Vụ ám sát nhằm vào một nhà khoa học hạt nhân nữa của Iran hôm 11/1 có thể sẽ khiến cho nước Cộng hòa Hồi giáo cố gắng đáp trả tương tự. 

Vụ ám sát ông Mostafa Ahmadi-Roshan giống như các vụ tấn công trước đó nhằm vào các nhà khoa học Iran.

Mostafa Ahmadi-Roshan là nhà khoa học thứ 4 của Iran trở thành mục tiêu ám sát chỉ trong vòng 2 năm. Vụ việc xảy ra giữa thời kỳ đỉnh điểm của một chương trình tấn công tinh vi qua mạng và hai vụ nổ bí ẩn tại các căn cứ quân sự Iran, với một trong đó xảy ra hồi tháng 11, giết chết một vị tướng có biệt danh "Bố già" về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Không ai đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ tấn công kể trên, nhưng Iran quy kết cho kẻ thù lâu năm của nước này, Israel, và đôi lúc là Mỹ. 

Bất kể ai là thủ phạm, Iran rõ ràng đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch không công khai nhằm làm chậm chương trình hạt nhân của nước này, vốn bị phương Tây và Israel nghi ngờ là để sản xuất bom nguyên tử. 

Mostafa Ahmadi-Roshan đã chết vì một quả bom từ trường mà hai người đàn ông đi trên xe máy gắn vào ôtô của ông, chiếc Peugeot 405. Kẻ nhắm tới Mostafa rõ ràng nắm rõ lộ trình cũng như chiếc xe và thời giờ của ông.

Một quả bom nhỏ được chế tạo chuyên nghiệp để giết chết nạn nhân nhưng chỉ gây tổn hại hạn chế đối với xung quanh. Thiết bị này rất giống với quả bom được sử dụng hồi tháng 11/2010 nhằm vào một nhà khoa học hạt nhân khác, ông Majid Shahriari.

Trước đó cùng năm, một quả bom gắn vào xe máy đã cướp mạng sống của một giáo sư vật lý học và một quả bom khác suýt nữa giết chết một nhân vật sắp trở thành tân Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran. 

"Chiến lược ám sát"

Mostafa Ahmadi-Roshan, nạn nhân của vụ ám sát hôm 11/1, vừa là giảng viên đại học vừa là người giám sát cấp cao tại cơ sở làm giàu uranium Natanz. 

Ở một đất nước ưa giữ bí mật như Iran, rất khó xác định cái chết của ông Mostafa sẽ tạo ra bao nhiêu khác biệt, nếu có, đối với chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của nước này.

"Có thể hiểu là vụ việc có thể có tác động làm chậm tiến độ của chương trình", trích lời Mark Fitzpatrick, một chuyên gia về phổ biến hạt nhân tại Viện Các nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London. 

"Có một vài lĩnh vực kỹ thuật chủ chốt mà Iran vẫn chưa làm chủ... Vì thế, một chiến lược ám sát là biện pháp hiệu quả để làm chậm tiến trình. Nhưng cũng có thể Iran đã tiến xa hơn điểm này rồi".

Vậy, ai đứng sau chiến dịch không công khai này?

Không một ai lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng Israel đã không hề che giấu sự hài lòng trước bất kỳ một bước tụt lùi nào của chương trình hạt nhân Iran, điều mà Nhà nước Do Thái lo ngại có thể sớm trở thành mối đe dọa đối với sự tồn tại của họ. 

Trước kia, các quan chức Israel hoặc là từ chối dính líu đến các vụ tấn công, hoặc từ chối bình luận. Tuy nhiên, cơ quan tình báo hải ngoại Mossad của nước này được tin là một trong những mạng lưới tốt nhất về lực lượng cung cấp tin tức và mật vụ ở Trung Đông. 

Năm 2011, một người Iran thú nhận đã được Mossad tuyển mộ để ám sát một nhà khoa học từ trước đó trong năm. 

Virus máy tính Stuxnet - được bí mật truyền vào chương trình hạt nhân của Iran năm 2009 và gây ra thiệt hại tạm thời cho các máy li tâm của nước này - được tin là sản phẩm của các chuyên gia mạng Mỹ, Israel và có thể là Anh.

Trả đũa?

Đến nay, Iran vẫn chưa có phản ứng về các vụ tấn công này, thay vào đó họ lớn tiếng lên án chúng và thề sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của mình. 

Tuy nhiên, vụ ám sát mới nhất có thể là một giọt nước làm tràn li, khiến cơ quan tình báo hùng mạnh của nước này, Etilaat, và Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng tiến hành một số cuộc tấn công ở nước ngoài. 

Nếu họ muốn trả đũa nhằm vào Mỹ, họ chắc chắn có đủ các điệp vụ ở Iraq và Afghanistan để gây khó khăn cho người Mỹ tại đó. 

Tấn công nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân của Israel là việc rất khó - được biết họ được bảo vệ rất chặt chẽ và tình báo Israel đang tăng cường đề phòng bất kể phản ứng nào của Iran. 

Richard Dalton, Đại sứ Anh tại Iran từ năm 2002 tới năm 2006 và giờ là một thành viên của nhóm cố vấn Anh Chatham House, tin rằng chiến dịch ngầm chống lại các nhà khoa học Iran đang bước vào giai đoạn nguy hiểm. 

"Bước tiếp theo đối với Iran là phản ứng kiểu nợ máu trả máu", theo ông Dalton. "Nếu một nhà nước đứng sau chiến dịch này thì đây là một chính sách khủng bố nhà nước mang tính quốc tế và nó đang mời gọi một phản ứng. Đó có vẻ như là một nút xoắn nữa mà sẽ dẫn tới một kiểu ăn miếng trả miếng".

Thanh Hảo (Theo BBC)