết là giữ im lặng”.
Ngay cả khi biết rõ về luật, và hậu quả của việc tảo hôn về mặt giới tính cũng như sức khỏe sinh sản của các bé gái và phụ nữ trẻ, sự mất cân bằng về giới và coi thường phụ nữ trong xã hội cũng đồng nghĩa với việc thiếu các ý chí chính trị để thực thi luật pháp. Theo báo cáo của Unicef về tình trạng của trẻ em thế giới vào năm 2007, “Hậu quả không thể tránh khỏi của việc tảo hôn là đẻ non và làm mẹ. Các bé gái dưới 15 tuổi có khả năng chết trong khi thai sản nhiều gấp 5 lần so với phụ nữ 20 tuổi”.
Luật này cũng quy trách nhiệm ngăn tảo hôn lên những người tổ chức buổi kết hôn. Tuy nhiên, một thầy cúng ở làng của Sugandha nói: “Tôi không hề nhận được bất kỳ chỉ dẫn hay điều khoản nào [về luật Chống tảo hôn], nhưng tôi có thể nói với bạn rằng kết hôn nên thực hiện khi các cô gái đã đủ 18 tuổi hoặc hơn thế, khi họ đã đủ hiểu biết và trưởng thành để gánh vác các trách nhiệm. [Nhưng] mỗi năm chúng tôi tổ chức từ 5-8 đám cưới và các cô dâu thường dưới 15 hoặc 15-16 tuổi. Ngay cả bây giờ cúng tôi cũng sẽ làm thế - ngày cưới đã được định sẵn”.
“Ngày nay, có 27 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang bị giam giữ, bán và buôn lậu như nô lệ trên khắp thế giới”. Nhà báo Rageh Omaar nói. “Con số đó cao gấp 2 lần so với con số 12.5 triệu người châu Phi phải làm nô lệ trong suốt những thế kỷ buôn bán nô lệ khắp Đại Tây Dương”. Việc buôn bán này đáng giá 32 tỉ USD mỗi năm – "ngành thương mại" này không hề suy tàn mà vẫn là ngành sinh lời nhất trên thế giới ngày nay”. Trong số những điều kinh khủng đó, các tập phim khác nhau đã lột tả về tình trạng nô lệ tình dục tại châu Âu, nô lệ lao động ở Pakistan, nô lệ trẻ em ở Haiti, các cô dâu nô lệ ở Ấn Độ và các nô lệ trong chuỗi cung thực phẩm tại Mỹ. Nhà sản xuất Tim Tate nói: “Đây cũng là một thách thức cho các chính phủ trên khắp thế giới. Chưa bao giờ việc xóa bỏ tình trạng nô lệ lại dễ dàng, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà những luật sư hàng đầu được trả 3.000 Bảng Anh mỗi giờ, và một nô lệ lại có thể được mua với giá chỉ có 55 Bảng hoặc thấp hơn thế. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ, bất chấp việc họ tự nhận mình là ‘cảnh sát’ chống nô lệ, vẫn dành ra một số nguồn lực quý giá của mình đóng góp vào hoạt động thương mại nô lệ trong thế kỷ 21”.
|