Các nhà ngoại giao của Liên đoàn Ảrập tuyên bố, việc trang bị vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria giờ đây là một lựa chọn chính thức của khối.
TIN BÀI KHÁC:
Điều gì xảy ra tiếp theo ở Syria?
Khủng hoảng Syria vẫn chưa có lối thoát
Xe tăng Syria tại Bab Amro gần thành phố Homs ngày 12/2. (Ảnh: Reuters)
Thành phố Homs ở phía tây Syria, thành trì của phong trào chống Tổng thống
Bashar Assad, đang hứng chịu ngày thứ 11 của một chiến dịch trấn áp liên tục.
Thông tin cho biết, 20 người đã thiệt mạng trên khắp Syria tối ngày 14/2 còn ở
Rankous, một thị trấn gần thủ đô Damascus, người dân đang lũ lượt đi lánh nạn
khi nơi này bị hỏa pháo của chính phủ tấn công.
Đề xuất mới của khối Ảrập
Trong khi Tổng thống Assad vẫn bỏ qua sự lên án của cộng đồng quốc tế về chiến
dịch trấn áp người biểu tình, các nước Ảrập do Ảrập Xêút đứng đầu đang nỗ lực
theo đuổi một giải pháp mới tại Liên Hợp Quốc tán thành kế hoạch hòa bình đã
được đưa ra tại một cuộc họp ở Cairo hôm 12/2. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của
Liên đoàn Ảrập tuyên bố, việc trang bị vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria
giờ đây là một lựa chọn chính thức.
Một nghị quyết được thông qua tại cuộc họp ngày 12/2 kêu gọi khối Ảrập "cung cấp
mọi loại hỗ trợ về chính trị và vật chất" cho phe đối lập, trong đó có việc
chuyển giao vũ khí.
"Chúng tôi sẽ ủng hộ phe đối lập về tài chính và
ngoại giao ở thời kỳ đầu, nhưng nếu tình trạng giết chóc của chế độ vẫn tiếp
diễn thì người dân bình thường phải được giúp đỡ để bảo vệ bản thân. Nghị quyết
cho các nước Ảrập tất cả các lựa chọn để bảo vệ người dân Syria", một đại sứ
Ảrập nói.
Tại Washington, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng, đề xuất về lực lượng gìn
giữ hòa bình của khối Ảrập sẽ rất khó được thông qua, vì Nga và Trung Quốc ủng
hộ Damascus. "Có rất nhiều thách thức cần được thảo luận... và chắc chắn đề xuất
về lực lượng gìn giữ hòa bình là một yêu cầu cần nhận được sự nhất trí và đồng
thuận...", bà Clinton nói tại một cuộc họp báo cùng với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ
Kỳ. "Vì chúng ta chưa biết sẽ có thể thuyết phục được Syria hay không. Đến nay
họ đã bác bỏ điều đó".
Bà Clinton dường như ngụ ý rằng Assad có thể, vì một lý do nào đó, sẽ chấp nhận
kế hoạch của Liên đoàn Ảrập và từ chức.
"Không ai muốn chứng kiến một cuộc nội chiến ở Syria. Vì vậy, chúng ta phải
khuyến khích chế độ Assad, và những ai ủng hộ chế độ đó, hiểu rằng có hoặc một
con đường hướng tới tạo lập hòa bình và chuyển giao dân chủ - những gì mà chúng
ta đang thúc đẩy - hoặc một con đường dẫn tới hỗn loạn và bạo lực".
Đe dọa hỗ trợ quân sự là nhằm gia tăng sức ép lên lãnh đạo Syria nhưng cũng có
nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột kiểu Libya hoặc một cuộc nội chiến sắc tộc.
Vũ khí lậu
Hôm 14/2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng khẩn thiết phải ngăn chặn chiến tranh và
hỗn loạn ở Syria. Ông cam kết sẽ làm việc thông qua Liên Hợp Quốc để tìm kiếm
một hồi kết cho xung đột tại đất nước này.
"Về vấn đề Syria, những gì khẩn thiết và cấp bách nhất hiện nay là phải ngăn
chặn chiến tranh và hỗn loạn, nhờ đó người dân Syria sẽ thoát khỏi những nỗi đau
lớn hơn", ông Ôn Gia Bảo nói.
Hiện tại, vũ khí lậu đang được tuồn vào Syria trong khi các phần tử nổi dậy từ
Iraq cũng đang xâm nhập vào nước này.
"Chúng tôi nghĩ al-Qaeda và một số tổ chức Sunni có vũ trang đang cử các chiến
binh tới Syria để tham gia vào cuộc chiến ở đó như một kiểu ủng hộ tinh thần",
một quan chức an ninh cấp cao Baghdad nói.
Trong khi đó, nhà hoạt động chống đối ở Syria, Mohammad al-Homsi, cho biết, tình
hình nhân đạo tại nước này ngày càng tồi tệ, với tình trạng thiếu thốn nhiên
liệu và thực phẩm trong khi giá cả tăng vọt.
Tại Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao nói rằng, một bản dự thảo nghị quyết của
Đại hội đồng, ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ảrập và kêu gọi chỉ định một đại
diện chung Liên Hợp Quốc - Ảrập ở Syria, sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong hôm nay
hoặc ngày mai (16/2).
Thanh Hảo (Theo Reuters, JPost)