Tổng thống Nga, hôm 23/11, dọa sẽ triển khai các tên lửa nhắm vào lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu nếu Washington không giải tỏa được các lo ngại của Moscow về kế hoạch này.

TIN BÀI KHÁC:


Tên lửa hạt nhân di động Topol-12M của Nga. (Ảnh: Reuters)

Đây là lời cảnh báo thẳng thừng phản ánh những rạn vỡ nghiêm trọng trong mối quan hệ song phương bất chấp các nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm "cài đặt lại" quan hệ với Kremlin. 

Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết, ông vẫn hy vọng đạt một thỏa thuận với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, nhưng ông mạnh mẽ cáo buộc Washington cùng các đồng minh NATO phớt lờ những lo ngại từ phía Nga. Ông nhấn mạnh, Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả quân sự nếu Mỹ tiếp tục xây dựng hệ thống này mà không có các đảm bảo hợp pháp rằng nó sẽ không chống lại Nga.

Mỹ liên tục khẳng định rằng hệ thống phòng thủ sẽ không nhằm vào các sức mạnh hạt nhân của Nga, và Washington đã nhắc lại một lần nữa vào hôm qua.

"Tôi nghĩ cần phải nhắc lại rằng hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu mà chúng tôi đang làm việc rất cố gắng cùng với các đồng minh của chúng tôi và với Nga trong vài năm qua là không nhắm vào Nga", phát ngôn viên John Kirby của Lầu Năm Góc nói. "Hệ thống... được thiết kế để ngăn chặn và thủ tiêu mối đe dọa tên lửa đạn đạo nhằm vào châu Âu và vào các đồng minh của chúng tôi từ phía Iran".

Phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của Moscow song cần phải hiểu rằng "các hệ thống phòng thủ tên lửa dự kiến triển khai ở châu Âu không và không thể đe dọa đến hệ thống đánh chặn chiến lược của Nga". 

Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev tuyên bố Moscow sẽ không thỏa mãn trước những tuyên bố đơn giản và muốn một thỏa thuận ràng buộc. "Khi chúng tôi đề nghị lập thành văn bản dưới dạng các nghĩa vụ pháp lý rõ ràng và chính xác, chúng tôi nhận được sự từ chối mạnh mẽ". 

Ông Medvedev cảnh báo rằng Nga sẽ triển khai các tên lửa ở vùng viễn tây Kaliningrad và nhiều khu vực khác, nếu Mỹ tiếp tục các kế hoạch của mình mà không đưa ra các cam kết cụ thể và vững chắc rằng hệ thống này không nhắm vào các sức mạnh hạt nhân của Nga. Ông chủ điện Kremlin không nói rõ liệu các tên lửa sẽ mang các đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường.  

Tranh cãi về hệ thống tên lửa của Mỹ từ lâu đã phủ bóng lên mối quan hệ giữa Moscow và Washington. Chính quyền Obama liên tục khẳng định hệ thống này là cần thiết để chống lại mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran song Nga lo ngại nó sẽ phá hỏng tiềm năng đánh chặn của các sức mạnh hạt nhân nước này. 

Moscow đã nhất trí xem xét một đề xuất mà NATO đưa ra hồi mùa thu vừa qua nhằm hợp tác về hệ thống tên lửa nói trên. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đã bị bế tắc quanh cách thức hệ thống hoạt động. Nga muốn hệ thống được vận hành chung nhưng NATO không đồng ý. 

Tổng thống Medvedev cũng cảnh báo rằng Moscow có thể không tham gia vào thỏa thuận kiểm soát vũ khí New START với Mỹ và ngừng các cuộc đối thoại kiểm soát vũ khí khác, nếu Washington cứ tiếp tục kế hoạch của mình mà không đáp ứng yêu cầu của Moscow. Phía mỹ đã hy vọng rằng hiệp ước START sẽ đẩy mạnh tiến độ trong các nỗ lực kiểm soát vũ khí đầy tham vọng. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đã bị ngưng trệ do căng thẳng về kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Thanh Hảo (Theo AP)