- Nga và Cuba đang nối lại hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Đôi bên đang lên kế hoạch ký một hợp đồng xây dựng một hệ thống sản xuất đạn dược cho các loại súng trường Kalashnikov.

Do hạn chế về nguồn lực tài chính, Cuba sẽ bắt đầu công cuộc hiện đại hóa quân sự bằng việc nâng cấp vũ khí hạng nhẹ và nhỏ.
Tờ Kommersant của Nga dẫn lời một nguồn tin từ Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga về một hệ thống lắp ráp loại đạn M43 đường kính 7,62mm sử dụng cho súng trường tự động Kalashnikov và các loại súng trường do Nga sản xuất sẽ được xây dựng tại nhà máy quân sự Comandante Ernesto Che Guevara ở Cuba.

Nguồn tin trên cũng cho biết hãng xuất khẩu quân sự Rosoboronexport của Nga đã chuẩn bị cho bản hợp đồng, trong đó bao gồm cả chứng chỉ và chuyển giao công nghệ.

Vị quan chức trên không nói về giá trị cụ thể của bản hợp đồng nhưng cho biết Nga hy vọng sẽ nhận được một bản hợp đồng trong tương lai để đại tu toàn bộ các đơn vị  sản xuất đạn dược cho súng trường tại Cuba. Hầu hết các cơ sở này đều được xây dựng trong những năm 70-80 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô.

Nguồn tin của Rosoboronexport cũng xác nhận bản kế hoạch hợp đồng với Cuba nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin về dự án.

Học viện Nghiên cứu Trung ương về công trình chính xác đã được lựa chọn để thực thi bản hợp đồng này. Đây là một đơn vị của Rostechnologies, công ty này cũng đang hy vọng sẽ nhận được một bản hợp đồng mới nhằm nâng cấp hệ thống sản xuất toàn bộ đạn dược của Cuba.

Theo một nguồn tin bên trong, các thiết bị và công nghệ mà Liên Xô xuất khẩu cho các nhà máy đạn dược đạt đỉnh cao vào những năm 70-80 khi hàng loạt các nhà máy tương tự được xây dựng tại Trung Quốc, Romania, Bulgary và Ciba. Năm 1987, một nhà máy đạn được xây dựng tại Lybia trên cơ sở chìa khóa trao tay. Nhưng do Mỹ đưa ra một lệnh cấm lên dự án này và áp dụng lên quá trình bảo dưỡng hậu kỳ cho tới năm 1992, việc xây dựng nhà máy vẫn chưa được hoàn thiện.

Cho tới đầu những năm 1990, Cuba là một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí của Nga. Giữa năm 1961-1991, tổng số lượng vũ khí và thiết bị quân sự từ Liên bang Xô Viết cung cấp cho Cuba lên tới 16 tỉ USD. Các thiết bị này bao gồm xe tăng T-55 và T-62, tàu chuyên chở cá nhân bọc thép, các hệ thống phòng không, chiến đấu cơ MiG-29, MiG-23, và MiG-21, các máy bay trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và thuyền, một lượng lớn các vũ khí hạng nhẹ, các thiết bị liên lạc và thiết bị công trình. Tất cả những thiết bị này đều cần thiết cho việc nâng cấp, và Cuba đang cố gắng để giải quyết vấn đề này. 

"Nói chung, mọi thứ tại Cuba đều cần được thay mới, nhưng các vấn đề về nguồn lực tài chính đang buộc họ bắt đầu công việc hiện đại hóa từ những vũ khí hạng nhẹ và nhỏ. Nhưng điều đó là hợp lý, bởi vì trong một sự kiện xung đột với đối thủ (tiềm năng) được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, Cuba sẽ bắt buộc phải tiến hành chiến tranh du kích" - Konstantin Makienko, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ (Nga), nói.

Trong khi đó, việc nối lại mối quan hệ với Cuba có thể là do mối quan hệ với Mỹ đang dần cải thiện: một lệnh cấm vận kinh tế thương mại của Mỹ đối với Havana đã được áp dụng từ năm 1961. Năm 1996, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Helms-Burton, áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung chống lại các công ty không phải của Mỹ giao thương với Cuba. 

Tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gia hạn cho lệnh cấm vận này tới ngày 14/9/2012. "Ngẫu nhiên" là Học viện Nghiên cứu Trung ương về công trình chính xác của Nga lại nằm trong "danh sách đen" của chính quyền Mỹ. Giữa tháng 4/1999-4/2004, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng áp dụng lên trung tâm này và các công ty khác của Nga vì đã cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E và Metis-M cho Syria.

Theo tờ Kommersant, phía Cuba bày tỏ mối quan tâm trong việc mua sắm một hệ thống sản xuất đạn dược do Nga cung cấp. Cuba đã gửi yêu cầu tới Doanh nghiệp Liên bang Rosoboronexport vào năm ngoái.

"Ban đầu, nhiều người cho rằng các công việc triển khai trong đề xuất của Cuba có thể do Văn phòng thiết kế các mặt hàng Sản xuất Koshin triển khai (cũng là một thành viên của Rostechnologies). Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp và Thương mại đã quyết định chuyển giao bản hợp đồng cho Học viện Nghiên cứu Trung ương về công trình chính xác vì đây là đơn vị dẫn đầu trong ngành thiết kế, thử nghiệm và thí nghiệm các loại đạn cỡ nhỏ" - trích nguồn tin từ Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc của Học viện nghiên cứu là Vladimir Ivanov đã từ chối đưa ra bình luận.

Lãnh đạo của một trong các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cho biết việc sản xuất với sự hỗ trợ của máy tính cho các loại đạn M34 đường kính 7,62 mm với sản lượng trên 1.200 viên một phút đã được áp dụng tại các nhà máy của Nga từ những năm 70. Vị này nói thêm: "Về cơ bản thì thiết bị này đã lỗi thời. Sản xuất đạn đã không còn độ chính xác cao và tỉ lệ chính xác đã giảm".

Việc hợp tác giữa Nga với Cuba trong lĩnh vực vũ khí hạng nhẹ đã gián đoạn từ năm 2001, khi Nga đóng cửa cơ sở quân sự tại Lourdes. Mặc dù lãnh đạo Cuba liên tục phủ nhận rằng họ không hề có hợp tác gì với Nga về quân sự nữa sau năm 2001, quan hệ quân sự song phương có vẻ như đã được cải thiện kể từ năm 2008.

Tham mưu trưởng của Nga là Tướng Nikolai Makarov đã nói trong suốt chuyến thăm của ông tới Cuba năm 2009 rằng việc hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự từ thời Xô Viết và huấn luyện quân sự cho Cuba sẽ là một trọng tâm trong hợp tác quân sự giữa Nga - Cuba trong tương lai.

Chuyến thăm tới Cuba lúc đó đã được những người "hàng xóm" của họ quan sát như một động thái đáp trả việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu.

  • Thu Lượng (theo RT/RIA/ Kommersant)