Người Trung Quốc gọi đó là "Vạn lý trường thành ngầm" - một mạng lưới những đường hầm rộng lớn được Trung Quốc thiết kế để che giấu các tên lửa ngày càng tối tân và kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Mỹ tiết lộ mạng lưới hầm ngầm của Trung Quốc


Trong suốt 3 năm qua, một nhóm các sinh viên trường đại học Georgetown, Mỹ, dưới sự dẫn dắt của một giáo sư vốn là cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, đã dịch hàng trăm tài liệu, nghiên cứu kỹ lưỡng hình ảnh vệ tinh và tìm kiếm các tài liệu quân sự hạn chế người xem của Trung Quốc lẫn sục sạo hàng trăm gigabyte dữ liệu trên mạng để làm sáng tỏ hệ thống đường hầm cất giữ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Kết quả những nỗ lực của họ là gì? Đó là sự khám phá về hàng nghìn kilomet đường hầm được Quân đoàn pháo binh số 2 đào. Đó là một đơn vị bí mật của quân đội Trung Quốc, vốn chịu trách nhiệm bảo vệ và triển khai tên lửa đạn đạo, đầu đạn hạt nhân.

Dù kết quả nghiên cứu trên chưa được công bố song nó đã được lưu hành trong nhóm các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, trong đó có phó tham mưu trưởng không quân và gây ra một phiên điều trần tại Quốc hội. Phần lớn sự chú ý được tập trung vào kết luận của cuộc nghiên cứu, đó là, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều lần so với những gì mà các chuyên gia kiểm soát vũ khí ước tính.

"Đó không hẳn là vấn đề gây xôn xao dư luận song những phán đoán và ước tính phải được kiểm tra lại vì những gì mà nhóm nghiên cứu trên cho rằng họ nắm rõ thì đều dựa trên tài liệu mật", một nhà chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ, người chỉ đồng ý thảo luận về vấn đề trên với điều kiện ẩn danh.

Những người chỉ trích cuộc nghiên cứu trên đã đặt câu hỏi về tính chính thống của những tìm kiếm dựa vào internet của nhóm sinh viên trên. Nhóm sinh viên nghiên cứu lấy tin từ các nguồn khác nhau như từ Google Earth, blog, bài báo quân sự và đáng chú ý nhất là những thước phim tài liệu tiểu thuyết hóa về các chiến sĩ pháo binh Trung Quốc. Tuy nhiên, những chỉ trích mạnh nhất lại xuất phát từ các chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân, những người lo lắng rằng cuộc nghiên cứu có thể đổ thêm dầu vào lửa tranh cãi về việc duy trì vũ khí hạt nhân ở thời đại mà mọi nỗ lực đang được thực thi để giảm số lượng vũ khí tồn kho từ sau chiến tranh lạnh.


Trưởng nhóm nghiên cứu - giáo sư Phillip A. Karber, 65 tuổi, từng là trưởng nhóm chiến lược gia chịu trách nhiệm báo cáo công việc trực tiếp lên Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân thời chiến tranh lạnh. Karber tự hào là nhà phân tích tình báo giỏi nhất trong chính phủ Mỹ. Năm 2008, Karber là nhân vật tự nguyện tham gia cơ quan cắt giảm mối đe dọa quốc phòng - một cơ quan trực thuộc Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm chống vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sau trận động đất tấn công tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban của Karber nhận thấy, báo Trung Quốc đưa tin rằng hàng nghìn kỹ thuật viên bức xạ đã kéo về vùng này. Sau đó, có nhiều bức ảnh về các quả đồi sập cùng nhiều tin đồn rằng các đường hầm ăn sâu trong hang động tại khu vực này chứa vũ khí hạt nhân.

Hãy tìm kiếm những gì đang diễn ra, chủ tịch Ủy ban trên nói với Karber và ông này lại tiếp tục phân tích một lần nữa, lần này là với các sinh viên ở đại học Georgetown.

Trong khi sự hiện diện của mạng lưới đường hầm trên là một thứ bí mật mở đối với một nhóm chuyên gia nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thì không một tờ báo hay tài liệu công khai nào đưa tin về sự hiện diện của nó.

Do đó, khi nghiên cứu, nhóm sinh viên trên đã quay sang tìm kiếm những nguồn tin công khai của Trung Quốc như những bài báo quân sự, bản tin địa phương và ảnh trên mạng do cư dân mạng Trung Quốc đưa lên. Những tài liệu này cho thấy, quân đội Trung Quốc nổi tiếng là bí mật đã bắt đầu tiết lộ thêm nhiều thông tin - theo chỉ đạo của lãnh đạo, nhằm phô trương sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc với công chúng trong nước. Internet cũng là nguồn manh mối, các diễn đàn quân sự, blog và bản tin truyền hình địa phương được đăng tải lên những trang tương tự YouTube nhưng của Trung Quốc. Việc tìm kiếm thậm chí còn cho phép các sinh viên Georgetown lấy được những tài liệu được dạy tại các học viện quân sự Trung Quốc.

