Mikhail Prokhorov là một trong số những người giàu nhất tại Nga và giờ ông muốn tham gia cuộc đua vào Kremlin, lên kế hoạch thách thức Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2012. Trao đổi với tờ Tấm Gương (Đức), tỉ phú Mikhail Prokhorov đã bày tỏ quan điểm của ông về tầng lớp chính trị của Nga.
Tỉ phú Mikhail Prokhorov đang là đối thủ đáng gờm nhất của ông Putin hiện nay |
Prokhorov: Một doanh nhân có các kỹ năng xã hội đi kèm với các năng lực lãnh đạo là chuyện hoàn toàn bình thường. Khi tôi lãnh đạo công ty khai mỏ Norilsk Nickel, tôi cũng phải giải quyết cả vấn đề của các vườn trẻ, dự trữ năng lượng và xây dựng nhà ở. Ở quy mô nhỏ hơn, tôi cũng đã hoàn thành những gì cần thiết ở một quy mô quốc gia. Việc có một tổng thống từng đạt được thành quả trong cuộc sống cũng là một điều hay.
- Ông không nghĩ rằng trong kinh doanh và chính trị cần áp dụng các vai trò khác nhau? Các chính trị gia thì tranh giành sự ảnh hưởng trong môi trường công chúng, còn các doanh nhân lại đưa ra quyết định bên trong các căn phòng kín.
Rất nhiều quyết định chính trị được đưa ra mà công chúng không được biết. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất của nước Nga. Thậm chí tại các quốc gia như ở châu Âu với nền dân chủ lâu đời, sự tham gia của công chúng cũng không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Một doanh nhân có thể mất tiền và sau đó kiếm lại. Còn tiền bạc trong chính trị chính là lòng tin. Khi bạn thất tín một lần, bạn sẽ khó mà giành lại lòng tin của mọi người lần thứ hai.
- Lòng tin của người dân Nga dành cho Thủ tướng Vladimir Putin đã sụt giảm đáng kể. Vậy theo ông, tại sao tỉ lệ tín nhiệm của ông Putin lại bị sụt giảm từ 70% xuống còn 50% (theo các thăm dò chính thức), hoặc thậm chí là 40% (theo một khảo sát nội bộ)?
Sai lầm căn bản nhất của ông ấy nảy sinh trong cuộc đối thoại tại đảng Nước Nga thống nhất vào cuối tháng Chín vừa qua, khi Tổng thống Dmitry Medvedev và ông Putin nói rằng đơn giản là họ chỉ thay đổi vị trí cho nhau. Đó là một sự nhạo báng. Điều đó khiến cho người dân nổi giận. Lớp người trí thức sau đó nói rằng: Chờ chút đã, chúng tôi đóng tiền thuế và do đó chúng tôi được tôn trọng và đòi hỏi sự tôn trọng. Mọi người không thể cứ im lặng mãi khi mà các quyết định được đưa ra trên đầu họ.
- Liệu có phải điện Kremlin cử ông tham gia vào cuộc chạy đua này, để xoáy vào sự bất mãn?
Tôi tự đưa ra quyết định của riêng mình. Tôi vẫn hay làm như vậy. Tôi không bao giờ nằm trong dự án của bất kỳ ai cả.
- Ông tán thành một bộ luật giới hạn nhiệm kỳ nhằm tránh việc một cá nhân tại nhiệm trong nền chính trị hơn hai nhiệm kỳ. Vậy sau đó, điều gì sẽ xảy ra với Vladimir Putin - người đang tìm cách trở thành tổng trong nhiệm kỳ thứ ba vào tháng Ba tới đây? Có nên để ông ấy [Putin] lãnh đạo công ty Gazprom và Medvedev trở thành chủ tịch của Tòa án Hiến pháp?
Tôi quá bận nên không có thời gian để nghĩ tới những ý tưởng kỳ lạ thế.
