Đoàn xe cuối cùng của binh sĩ Mỹ đã rời khỏi Iraq hôm 18/12, chấm dứt gần 9
năm cuộc chiến làm 4.500 người Mỹ và hàng chục nghìn người Iraq thiệt mạng cũng
như để lại một đất nước với những bất ổn chính trị.
Cuộc chiến nổ ra vào tháng 3/2003 với việc tên lửa tấn công Baghdad để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, đã khép lại với một nền dân chủ mong manh và vẫn phải đối mặt với các cuộc nổi dậy, căng thẳng sắc tộc và những thách thức xác định vị trí của mình trong khu vực Ả rập còn đầy bất ổn.
Khi các binh sĩ Mỹ rút khỏi Iraq, thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa phe Sunni và Kurd vẫn đang chịu sức ép. Chính phủ do phái Shi'ite nắm quyền đã yêu cầu Quốc hội phải sa thải phó thủ tướng là người Sunni và các nguồn tin an ninh cho biết, phó Tổng thống Sunni đang đối mặt với lệnh bắt.
Đoàn xe cuối cùng gồm khoảng 100 chiếc xe của quân đội Mỹ, chở 500 lính đi từ căn cứ cuối cùng của họ đi qua sa mạc phía nam của Iraq trong đêm và ban ngày thì dọc theo xa lộ để tới biên giới với Kuwait.
"Tôi không thể chờ đợi thêm nữa, tôi phải gọi ngay cho vợ và các con để nói với họ tôi vẫn an toàn", binh sĩ Rodolfo Ruiz nói khi biên giới đã ở trong tầm mắt.
Với Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc rút quân chính là làm tròn lời hứa vào thời gian ông tranh cử - đưa quân Mỹ ở Iraq về nước. Cuộc chiến Iraq là những gì ông được thừa hưởng từ người tiền nhiệm, một cuộc chiến không được ưa chuộng kể từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Với người Iraq, sự ra đi của quân Mỹ đem lại cho họ cảm giác về chủ quyền nhưng lại dấy lên nỗi lo rằng đất nước này có thể lại một lần nữa trượt vào bạo lực sắc tộc, vốn làm hàng nghìn người chết vào thời kỳ đỉnh điểm của bạo lực là 2006-2007. Thủ tướng Nuri al-Maliki của chính phủ do phái Shi'ite dẫn dắt hiện vẫn vật lộn với thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa phái Shi'ite, Kurdish và Sunni parties, khiến Iraq rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của những nước Ả rập Sunni và Iran phái Shi'ite.
- Hoài Linh (Theo AP)