- Là một trong năm nước lớn liên quan trực tiếp tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vai trò của Trung Quốc trong cuộc đàm phán này gần như có tính then chốt quyết định tới diễn biến trên cả khu vực Đông Bắc Á. Mọi chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đều thể hiện quyền lợi sát sườn của họ liên quan tới Triều Tiên.
Còn đối với Triều Tiên, Trung Quốc mang lại lợi ích kinh tế và đồng minh chủ chốt khó tách rời.
Ngay sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi bức điện chia buồn tới Bình Nhưỡng. Trong đó, Bắc Kinh đã gọi người kế nhiệm Kim Jong-un là “nhà lãnh đạo lớn” và là “một người bạn gần gũi” của nhân dân Trung Hoa. Trong bức điện, Bắc Kinh bày tỏ tin tưởng rằng Bình Nhưỡng sẽ duy trì được sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động và “đồng chí” Kim Jong-un.
Với bức điện này, phương Tây hiểu rằng Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu ủng hộ đối với quá trình chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng. Nhà phân tích Pierre Haski cho rằng, tín hiệu đó của Trung Quốc là “không được đụng đến CHDCND Triều Tiên của tôi”.
Nhưng, không phải tới khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời Bắc Kinh mới thể hiện thịnh tình với Kim Jong-un - người bây giờ đang là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Từ tháng 9/2010, tại Đại hội bất thường của Đảng Lao Động Triều Tiên, khi Chủ tịch Kim Jong-il đưa con trai út của mình vào những vị trí quan trọng trong quân đội và đảng – một quá trình dọn đường cho con kế nghiệp, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi điện “nhiệt liệt chúc mừng”. Chủ tịch Trung Quốc cũng đưa ra cam kết xem xét “quan hệ Trung – Triều về lâu dài” và “không tính đến những thăng trầm của tình hình quốc tế”.
Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng Trung Quốc đã và sẽ vẫn là đồng minh vững chắc của CHDCND Triều Tiên vì mối quan tâm lớn nhất của họ là duy trì sự ổn định tại nước láng giềng đông bắc, bất kể vai trò lãnh đạo được chuyển giao cho ai.
“Sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên còn quan trọng hơn cả việc biết xem ai là người trở thành lãnh đạo tương lai của Bắc Triều Tiên” – ông Sái Kiến, giáo sư Viện nghiên cứu Quốc tế Đại học Phục Đán, Thượng Hải, bình luận.
Vùng đệm an toàn
Giải thích về “tình yêu vô điều kiện” này, chuyên gia Peter Beck thuộc Đại học Keio Tokyo cho rằng, Bắc Kinh phải làm vậy vì họ không muốn phải hứng chịu hậu quả nếu như chế độ ở Bình Nhưỡng có diễn biến xấu.
Hai khả năng chính có thể khiến Bắc Kinh lo ngại là nếu địa chính trị của bán đảo Triều Tiên thay đổi, điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc. Thứ hai là trong trường hợp kinh tế hoặc chế độ của Bình Nhưỡng sụp đổ, sẽ có làn sóng hàng triệu người Triều Tiên trong tổng số 26 triệu người tràn qua đường biên giới 1300 km để nhập cư vào Trung Quốc.
Về mối quan hệ đồng minh chiến lược từ thập niên 1950 Trung-Triều, ông Sái Kiến phân tích: “Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Bắc Triều Tiên đã đóng vai trò như một vùng đệm quân sự, che chắn cho Trung Quốc”. Trong bất kì tình huống nào khiến cho tình hình ở Bình Nhưỡng bất ổn, một kịch bản về hai miền Triều Tiên thống nhất (theo mô hình của Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ) đều không nằm trong mong muốn của Trung Quốc.
Lúc đó, bán đảo Triều Tiên sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của Hàn Quốc – đồng minh thân cận của Mỹ. Mỹ có thể đưa quân cùng vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc, triển khai gần biên giới với Trung Quốc (như khi Đông và Tây Đức sát nhập, hòa vào NATO)
Trung Quốc sẽ không bao giờ để cho đồng minh của Mỹ nằm ngay sát biên giới của mình. Về khía cạnh này, Triều Tiên còn là tấm lá chắn để quân đội Mỹ không thể áp sát Trung Quốc, một thành trì để ngăn sự mở rộng ảnh hưởng của Mỹ.
Giáo sư Lý Hy Quang, Đại học Thanh Hoa còn tuyên bố: Bình Nhưỡng là “lợi ích cốt lõi hạng nhất” của Bắc Kinh. Ông nói thêm: hiện nay, hầu như toàn bộ khu vực xung quanh Trung Quốc đều bị yếu tố Mỹ bao vây.
