Khi còn học cao đẳng, các bạn cùng lớp với Ge Candong đều chế giễu rằng anh là người lỗi mốt tuy nhiên vài năm sau tất cả đều phải ngỡ ngàng trước vẻ ngoài sành điệu của anh.

TIN BÀI KHÁC:

Một người đàn ông đang đắp mặt nạ tại thẩm mỹ viện ở Vũ Hán (Hồ Bắc).

Ge (28 tuổi) quyết định biến thành một "metrosexual"-từ ghép giữa “metropolitan” và “heterosexual”, dùng để chỉ một người đàn ông rất quan trọng hóa và chăm chút ngoại hình của mình - từ khi bị bạn bè trêu chọc.

"Ăn mặc trau chuốt và sử dụng mỹ phẩm khiến tôi đẹp hơn và tôi hạnh phúc khi trở thành một người đàn ông đẹp trai" - Ge nói. Hồi đó, Ge bắt đầu lo lắng về những quầng thâm quanh mắt do thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi.

Một người bạn đề nghị Ge thử dùng kem bôi mắt để làm mờ vết thâm. Từ đó trở đi, anh dành nhiều thời gian hơn cho các tạp chí thời trang và các trang web về làm đẹp dành cho nam giới.

Ge thường xuyên mua quần áo và những sản phẩm chăm sóc da trong những chuyến công tác nước ngoài.

Trong khi các đồng nghiệp muốn đi ngắm cảnh trong chuyến đi Los Angeles vào năm 2010, thay vào đó Ge lại chọn đi mua sắm và bỏ ra 2.000 USD để mua mỹ phẩm. Chưa đầy hai tháng sau, anh lại chi 1.575 USD vào cà-vạt, quần áo tại Hong Kong. Không những thế, anh đã tiêu sạch 2 thẻ tín dụng tại Dubai vào hồi tháng Năm vừa qua.

Cheng Gong là một người đàn ông phong cách nhưng lại có quan niệm về thời trang khác với Ge. Cựu nhân viên Esquire (Trung Quốc) cho biết anh không có cảm thụ về thời trang cho tới khi anh ghi danh vào Học viện Điện ảnh Trung Ương (CAD).

Cheng nói rằng anh thích có một vẻ ngoài tự tin và "phù hợp" hơn là thời trang cao cấp. Theo anh thì đàn ông nên nam tính và lựa chọn trang phục thích hợp với hoàn cảnh.

Sơn sửa móng tay tại Nam Kinh, Giang Tô

Giám đốc nghệ thuật của Surface China -Xiao Yaohui cũng tán thành với ý kiến trên. "Một người phụ nữ nên mặc như phụ nữ và một người đàn ông cần giống đàn ông - mặc dù Trung Quốc đã bước vào "thời đại trung tính" mà ở đó đàn ông và phụ nữ được đối xử công bằng hơn".

Ông Xiao cũng cho rằng đây là cơ hội để phụ nữ từ bỏ mặt nạ mỏng manh và những người đàn ông có thể bộc lộ tình cảm của họ.

"Hai thập kỷ qua, không người đàn ông nào dám mặc áo hồng xuống phố nhưng bây giờ cứ có 10 người thì có 1 người diện sơ mi hoặc áo khoác hồng" - ông Xiao nói thêm. Đàn ông thời đại này không còn sợ bị chê là ăn diện như đàn bà nữa.

Theo một báo cáo của hãng mỹ phẩm L'Oreal, năm 2011 đã chứng kiến bước tăng nhảy vọt (40%) trong thị trường chăm sóc da đàn ông tại Trung Quốc, gấp 5 lần so với thị trường mỹ phẩm chăm sóc da dành cho phái nữ.

L'Oreal cũng kiếm được ít nhất 1 triệu NDT (157,49 triệu USD) từ thị trường này vào năm 2010, Hiệp hội mỹ phẩm Trung Quốc cho biết.

Sun Zhongxin-chuyên gia giới tính-tin rằng sự xuất hiện của xu hướng metrosexuals tại Trung Quốc là kết quả của sự thúc đẩy văn hóa tiêu dùng và phong cách sống mới của tầng lớp trung lưu.

Họ không đủ giàu để mua những sản phẩm xa xỉ nhưng họ không thiếu tiền tới nỗi không cải thiện được vẻ ngoài của mình.

Ngoài chi tiền vào quần áo vào mỹ phẩm, những người đàn ông metrosexual còn thường xuyên lui tới các của hàng spa.

Một công chức giấu tên tại Bắc Kinh tiết lộ từng tới các tiệm làm đẹp từ năm 2001 và thừa nhận đã dành 50% thu nhập vào đây.

"Tuy nhiên, sự đầu tư này khiến tôi trở nên trẻ trung như mới 20 mặc dù tôi đã ngoài 30".

Sầm Hoa (Theo Xinhuanet)