Các nước Ả rập và phương Tây thúc giục Hội đồng bảo an LHQ mau chóng đưa ra một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và chấm dứt bạo lực tại nước này, vốn đã làm hàng nghìn người thiệt mạng.


Trong khi đó, lực lượng chính phủ Syria hôm 31/1 đã tái nắm quyền kiểm soát ngoại ô Damascus sau khi đánh bại quân nổi dậy tại cửa ngõ của thành phố.

Những tuyên bố trên dường như được đưa ra để buộc Nga phải có quyết định khi nước này vẫn ngần ngừ trong việc ủng hộ một nghị quyết và lên án chính phủ của ông Assad vì trấn áp các cuộc biểu tình một cách bạo lực.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập Nabil Elaraby kêu gọi Hội đồng Bảo an có hành động quyết đoán và nhanh chóng về một nghị quyết phê chuẩn yêu cầu của liên đoàn về việc ông Assad sẽ chuyển quyền cho cấp dưới và xoa dịu cuộc nổi dậy đã kéo dài 10 tháng chống lại ông này. "Đừng để người dân Syria rơi vào tình trạng tuyệt vọng", Elaraby nói.

Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim cảnh báo 15 nước thành viên rằng "cỗ máy giết người ở Syria vẫn hoạt động".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Liên đoàn Ả rập rằng Hội đồng Bảo an nên có hành động nhanh chóng. Bà Hillary cũng cảnh báo rằng bạo lực đang đẩy Syria tới bờ nội chiến. "Bằng chứng đã rất rõ ràng là lực lượng của ông Assad đang tiến hành mọi cuộc tấn công giết hại dân thường và ngày càng có nhiều dân thường cầm vũ khí chống lại sự tàn bạo ngày càng tăng và vượt vòng kiểm soát", bà Hillary nói với HĐBA "Chúng ta có một lựa chọn: sát cánh với người dân Syria và khu vực hoặc đồng lõa với tình trạng bạo lực đang tiếp diễn".

Cùng lúc, các nước Ả rập và phương Tây cũng khẳng định rõ ràng là họ đang cố tránh một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài kiểu Libya vào khủng hoảng Syria, vì sợ Nga phủ quyết. "Chúng tôi không kêu gọi can thiệp bằng quân sự. Chúng tôi ủng hộ việc gây sức ép kinh tế mạnh tới mức chính quyền Syria nhận ra được họ buộc phải đáp ứng đòi hỏi của người dân".

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, nghị quyết của HĐBA sẽ không kêu gọi tiến hành một hành động quân sự và không thể dùng để phê chuẩn hành động quân sự. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe mô tả ý tưởng can thiệp như một chuyện hoang đường.

Số phận của một nghị quyết về Syria sẽ phụ thuộc vào Nga, một trong vài đồng minh còn lại của ông Assad. Các nước sẽ cố thuyết phục Nga không bác bỏ nghị quyết. Phái viên của Nga tại LHQ là Vitaly Churkin nói, một thỏa thuận giữa các nước thành viên hội đồng bảo an là hoàn toàn có thể xảy ra và việc bao gồm ý kiến của Nga trong bản dự thảo là một dấu hiệu tích cực.

Tại Syria, các nhà hoạt động ở các quận phía đông Damascus cho biết, quân đội bắn chỉ thiên khi họ tiến vào các vùng mà nhóm những người đào tẩu của Quân đội giải phóng Syria đã rút lui, chấm dứt ba ngày giao chiến làm ít nhất 100 người chết. Xe tăng bắt đầu tràn vào khu vực.

"Vùng ngoại ô đang nằm dưới lệnh giới nghiêm không chính thức. Một số hàng tạp hóa đã mở cửa vào buổi sáng và các binh lính đi tới, đánh người chủ, buộc họ phải đóng cửa hàng", một nhà hoạt động tại vùng Ain Tarma cho biết hôm qua.

Cuộc nổi dậy chống ông Assad - một trong những cuộc nổi dậy bạo lực nhất của "Mùa xuân Ả rập" - đã bước sang một giai đoạn mới trong vài tuần qua với các lãnh đạo nổi dậy đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã dám lộ diện ở ngoại ô thủ đô.

Syria là nước đồng minh Ả rập chính của Iran - một quốc gia phi Ả rập, và việc này khiến ông Assad rơi vào thế đối đầu với các lãnh đạo Ả rập.

  • Hoài Linh (Theo AP, Reuters)