Làn sóng nổi dậy vẫn tiếp tục lan rộng ở thế giới Ảrập và không ai có thể đoán trước được câu chuyện của mỗi nước sẽ kết thúc như thế nào?

TIN BÀI KHÁC:


Một người biểu tình cố gắng dập hơi cay trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở Cairo hôm 20/11. (Ảnh: EPA)

Những sự kiện ấn tượng diễn ra ở 3 nước cùng một cuối tuần nhưng dẫn tới những kết quả không giống nhau.

Ai Cập là một chương quan trọng nhất ngay từ đầu bởi vì quy mô và ảnh hưởng của phong trào, đến nỗi sự tức giận nhằm vào các tướng lĩnh, những người nắm quyền điều hành đất nước kể từ Hosni Mubarak bị lật đổ, đang ngày càng gây lo lắng cho những ai vẫn nuôi dưỡng hy vọng bắt nguồn từ Quảng trường Tahrir hồi tháng 1.

Các viễn cảnh về kỳ bầu cử quốc hội Ai Cập, sự kiện sẽ diễn ra từ tuần tới, vẫn chưa rõ ràng mặc dù những người chỉ trích lập luận rằng chúng chẳng có ý nghĩa gì nếu quân đội không định rõ thời gian trao quyền lực cho bên dân sự. Thống chế Mohammed Hussein Tantawi, được ca ngợi vì thuyết phục Mubarak ra đi, giờ đây đang chịu áp lực phải từ chức ngày càng lớn.

Thói quen cũ thường khó bỏ: thay vì hủy bỏ luật khẩn cấp bị nhiều người căm ghét ở Ai Cập, các tướng lĩnh lại kéo dài thời gian áp dụng luật trong khi bảo vệ các đặc quyền của họ.

Đối mặt với các viễn cảnh ảm đạm của chính mình, người dân Ai Cập giờ đây chỉ có thể ghen tị với sự diễn ra trôi chảy của các cuộc bầu cử ở Tunisia hồi tháng trước, nơi sự thành công của Đảng Hồi giáo Nahda nêu bật sự khác biệt giữa các cuộc thăm dò ý kiến vốn bị những người chuyên quyền lợi dụng và các lá phiếu tự do trong một nền dân chủ đa đảng.

Nếu sự chú ý của cộng đồng quốc tế và khối Ảrập tái tập trung vào Ai Cập, các sư kiện ở Libya lại dựa trên một động lực hấp dẫn riêng. Một cuộc tấn công rocket nhằm vào văn phòng của đảng cầm quyền Ba'ath tại thủ đô Damascus là bằng chứng nữa cho thấy khả năng ngày càng lớn của lực lượng nổi dậy có vũ trang nhằm thách thức Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong tuần qua, một cuộc tấn công được lên kế hoạch bài bản nhằm vào một cơ sở an ninh ở bên ngoài thủ đô Damascus, cộng với việc Liên đoàn Ảrập đình chỉ tư cách thành viên của Syria và lời kêu gọi của Quốc vương Jordan Abdullah rằng ông Assad hãy từ chức, càng làm tăng cảm giác một chế độ phải chịu đựng áp lực gay gắt. Trong những ngày tới, các lệnh cấm vận kinh tế của khối Ảrập nhiều khả năng sẽ được thêm vào cùng với đòn trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt.

Tổng thống Assad có vẻ như không hề dao động: trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần, ông tuyên bổ chỉ có 600 người thiệt mạng kể từ khi bất ổn nổ ra hồi tháng 3; Liên Hợp Quốc nói rằng con số này là ít nhất 3.500 người và còn tăng. Ông Assad cam kết các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm tới, nhưng có thể cam kết bây giờ là quá muộn.

Assad chắc chắn phải lo lắng. Tổng thống Syria không thể bỏ qua chuyện con trai Saif al-Islam của Muammar Gaddafi bị bắt giữ và cuộc giằng co liệu anh ta bị xét xử ở Tripoli hay tại Tòa án Tội phạm quốc tế ở The Hague. Nhưng ngoài các câu hỏi về pháp lý, sự tái xuất hiện của Saif sẽ khiến người ta nhớ lại kết cục thảm hại của ông Gaddafi ở Sirte hồi tháng 10 - một số phận rất có thể đang đón chờ Assad và gia đình ông nếu không có một ngả rẽ chính trị nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó rất mong manh: Các thành viên trong phe đối lập ở Syria vẫn muốn đối thoại với chế độ, nhưng đó không phải là quan điểm của Hội đồng Quốc gia Libya, liên minh của các nhóm và các cá nhân đang bắt đầu giành được sự công nhận từ bên ngoài, hoặc của một nhóm những người đào ngũ bạo gan và có vũ trang đã lập nên Quân đội Syria Giải phóng.

Đối với những người Libya lạc quan, việc bắt giữ Saif đồng nghĩa với dấu chấm hết: sau 42 năm trị vì, chế độ Gaddafi không còn cơ may trở lại. Các vấn đề lớn vẫn còn đó: thành lập một chính phủ lâm thời; đưa các đoàn quân nổi dậy vào một mối, tập hợp những hy vọng vì một tương lai tươi sáng hơn. Những khó khăn sẽ không ít, nhưng Libya đã đoạn tuyệt được với quá khứ.

Ba nước Ai Cập, Syria và Libya vẫn đang viết nên chương riêng của mỗi nước trong Mùa xuân Ảrập, quan sát nhau như cả thế giới theo dõi họ. Không ai có thể dự đoán làm cách nào hoặc khi nào toàn bộ câu chuyện sẽ kết thúc.

Thanh Hảo (Theo Guardian)