Vào ấn bản tháng 1-2/2011 của tờ Chính sách Đối ngoại, cựu quan chức CIA Paul Pillar đã đưa ra nhận định về mức độ quan trọng của thông tin tình báo - kể cả tin tốt lẫn tin xấu - có thể ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của tổng thống, sửa đổi chính sách đối ngoại của Mỹ, ngăn chặn các bất ngờ.

Cho dù hạn chế của cộng đồng tình báo Mỹ là gì, họ vẫn phải đối mặt với các chỉ trích vì những thiếu sót trong thông tin tiếp nhận, mà gần đây nhất là việc họ không thể dự báo trước được phong trào Mùa xuân Ả Rập và hoàn toàn không hay biết gì về thông tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời.

Dưới đây là các thất bại tệ hại nhất trong lịch sử tình báo Mỹ

Vụ tấn công Trân Châu Cảng

Trong hình là tàu USS Arizona bị cháy trong đợt không kích của Nhật vào Trân Châu Cảng hôm 7/12/1941.
Trong buổi mình minh ngày 7/12/1941, quân Nhật đã ném bom phủ đầu lên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii, buộc Mỹ phải tham chiến trong Chiến tranh Thế giới II. Căn cứ hải quân hoàn toàn không hay biết gì về cuộc tấn công này, thậm chí Hoa Kỳ lúc đó đã cố gắng giải mã ngoại giao của Nhật trong một diễn biến dẫn tới vụ không kích và một tùy viên quân sự tại Java đã cảnh báo Washington về việc Nhật lên kế hoạch tấn công Hawaii, Philippines và Thái Lan trước đó 1 tuần. "Chưa bao giờ chúng tôi có được một bức tranh tình báo đầy đủ tới như vậy về kẻ thù" - Roberta Wholstetter viết trong tác phẩm "Trân Châu Cảng: Cảnh báo và Quyết định".

Tuy nhiên, bức tranh đó lại không bao giờ được xem xét một cách đầy đủ bởi sự chia sẻ không thích đáng giữa các cơ quan của chính phủ, các nhận định chủ quan của phía Mỹ cho rằng Nhật sẽ không dám thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng như vậy, và sự cạnh tranh đối địch trong chính cộng đồng tình báo của Mỹ.

CIA được thành lập năm 1947, trực thuộc Cơ quan Hành động An ninh Quốc gia sau đó đã lưu ý rằng cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng đã nhấn mạnh vào nhu cầu phân biệt giữa "các dấu hiệu" và hiện tượng "nhiễu" và thành lập một tổ chức tình báo tập trung.

Cuộc đổ bộ vào Vịnh Con Lợn

Trong ảnh là các lính gác giám sát các thành viên của "Lữ đoàn Tấn công 2506" sau khi bị tóm gọn tại Vịnh Con Lợn vào tháng 4/1961.
Vào tháng 4/1961, CIA đã lên kế hoạch lật đổ chính quyền của Cuba và định thay thế bằng một chính quyền khác cùng với sự giúp đỡ của những người Cuba lưu vong. Nỗ lực này đã thất bại khi một trận không kích nhằm vào không quân Cuba đã không thành, và "Lữ đoàn tấn công 2506" gồm 1400 người đã bị quân đội Cuba tấn công ngay khi đáp vào duyên hải phía nam của đất nước. Cuộc đổ bộ vụng về này đã phá hỏng quan hệ Mỹ - Cuba.

Các tài liệu của CIA sau đó công bố cơ quan này cho rằng Tổng thống John F. Kennedy từng nói có thể sẽ ủy thác cho quân đội Mỹ tấn công nếu như tất cả các phương án khác thất bại, tổng thống cũng không bao giờ đưa ra một nhận định nào bày tỏ nghi ngờ liệu rằng chiến dịch này có thể thành công mà không cần tới sự hỗ trợ của quân đội Mỹ -- Kennedy tất nhiên là không bao giờ có ý định đưa ra hỗ trợ này.

(Sử gia Piero Gleijeses đã ví CIA và Kennedy như những con thuyền mất hút trong đêm). CIA cũng không có bất kỳ sự trợ giúp nào trong một năm sau đó vì nghĩ rằng Liên Xô có vẻ như không hề thiết lập bất kỳ hệ thống tên lửa tấn công nào tại Cuba trong một báo cáo phát hành một tháng trước Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, dù cho sau đó cơ quan này đã bù lấp một chút bằng tấm ảnh chụp vội về các khu vực tên lửa của Cuba.