“Bắt buộc phải có một vùng đệm. Cần có một vùng đệm giữa Trung Quốc với một nước lớn có khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên là vùng đệm của Trung Quốc ít ra là từ thời nhà Đường và vị thế này từ trước tới nay chưa hể thay đổi. Bất kể là ai lên nắm quyền ở Bắc Triều Tiên và có một thể chế như thế nào, thì cũng ta cũng phải đảm bảo là Bắc Triều Tiên là một vùng đệm, có một chính quyền thân Trung Quốc, thân thiện với người Hoa” – ông Lý Hy Quang lý giải.
Trong bối cảnh địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á, ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên sẽ giúp Trung Quốc nắm ưu thế khi đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Matthew Gertken – chuyên gia phân tích tình hình khu vực Đông Á của Cơ quan Tình báo Quốc tế cho rằng: Trung Quốc đã và vẫn muốn giữ vị trí bàn đạp trong khu vực này.
“Nếu nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy hễ một lực lượng bên ngoài nào chiếm giữ được Bắc Triều Tiên đều có thể gây nguy hại cho lãnh thổ Trung Quốc. Vì lý do đó mà kể từ Thế chiến thứ II đến nay, Trung Quốc lúc nào cũng xem Bắc Triều Tiên như một bàn đạp chiến lược” - Matthew Gertken lý giải.
Bên cạnh đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải ghi nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc khi làm việc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng gây căng thẳng bằng các vụ thử tên lửa, Mỹ-Hàn-Nhật sẽ phải cần tới Bắc Kinh làm cầu nối tới Bình Nhưỡng. Nhưng mặt khác, sự căng thẳng này cũng phải nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc, bởi nếu căng quá, chiến sự nổ ra thì chính vùng đông bắc của Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng.
Kịch bản xấu
Mặc dù luôn cố gắng bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cũng đã lường đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đối với Trung Quốc, kịch bản xấu nhất là khi nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ và Bình Nhưỡng không thể giữ vững ổn định chế độ hoặc chiến tranh xảy ra.
Trong một bức điện bị rò rỉ trên Wikileak hồi năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc lúc đó là Chun Yung-woo trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Seoul rằng giới chức “cấp cao” của Trung Quốc hiện nghĩ rằng nên chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong liên minh “lành mạnh” với Mỹ.
Cũng trong nội dung rò rỉ này, ông Chun còn nói Chính phủ Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ sụp đổ trong vòng 2-3 năm sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Ông này còn cho rằng giới chức Trung Quốc không muốn mạo hiểm với tình trạng chiến tranh có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Tuy lo ngại này có lý, nhưng khó có khả năng xảy ra. Bởi nếu vấn đề kinh tế tại Triều Tiên được cải thiện, đảng cầm quyền vẫn duy trì tầm ảnh hưởng thì mọi việc sẽ diễn biến theo chiều ngược lại.
Do đó, điều mà Trung Quốc muốn làm là khuyến khích giới chức Triều Tiên tiến hành cải cách kinh tế ở mức bảo toàn quyền lực của đảng lãnh đạo.
Nhà nghiên cứu chiến lược châu Á Valérie Niquet cho rằng khi ông Kim Jong-il còn sống thì không phải lúc nào Bắc Kinh cũng có thể áp đặt quan điểm của mình với Bình Nhưỡng, trong đó có cải cách kinh tế. Bốn chuyến công du Trung Quốc gần đây nhất của ông Kim Jong-il đều thể hiện sự quan tâm tới mô hình kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, các cải cách mới chỉ dừng lại ở quy mô quá nhỏ.
Còn với thế hệ lãnh đạo kế tiếp, triển vọng này khả thi hơn rất nhiều. Bởi Trung Quốc đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng. Mặt khác, người kế vị cố chủ tịch Kim là Kim Jong-un lại từng được tiếp thu nền kiến thức cởi mở hơn từ Thụy Sĩ, từng có thời gian nghiên cứu tại Trung Quốc nên được kỳ vọng là sẽ có tư tưởng “thông thoáng” hơn.
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra lời mời tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Trung Quốc, kèm theo đó là gói đề xuất viện trợ và cả cam kết cải cách kinh tế. Đây có thể là một phương án khả dĩ cho cả đôi bên, vì đó sẽ là một dấu ấn quan trọng cho tân lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un về mặt đối nội.
Còn về phía Trung Quốc, một đồng minh ôn hòa hơn về mặt chính trị, khấm khá hơn về mặt kinh tế vừa giúp làm dịu bầu không khí địa chính trị Đông Bắc Á, vừa tạo được uy tín quốc tế, lại giúp phát triển kinh tế Trung Quốc tại các vùng đông bắc còn nghèo nàn như Liêu Ninh, Cát Lâm, Hoắc Long Giang.
- Lê Thu
Quan hệ Nga - Triều: Vì ta cần nhau
Đối với Nga, mọi diễn biến xấu trên bán đảo Triều Tiên đều gây bất lợi trực tiếp tới Moscow. Nga sẽ hết sức nỗ lực để không có viễn cảnh can thiệp vũ trang tại đây.
|