Bằng cách kết hợp mọi thứ tìm được trên báo, trên clip truyền hình, ảnh vệ tinh và ảnh, nhóm sinh viên có thể xác định được địa điểm của một vài đường hầm với ý tưởng là một số loại tên lửa được cất ở đó.

Công việc của họ đã thu được một số thông tin về việc làm thế nào Trung Quốc di chuyển tên lửa từ nơi này sang nơi khác, con tàu tên lửa và cải trang tàu chở khách để chuyển tên lửa tầm xa. Một vài thông tin đột phá đã có được sau khi các thành viên của nhóm Karber dùng quan hệ riêng ở Trung Quốc để thu thập một tài liệu hướng dẫn dày 400 trang do Quân đoàn pháo binh 2 soạn ra, vốn chỉ lưu hành trong nội bộ quân đội Trung Quốc.

Mãi tới tháng 12/2009, sau khi nhóm sinh viên nghiên cứu có được chút tiến triển thì lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thừa nhận, quân đoàn pháo binh số 2 thực chất có xây dựng một mạng lưới đường hầm.

Theo một báo cáo do truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc, nước này có hơn 4.800 km đường hầm, gồm cả những căn cứ nằm sâu dưới lòng đất, có thể trụ vững trước hàng loạt cuộc tấn công hạt nhân.

Thông tin này khiến Karber và nhóm của ông bị sốc. Thông tin trên cho thấy hướng nghiên cứu của họ đã đúng song nó cũng nêu bật việc hệ thống đường hầm trên không được nhiều người chú ý ở ngoài phạm vi Đông Á. Vấn đề này không được báo chí Mỹ quan tâm nhiều vì trong suốt nhiều niên qua, mọi quan tâm đổ dồn vào hai cường quốc có số vũ khí hạt nhân tồn kho lớn nhất là Nga và Mỹ. Mỹ có 5.000 đầu đạn có thể triển khai còn Nga có tới 8.000 đầu đạn.

Tuy nhiên, trong số 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được công nhận trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc là quốc gia kín tiếng nhất. Trong khi Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi những hiệp ước song phương và phải tiết lộ số lượng vũ khí thì Trung Quốc không phải làm điều đó. Theo ước tính từ nhiều năm qua, kho vũ khí của Trung Quốc khá khiêm tốn, chỉ có từ 80-400 đầu đạn. Trung Quốc khuyến khích cách hiểu này và khăng khăng cho rằng nước này chỉ giữ một lượng vũ khí nhỏ trong kho với mục đích tự vệ nhỏ nhoi.

Đoạn cuối của tài liệu nghiên cứu, ông Karber nhận xét, dựa trên số lượng đường hầm mà quân đoàn pháo binh số 2 đã đào và việc Trung Quốc tăng cường triển khai tên lửa thì số đầu đạn hạt nhân của nước này có thể lên tới 3.000.

Trong báo cáo gửi lên Quốc hội vào tháng 8 vừa qua, Lầu Năm Góc tiết lộ Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân với một tên lửa di động đa đầu đạn và duy trì kho vũ khí chiến lược ở các boong-ke nằm sâu dưới đất.

Lầu Năm Góc cũng tiết lộ trong bản đánh giá hàng năm về quân đội Trung Quốc rằng, hệ thống hầm ngầm sâu dưới đất của nước này ở phía bắc được kết nối với hơn 4.800 km đường hầm. Các hầm ngầm được dùng để cất giữ, che giấu tên lửa, đầu đạn hạt nhân và các boongke chỉ huy khỏi các cuộc tấn công hạt nhân. Trung Quốc cho rằng việc đặt vũ khí và sở chỉ huy ở các cơ sở ngầm thì nó sẽ khó bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công. Quân đội Trung Quốc đã dùng các cơ sở ngầm từ đầu những năm 1950.

Quan chức Mỹ cho hay, trước đây các thông tin chi tiết về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đều được giữ bí mật. "Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - quân đoàn pháo binh số 2 đã xây dựng và dùng các hầm ngầm kể từ khi triển khai hệ thống tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng lâu đời nhất và tiếp tục sử dụng hầm ngầm để bảo vệ và che giấu các tên lửa di động dùng nhiên liệu rắn hiện đại, mới nhất của họ".

  • Hoài Linh (Theo WashingtonPost, WashingtonTimes)