Trong bối cảnh bạo lực và hỗn loạn ở Libya leo thang khi nước này lao vào nội chiến hồi đầu năm nay, nhiều người đã nhanh chóng rời khỏi nước này. Tuy nhiên, một nhóm người Mỹ đã nhìn ra một cơ hội làm ăn béo bở.



Chưa rõ Muammar Gaddafi đã đọc lá thư "hợp đồng" hay chưa. (Ảnh: Reuters)

Bốn người Mỹ gồm một cựu điệp viên CIA, một chuyên gia về khủng bố ở Washington DC, một luật sư ở thành phố Kansas và một cựu thành viên Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa, đã tự đề nghị làm cố vấn cho Gaddafi, theo một tài liệu mới được tìm thấy tại một tòa nhà chính phủ ở Tripoli.

Khoản tiền đề xuất để bắt đầu đàm phán: 1 triệu USD.

Theo báo New York Times, kế hoạch nêu rõ "các phí tổn và thanh toán được nêu ra trong hợp đồng này là các khoản phí tối thiểu không được hoàn lại". Chúng được dùng để thuyết phục các luật sư và cố vấn nhận vụ này và không gì khác.

Lá thư 3 trang, đề ngày 17/4 và được gửi tới Đại tá Gaddafi, chào mời nhà lãnh đạo Libya các dịch vụ vận động hành lang của "Nhóm Hành động Mỹ", một tổ chức sẽ nỗ lực đạt được vị thế chính trị từ quân nổi dậy ở Libya và giành được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.

Các cố vấn cam kết sẽ giúp giải tỏa hàng tỷ đô la trong các tài khoản bị đóng băng của Libya bằng cách đưa chính phủ vào giới hạn của các nghị quyết Liên Hợp Quốc.

Lá thư, được viết bởi một đối tác khác trong nhóm đề nghị, một người Bỉ có tên Dirk Borgers, nêu rõ rằng quân nổi dậy có những người vận động của riêng họ ở Washington và để tiếp tục, Gaddafi cần có các đại diện tại đó.

Báo Times đưa tin, lá thư của Borgers chào mời các dịch vụ của Neil C Livingstone, 65 tuổi, một chuyên gia về khủng bố, một nhà bình luận trên truyền hình, người đã trở về bang nhà Montana năm nay để tranh cử chức Thống đốc, cùng với Marty Martin, một cựu quan chức CIA.

Trong danh sách còn có Neil S. Alpert, người từng làm việc cho Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa và Ủy ban Các vấn đề Công Israel Mỹ, cùng Randell K. Wood, một luật sư ở thành phố Kansas, người đã đại diện cho các tổ chức Libya nhiều thập niên qua.

Lá thư nhấn mạnh: "Nhóm của chúng tôi, gồm những người có cảm tình với Libya, vô cùng lo lắng về điều này và chúng tôi muốn giúp ngăn chặn hành động của những kẻ thù quốc tế của ngài, và ủng hộ một mối quan hệ bình thường với chính phủ Mỹ. Do vậy, thực sự cần phải nói một cách chính thức và bằng một tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ". 


Neil C Livingstone (phải) là một chuyên gia về khủng bố còn Randell K. Wood (trái) là một luật sư đại diện cho các tổ chức Libya nhiều năm nay. (Ảnh: Mail)

Neil C Livingstone trả lời phỏng vấn của báo Times rằng ông chưa từng thấy lá thư của Borgers trước tuần này và khẳng định nó miêu tả sai các mục đích của ông. "Lá thư đó hoàn toàn không phản ánh quan điểm của chúng tôi".

Livingstone cho biết, ông là một người từ lâu đã chỉ trích Gaddafi và từng bị lãnh đạo Libya tống giam hồi những năm 1970.
Marty Martin, người đã rời CIA năm 2007, bày tỏ ông hết sức ngạc nhiên trước lá thư. "Chúng tôi không ở đó làm người vận động hành lang cho Gaddafi", ông Martin khẳng định. "Tôi không được thông báo gì về lá thư đó cả".

Theo Martin, mục đích của hợp đồng không phải để yểm trợ cho chế độ Gaddafi hay cứu mạng vị đại tá này, mà để ngăn chặn thương vong thêm nữa ở Libya bằng cách cung cấp một con đường thoát cho gia đình nhà lãnh đạo.

Rút cục, bản hợp đồng chưa bao giờ được thực hiện. Các quan chức Libya từ chối cách tiếp cận này, mặc dù chưa rõ liệu ông Gaddafi đã đọc thư hay chưa, và Bộ Tài chính Mỹ có thể không để cho khoản tiền 10 triệu USD được trả cho nhóm nói trên.

Tuy nhiên, Borgers, người có mặt ở Tripoli vào thời điểm có lá thư, tuyên bố các động cơ của ông là cao thượng.

Borgers nói với báo Times rằng ông muốn Gaddafi tiếp tục nắm quyền cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức. "Tôi không nghĩ ông ấy là một nhà lãnh đạo độc tài. Ông ấy đã tạo ra một đất nước từ con số 0 trong 42 năm qua. Ông ấy đã tạo ra một lối sống rất tốt cho người dân".

Borgers thừa nhận ông "có thể" không chia sẻ nội dung lá thư cho các đối tác làm ăn của mình song mục tiêu duy nhất không chỉ đơn giản là kiếm tiền.

Thanh Hảo (Theo Mail)