Theo ông Mikhail Prokhorov , sai lầm của Thủ tướng Vladimir Putin là khi ông này nói với Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev rằng họ chỉ đơn giản là thay đổi vị trí cho nhau. |
Tôi chủ trương một nước "Nga cùng với Putin", nhưng cùng với cả những người như nhà văn Boris Akunin và blogger Alexei Navalny - họ là những người yêu cầu ông Putin rút lui. Nếu như các bên khác nhau không thể tiến hành hòa giải thành công thì trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc nội chiến. Tôi không hề thích thú gì với giải pháp "nước Nga không Putin". Chúng tôi không cần cách mạng, cái chúng tôi cần là cách tân.
- Vậy thì tại sao sau đó ông lại chạy đua chống lại Putin?
Chính xác thì đó là bởi vì chúng tôi cần sự cách tân, những tư duy mới và ý tưởng mới. Putin xứng đáng được tôn trọng vì những gì mà ông ấy đã làm cho nước Nga. Đặc biệt, trong những năm đầu ông ấy nắm quyền, ông ấy đã thống nhất được một mảnh đất bị chia rẽ, và đơn giản hóa luật thuế. Thu nhập của người dân tăng lên. Chính những người trong tầng lớp trung lưu lại không chấp nhận thêm được nữa tình trạng thiếu quyền công dân.
- Nếu đắc cử tổng thống, ba biện pháp đầu tiên mà ông sẽ tiến hành là gì?
Đối với tôi, việc quan trọng là phải thiết lập sự cạnh tranh trong kinh doanh và chính trị. Khi bạn bước vào các cửa hàng trong các thành phố lớn ở Nga, bạn có thể lựa chọn giữa hàng tá tủ lạnh hoặc bình uống trà. Nhưng trong chính trị, bạn lại có quá ít lựa chọn.
- Vậy chính xác thì điều ông muốn thay đổi là gì?
Tôi muốn việc thiết lập các đảng phái trở nên dễ dàng hơn. Mức 7% trong cuộc đua vượt rào để trở thành đại biểu quốc hội nên hạ xuống còn 3%. Nhiệm kỳ tại vị nên rút xuống còn 4 năm thay vì 6 năm. Về kinh tế, tôi sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền, chẳng hạn như Gazprom. Thứ ba, tôi sẽ đặt đầu tư cho giáo dục, khoa học và văn hóa làm ưu tiên hàng đầu. Những thứ đó còn quan trọng hơn nhiều so với chi tiêu quốc phòng cao như hiện nay. Lúc này, không có ai đe dọa đất nước chúng tôi cả.
- Người Nga không ưa các nhà tài phiệt. Ông đánh giá cơ hội vào điện Kremlin của mình như thế nào?
Đúng là có định kiến chống lại những doanh nhân giàu có, nhưng cũng không nhiều như trước kia. Trên tất thảy, đất nước tôi không ưa những người dối trá.
- Như là gian lận bầu cử và các công bộc tham nhũng?
Đúng vậy.
- Vậy theo ông, tại sao ông lại nghĩ rằng tiếng tăm của người giàu tại Nga lại được cải thiện?
Bởi vì họ tạo ra nhiều công ăn việc làm, đầu tư vào đất nước, tham gia vào hoạt động từ thiện và giúp đỡ mọi người. Trong chiến dịch tranh cử, tôi đã nói với rất nhiều người dân bản địa. Rất nhiều lần mọi người đến và nói với tôi rằng: 'Thật ra, tôi là một người cộng sản, nhưng tôi sẽ bầu cho ông bởi vì tôi biết rằng ông không vụng trộm. Đó chính là lúc mà một người thành đạt nên nắm lấy quyền lực từ những người đã lạm dụng vị trí của mình để nhồi nhét ví tiền của mình (một cách bất chính).
Về tỉ phú Mikhail Prokhorov: Ông 46 tuổi, là người giàu thứ ba tại Nga. Tạp chí Forbes của Mỹ ước tính tài sản của ông trị giá khoảng 18 tỉ euro (24 tỉ USD). Ông cao trên 2m, hầu như toàn bộ tiền bạc của ông đều nằm trong ngành kinh doanh kim loại. Ông hy vọng sẽ trở thành Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử vào đầu tháng Ba tới đây, thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev.
- Lê Thu (theo Tấm Gương)