Ba nhà hoạt động của Hàn Quốc ủng hộ việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hình phạt vì đã tự ý liên lạc trái pháp luật với những người ở CHDCND Triều Tiên tại Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Deajung và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il trong hội nghị liên Triều năm 2000. Ảnh: CNTV |
Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc - cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều - cho biết: ba công dân Hàn Quốc đại diện cho nhóm hoạt động ủng hộ thống nhất hai miền Triều Tiên có tên "Ủy ban miền Nam nhằm thực thi Tuyên bố chung ngày 15/6" sẽ phải trả giá cho việc vi phạm pháp luật nhằm tự động liên lạc liên Triều.
Không một công dân Hàn Quốc nào có thể tự ý sang miền Bắc Triều hoặc quan hệ với công dân miền bắc mà không được sự thông qua từ trước của chính phủ. Những người nào vi phạm điều này sẽ bị phạt tiền lên tới trên 1 triệu won (tương đương 890 USD).
"Chúng tôi đã thông báo với ủy ban rằng chúng tôi không thể chấp thuận yêu cầu thông qua việc liên lạc này" - vị quan chức của Bộ Thống nhất cho hay.
"Nhưng họ vẫn cứ tiến hành cuộc gặp với những người ở CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xử lý vấn đề theo đúng khuôn khổ quy định của pháp luật".
Các nhà hoạt động của Hàn Quốc đã tiến hành hai cuộc hội đàm với các quan chức CHDCND Triều Tiên ở Thẩm Dương (thành phố ở đông bắc Trung Quốc) và sau đó về nước vào sớm ngày thứ Bảy (11/2).
Việc liên lạc này nhằm chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm 12 năm "Tuyên bố 15/6" - tuyên bố này đưa ra vào ngày 15/6/200 trong hội nghị liên Triều lịch sử tại Bình Nhưỡng.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Deajung và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il.
Hội nghị này có tầm quan trọng rất lớn trong việc giải tỏa bớt căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Với sự kiện này, Tổng thống Kim Deajung đã giành được giải thưởng Nobel vì Hòa bình năm 2000.
Kể từ sau chiến tranh liên Triều, hai miền Triều Tiên vẫn được coi là trong tình trạng chiến tranh, và chia cắt bởi một giới tuyến phi quân sự kiên cố.
Lê Thu (theo Yonghap)