Làm thế nào để có một chiếc túi hàng hiệu nổi tiếng thế giới trong khi ngân sách hạn hẹp? Một chiếc túi giả được bắt chước rất giống, một hóa đơn và một chiếc túi giấy đựng đồ sẽ giúp ước mơ thành hiện thực.


Hiện nay, một số người không đủ tiền rinh về các sản phẩm nhãn hiệu hàng đầu đang lùng mua túi giấy có thương hiệu hoặc logo để thỏa mãn sự phù phiếm của mình. Một số người thậm chí còn tìm các nhãn mác hàng hiệu, sách hướng dẫn sử dụng và hóa đơn được bán trên mạng.

Những món hàng trên, không phải vì mục đích thiết thực mà chỉ nhằm khoe khoang và thỏa mãn sự tự cao tự đại của một người, được gọi là "tiêu dùng thể diện". Theo kết quả khảo sát của tờ China Daily với 1.104 người, thì có 84,2% số người trả lời cho rằng "tiêu dùng thể diện" đang lan tràn trong giới trẻ. Quần áo, trang sức và ô tô là ba món hàng thường được đem ra để phô trương nhất. Tiếp theo đó là hàng điện tử, thực phẩm, rượu và thuốc lá, mỹ phẩm và giải trí.

Không chỉ mua túi giấy mà đó là sĩ diện

"Tôi không chỉ mua một cái túi giấy mà đó là sĩ diện. Bạn không thể phát hiện sự khác biệt giữa một cái túi dởm với một cái túi xịn", một khách hàng mua túi giấy Louis Vuitton giả cho biết. "Thật tuyệt khi biết rằng mọi người nghĩ là tôi vừa mua một chiếc túi Louis Vuitton khi tôi đem theo chiếc túi giấy này".

Một người dùng internet tên là "Pengpeng và Pipi" nói: "Khi mua một chiếc túi giấy hàng hiệu dởm, tôi cảm thấy rằng tôi có vị thế xã hội cao hơn, tâm trạng tuyệt hơn và oai hơn". Hiện nay, nhiều thanh niên đã quen với "tiêu dùng thể diện" và tiêu xài quá mức. Khảo sát trên một trang web về ô tô cho thấy, 1/2 thế hệ hậu 80 và thời kỳ 1990 đã mua hoặc có kế hoạch mua một chiếc ô tô trước tuổi 30.

Vẻ ngoài quyết định nhiều điều quan trọng?

Trong cuộc khảo sát, khi được hỏi tại sao giới trẻ là đổ xô theo hướng "tiêu dùng thể diện", một công chức tên là Shan Xiuqin nói, nhiều người đánh giá người khác qua bề ngoài. Shan lấy quần áo ra làm ví dụ: "Nếu tôi không ăn mặc tươm tất, tôi thường bị người bán hàng tại một số trung tâm mua sắm phớt lờ và điều đó thực sự làm tổn thương lòng tự trọng của tôi".

Hiện thời, một số người có thu nhập trung bình thậm chí còn giành cả tháng lương để mua một món quần áo.

Tong Kun là tân sinh viên ở trường đại học Hồ Bắc. Tong Kun phát hiện ra rằng hầu hết các bạn học trong lớp đều có máy tính xách tay và những người không có cảm thấy rất buồn phiền và đòi bố mẹ mua cho mình một cái. Tong và các bạn học ngày càng chú ý nhiều hơn tới thương hiệu các sản phẩm.

Một số sinh viên không đủ tiền mua loại xịn nên thường mua hàng nhái với giá bằng 1/2 hàng thật. Theo Tong, việc mua sắm thể diện xuất phát từ việc so sánh với người khác. Một số sinh viên từ các gia đình nghèo thường mua sắm thể diện để lấy lại sự tự tin.

  • Hoài Linh (Theo ChinaDaily)