Chiến dịch Tết Mậu Thân

Trong hình là quân đội miền Bắc trên đường vào Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Vào ngày 31/1/1968, trong suốt dịp Tết Âm lịch năm Mậu Thân, lực lượng quân đội miền Bắc Việt Nam khiến cho quân đội Mỹ choáng váng với một chiến dịch tấn công quy mô vào miền Nam. Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân được cho là trận đánh có tính chất quyết định nhất của Việt Nam. Mỹ hoàn toàn vỡ mộng với cuộc chiến tại đây, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã phải chuyển hướng và tập trung vào việc giảm dần quân Mỹ tại Việt Nam.

Một cuộc điều tra ngay sau đó đã kết luận: các quan chức quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cùng với các nhà phân tích thông tin tình báo đã thất bại trong việc dự đoán về "cuộc tấn công dữ dội, có sự phối hợp, và đúng lúc" của quân đội miền Bắc - bất chấp nhiều dấu hiệu cảnh báo trước đó.

Người quản lý thư viện Hải quân Glenn E. Helm lưu ý rằng các nguyên nhân như việc coi thường thu thập thông tin tình báo, các rào cản ngôn ngữ, và không nắm được chiến lược của đối phương đã đóng các vai trò quan trọng trong thất bại tình báo này.

Cách mạng Iran

Trên hình là những người biểu tình Iran đang giơ cao hình ảnh của Ayatollah Khomeini vào ngày 1/1/1979 trong cuộc tuần hành ở Tehran nhằm chống lại nhà vua.
Trong tháng 8/1978 - 6 tháng trước khi Shah Mohammed Reza
Pahlavi - một nhân vật được Mỹ hậu thuẫn - bỏ trốn khỏi Iran, CIA đã đưa ra một tuyên bố ít người biết, rằng "Iran hiện giờ không ở trong tình trạng của một cuộc cách mạng, hay thậm chí là tiền khởi nghĩa". Còn giờ như chúng ta đều biết, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã lên nắm quyền trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, mở ra một mối bất hòa giữa Iran và Mỹ và kéo dài cho tới tận ngày nay.

Theo Gary Sick - một thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, Mỹ đã thu hẹp lại thông tin tình báo thu thập được bên trong Iran trước khi khởi nghĩa nổ ra để thể hiện sự tôn kính với Vua Iran. Điều này khiến cho các quan chức Mỹ coi nhẹ sự oán hận dân cao của người dân Iran đối với nhà vua và với Mỹ, đồng thời đánh giá không đúng tầm thực lực của phe đối lập khi lật đổ nhà vua. 

Bên cạnh đó, một báo cáo của Đại học Georgetown hồi năm 2004 đã chỉ ra rằng mạng lưới tình báo Mỹ từng cảnh báo về quyền lực ngày càng suy yếu của nhà vua Iran và lực lược tôn giáo đối lập đang mạnh lên, và rằng đấu tranh chính trị và việc chính quyền Carter dính líu vào các cuộc đàm phán hòa bình với Ai Cập - Israel đã thổi bùng thêm sự căm ghét của Iran đối với Mỹ.

Liên Xô đổ bộ vào Afghanistan

Trong ảnh là các trẻ em Afghanistan vẫy cờ Afghanistan và cờ Liên Xô ở gần thủ đô Kabul vào ngày 15/5/1988 khi quân đội Nga bắt đầu rút khỏi Afghanistan.
Mỹ hoàn toàn bất ngờ với việc Liên Xô tiến quân vào Afghanistan hồi tháng 12/1979. Mạng lưới thông tin tình báo của Mỹ đã cho rằng điều này khó có thể xảy ra vì việc này sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của Liên Xô, nhưng không ngờ thực tế diễn biến ngược lại với cách họ vẫn nghĩ.

Cựu quan chức tình báo CIA Douglas MacEachin nhớ lại chỉ vài ngày sau cuộc đổ bộ, có một câu đùa mỉa mai sai lầm này lan truyền khắp cơ quan tình báo rằng: "các nhà phân tích đã hiểu đúng, chỉ có Liên Xô đã nhầm".

Trong cuốn sách "CIA và Văn hóa Sai lầm", John Diamond thừa nhận rằng cơ quan này đã không thể dự đoán được cuộc đổ bộ mãi cho tới sát lúc sự việc diễn ra.

  • Lê Thu (theo FP)