- Trong kế hoạch quốc phòng mới của Mỹ được công bố vào ngày 5/1, điều làm dư luận bất ngờ nhất là Mỹ vẫn cam kết duy trì "ưu thế vượt trội" của mình, đồng thời tăng cường hiện diện tại châu Á trong bối cảnh cắt giảm mạnh ngân sách cho quốc phòng.
Cùng với việc rút quân khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan - nơi mà Mỹ sa lầy suốt hơn một thập kỷ qua, dường như Washington đang muốn giải quyết các nguồn cơn gây nên vấn đề xâu xé nước Mỹ và thế giới, đồng thời xốc lại lực lượng để dồn quân sang một mặt trận mới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng, câu hỏi lớn nhất đặt ra là: Tại sao lại là châu Á - Thái Bình Dương và tại sao lại là lúc này - khi ngân sách quốc phòng của Mỹ thắt chặt hết sức có thể?
Trong hơn 2 năm trở lại đây, Mỹ đã nhiều lần nói về việc trở lại khu vực này. Trong diễn đàn ARF tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với an ninh và hàng hải tại biển Đông, bất chấp thực tế nơi đây đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên biển giữa một số quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Trong bài tiểu luận thể hiện tầm nhìn này, bà Hillary Clinton đã giải thích rằng thực tế mới trên toàn cầu đòi hỏi Hoa Kỳ phải có sáng kiến, cạnh tranh và thay đổi đường lối lãnh đạo.
"Trong một thời điểm khan hiếm nguồn lực, chúng ta phải biết đầu tư các nguồn lực này một cách khôn ngoan vào những nơi mà chúng ta có thể tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Đó là lý do tại sao khu vực châu Á-TBD tượng trưng cho vận hội đích thực của thế kỷ XXI đối với chúng ta.”
Như vậy, an ninh hàng hải chỉ là cái cớ vì đó không phải là lợi ích duy nhất của Mỹ trong khu vực. Trước sự vươn lên mạnh mẽ toàn diện về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa của Trung Quốc mà Mỹ luôn lo ngại là một "sự trỗi dậy không hòa bình", Mỹ không thể cứ mãi sa lầy ở Trung Đông và để cho một lực lượng khác dần vươn lên thế siêu cường và soán ngôi trong tương lai không quá xa.
Vậy nên, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bali năm 2011, Tổng thống Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ ở lại khu vực châu Á - TBD. Sự trở lại này kèm theo một thông điệp nhằm tạo thế đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc và qua đó, khẳng định một cách rõ ràng vị thế đơn cực mà Mỹ tin rằng vẫn thuộc về mình.
Với quyết định này, ông Obama đã thay đổi toàn diện tầm nhìn của các nhà chính trị, quân sự Mỹ về tương lai quyền lực của Mỹ. Và như vậy, con đường để duy trì sức mạnh toàn cầu của Mỹ đã chuyển sang các tuyến hàng hải hướng về châu Á - TBD, và bao quanh Trung Quốc.
Cùng với một loạt các cuộc tập trận chung với các đối tác và đồng minh trong khu vực của Mỹ vào năm ngoái, tăng cường sự hiện diện của các hàng không mẫu hạm (mô hình thu nhỏ biểu trưng cho nước Mỹ) trong vùng biển Thái Bình Dương, Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động của các liên minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật Bản nhằm khẳng định sức mạnh của một siêu cường quân sự ở châu Á- TBD, với mục đích răn đe Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Mỹ muốn đẩy "quả bóng trách nhiệm" sang cho Trung Quốc trong vấn đề đối phó với CHDCND Triều Tiên. Mặt khác, Mỹ cũng muốn sử dụng chính vấn đề của Bình Nhưỡng như một cái cớ để nhằm vào Bắc Kinh và tích cực ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong cuộc xung đột lãnh thổ với Trung Quốc và Nga - hai đối thủ chính trong chiến lược đổi mới, mở rộng và thống nhất các liên minh quân sự ở châu Á - TBD của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang bị Washington bao vây theo cung hình chữ C. Ngoại trừ Nêpan, Pakistan và CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc nghĩ rằng hầu như xung quanh Trung Quốc đang bị o bế bởi các yếu tố liên quan tới Mỹ.
Như vậy, thông điệp và động thái của Mỹ có mục tiêu rõ ràng là phải tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - TBD ở mức lớn mạnh hơn từ trước tới giờ. Dù cho giới chức Mỹ từng nói rằng họ không sợ Trung Quốc vươn lên, nhưng với chiến lược này, mọi người sẽ hiểu rằng đấy là "nói vậy mà không phải vậy".
- Lê Thu