Tân lãnh đạo trẻ của Triều Tiên sẽ phải chia sẻ quyền lực với một ông chú và quân đội sau khi người cha Kim Jong-il qua đời trong bối cảnh quốc gia biệt lập này chuyển từ một người nắm quyền sang kiểu tập thể lãnh đạo, một nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cho biết.



Cũng theo nguồn tin trên, quân đội  - hiện đang cố phát triển một kho vũ khí hạt nhân, đã cam kết trung thành với Kim Jong-un, người sẽ nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên. Nguồn tin trên nói thêm, Bắc Kinh chỉ được biết tin ông Kim Jong-il chết vào sáng sớm ngày 19/12, cùng ngày đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đưa tin này. Ông Kim qua đời hôm 17/12.

Nguồn tin trên từ chối nêu danh song đều đoán đúng các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, đã nói với Reuters về vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 trước khi nó diễn ra.

Tình hình ở Triều Tiên dường như rất ổn định sau khi quân đội bày tỏ sự ủng hộ với con trai kiêm người kế nhiệm ông Kim Jong-il là Kim Jong-un.

Khi được hỏi liệu có xảy ra đảo chính không, nguồn tin trên cho biết có ít khả năng vì quân đội đã cam kết trung thành với Kim Jong-un. Do không có một nhân vật cứng cỏi, Triều Tiên sắp tới sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của một tập thể, gồm Kim Jong-un, chú của Jong-un và quân đội.

Jang Song-thaek, 65 tuổi, em rể của Kim Jong-il, chú của Jong-un, hồi năm 2009 đã được chỉ định vào Ủy ban quốc phòng, hội đồng lãnh đạo tối cao do Kim Jong-il lãnh đạo với tư cách là người đứng đầu lực lượng quân đội.

Theo nguồn tin thân cận với Triều Tiên lẫn Trung Quốc, Triều Tiên thử tên lửa vào hôm 19/12 là để cảnh báo Mỹ không nên có bất kỳ hành động nào chống lại nước này. Bình Nhưỡng hiện chưa có kế hoạch tức thời về việc thử nghiệm thêm tên lửa trừ khi căng thẳng gia tăng. "Với vụ thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên muốn phát đi thông điệp rằng nước này có khả năng bảo vệ mình. Tuy nhiên, nước này sẽ không thử nghiệm hạt nhân trong tương lai gần trừ khi bị Mỹ và Hàn Quốc khiêu khích".

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã từ lâu là nguồn gốc căng thẳng giữa nước này với cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng từng thử nghiệm hạt nhân vào 2006 và 2009, sau đó rời khỏi bàn đàm phán 6 bên với Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Nga. Cuộc hội đàm 6 bên được tiến hành nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và quay lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân.

Trung Quốc, đồng minh kiêm nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên, hôm 20/12 đã hoan nghênh nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên sang thăm Trung Quốc sau khi ông Kim Jong-il qua đời. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và phó Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tới sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh để tỏ lòng tiếc thương ông Kim Jong-il vào hôm 20/12. Các ngả đường dẫn tới đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh đều bị phong tỏa.

  • Hoài Linh (Theo Reuters)