Những tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng đã tấn công một trại tị nạn gần 1.500 người vùng ngoại ô Tripoli, xả súng vào các thường dân vô tội.

Huda Bel-Eid bị bắn vào chân trong vụ thảm sát vừa qua tại ngoại ô Tripoli
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng sau vụ nổ súng này. Sự việc này đã dấy lên các lo ngại rằng người dân thường ở Libya hiện đang có quá ít sự bảo vệ trước các nhóm vũ trang điên cuồng.

Hơn nữa, từ thực tế vụ xả súng đẫm máu diễn ra ngay bên ngoài thủ đô đã dấy lên hàng loạt câu hỏi về năng lực cầm quyền của chính phủ chuyển tiếp hiện nay.

"Những người đàn ông ở Misrata đã tới trại [ở quận Janzour] vào lúc 10 giờ đêm [hôm thứ Hai]. Chúng tôi biết họ đến từ Misrata vì nó đều được viết trên tất cả xe của họ" - Huda Bel-Eid, một người dân sống trong trại nói tại Bệnh viện Tripoli.

Theo các báo cáo khác nhau, con số người thiệt mạng dao động trong khoảng từ 6 đến 12 người, trong đó có cả trẻ em người già và phụ nữ. Khu vực xung quanh trại đã bị các tay súng phong tỏa nhằm ngăn chặn mọi sự tiếp cận từ bên ngoài với những người tị nạn.

Các nhà cầm quyền ở Janzour cho biết những người tị nạn cũng tự trang bị vũ khí bằng dao và gậy để cầm cự. Nhưng người dân địa phương và các bác sĩ lại thông tin rằng những người bị thương nói lại là họ không được trang bị vũ khí. Các bác sĩ tại bệnh viện Trung ương Tripoli đã xác nhận là họ bắt đầu nhận được các thi thể từ trại chuyển ra.

Các quan chức ở hội đồng quân sự Misrata bác bỏ mọi nghi ngờ rằng vụ xả súng liên quan tới quân đội của họ, nhưng người dân địa phương cho biết họ tin chắc rằng những tay súng này đến từ Misrata. Họ đang kêu gọi những người dân trong trại tị nạn phải tự trang bị vũ khí nhằm tự vệ nếu như sau này lại bị tấn công.

Rất nhiều nhà quan sát nhận định rằng trại tập trung này đã trở thành nơi cư trú cho những người dân trước kia sống ở thành phố bạo loạn Tawergha; do đó, vụ xả súng này là do phân biệt sắc tộc nhằm vào người da đen trước kia từng ở Tawergha.

Những người tị nạn ở Tawergha đã chuyển tới trại tị nạn ở ngoại ô Tripoli sau khi thành phố này bị lực lượng nổi dậy kết hợp cùng với chiến dịch của NATO thổi bay khỏi bản đồ vào tháng 8/2011.

Những người dân thường trước kia sống ở Tawergha cho biết họ bị cáo buộc là cùng một phe với cựu lãnh đạo Gaddafi và vẫn bị hiểu nhầm là toán lính đánh thuê chiến đấu vì Gaddafi. Người dân địa phương thì cho rằng điều này chẳng qua chỉ là cái cớ cho việc tàn sát những người da đen ở Tawergha.

Dân cư của thành phố Tawergha trước đây hầu hết là người Libya và người nhập cư da đen. Điều này có nguồn gốc từ thế kỷ 19 khi thành phố đóng vai trò là một nơi trung chuyển buôn bán nô lệ. Trên khắp con đường nối từ Misrata và Tawergha có đầy các khẩu hiệu như "đội quân [Misrata] vì mục tiêu xóa sạch nô lệ và màu da đen".

Các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó đã đưa ra các bằng chứng về tội ác phân biệt chủng tộc do các đội quân Misrata tiến hành nhằm vào người da đen ở Tawergha.

Theo báo cáo do các hãng truyền thông độc lập tiến hành, các lãnh đạo phe nổi dậy đã đe dọa Tawergha từ rất lâu trước khi bạo loạn xảy ra. Các đe dọa này bao gồm việc kêu gọi "các biện pháp tẩy chay mạnh tay như cấm người gốc Tawergha làm việc, sống hoặc gửi trẻ em đến trường ở Misrata".

Nhưng ngay cả khi tệ phân biệt chủng tộc chỉ mới nhen nhóm trước khi cuộc nội chiến tại Libya nổ ra, thì với tình trạng bất ổn hậu-Gaddafi, những tội ác do thù địch sắc tộc vẫn dễ dàng diễn ra dưới các hình thức ngụy trang khác nhau.

  • Lê Thu (theo RT)