Việc sản xuất "siêu đôla"- đôla giả không đòi hỏi Triều Tiên phải có một nhân tài đặc biệt nào đó. Tất cả chỉ là vấn đề máy móc.

Các nhà thương thuyết Mỹ đang có cuộc thảo luận "nghiêm túc và quan trọng" với giới chức Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi các bên thảo luận về việc Mỹ sẽ nỗ lực làm việc với Kim Jong-un như thế nào thì cũng có những suy đoán mở về việc liệu tân lãnh đạo Triều Tiên có vận hành việc sản xuất đồng 100 hay 50 không. Tiền ở đây không phải là đồng 50 hay 100 won của Triều Tiên mà đó là những đồng 50 USD và 100 USD giả, thứ mà mật vụ Mỹ gọi là "siêu đôla".

Những đồng siêu đôla này không phải là loại mà hầu hết những đối tượng làm giả, thường sử dụng máy in bình thường để sản xuất ra. Theo một nhà điều tra chống hàng giả có liên quan tới Europol nói, "siêu đôla chỉ là những đồng USD không phải do chính phủ Mỹ in ấn". Với vài ngoại lệ, chỉ có ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ mới được trang bị máy phát hiện siêu đôla.

Việc sản xuất "siêu đôla" không đòi hỏi Triều Tiên phải có một nhân tài đặc biệt nào đó. Tất cả chỉ là vấn đề máy móc. Chính quyền Triều Tiên dường như sở hữu máy in tương tự như loại máy in mà Cục in ấn và chạm khắc Mỹ sử dụng.

Có một giả thuyết nổi bật như sau, năm 1989, ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, những chiếc máy in trên đã rơi vào tay Triều Tiên từ một cơ sở bí mật ở Đông Đức, nơi vốn được dùng để in hộ chiếu giả và nhiều tài liệu mật khác. Loại giấy công nghệ cao mà Triều Tiên có cũng tương tự loại dùng để sản xuất USD thật, Bình Nhưỡng cũng mua loại mực tương tự từ một công ty của Thụy Sĩ, nơi cung cấp cho chính phủ Mỹ mực in tiền.

Việc làm giả đồng 100 USD của Triều Tiên được cho là nhằm giảm sức mạnh toàn cầu của Mỹ, trong trường hợp này là gieo rắc nghi ngờ về đồng đôla. Việc làm giả ở quy mô quốc gia là một loại bạo lực dần dần được tiến hành để chống kẻ thù và nó đã được thử nghiệm nhiều lần. Trong cuộc chiến tranh cách mạng, Anh đã in tiền giả để làm suy yếu đồng bản địa của nước thuộc địa. Napoleon cũng làm giả tiền của Nga trong các cuộc chiến Napoleon và trong thế chiến II, Đức cũng sản xuất nhiều đôla giả và bảng Anh giả.

Siêu đôla được coi là một hành động chiến tranh kinh tế, song động cơ của Bình Nhưỡng có vẻ trần tục hơn. Chính quyền nước này đang khánh kiệt. Năm 2009, với nỗ lực gây quỹ, Triều Tiên đổi tiền. Đồng won bị giảm giá trị 100 lần, điều đó có nghĩa là 1.000 won bất ngờ chỉ có giá trị mua bán của đồng 10 won. Giới chức áp đặt hạn chế về số tiền cũ có thể đổi sang tiền mới, vì vậy, bất kể giá trị như thế nào thì số tiền để dành của người dân đã bốc hơi chỉ sau một đêm.

Kể từ khi đồng siêu đôla bị phát hiện lần đầu cách đây hơn một thập niên, chính quyền Triều Tiên đã bỏ túi ước tính 15 tới 25 triệu USD/năm. Có một số ước tính cao hơn, lên tới hàng trăm triệu USD.

Trong một phóng sự điều tra được đăng trên tạp chí Vanity Fair, David Asher, người của Lầu Năm Góc chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên từ thời Bill Clinton, là lãnh đạo Sáng kiến chống các hoạt động phi pháp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ một số thông tin ít người được biết. Sáng kiến chống các hoạt động phi pháp là một cuộc điều tra toàn diện vào Phòng 39 của Triều Tiên và hàng loạt hoạt động của cơ quan này.

Asher cho hay, "Phòng 39 giống như một ngân hàng đầu tư. Nó cung cấp tiền cho mọi thứ mà lãnh đạo Triều Tiên cần. Giống mọi tổ chức tội phạm có tổ chức nào, phòng 39 cũng có một ông trùm, có kế toán và hoạt động của nó rất phức tạp, phải lần theo dấu mọi số tiền và đảm bảo rằng ông chủ nhận được tiền. Tuy nhiên, khi một thành viên trong tổ chức không phát tiền, đối tượng đó sẽ bị thủ tiêu".

Syung Je Park, giám đốc Viện chiến lược châu Á năm 2009 - một tổ chức cố vấn liên quan tới quân đội Hàn Quốc cho biết, Phòng 39 có khoảng 130 nhân viên, chuyên lên kế hoạch và giám sát các hoạt động ngoại quốc đồng thời vận hành các cơ sở sản xuất thuốc phiện, xì gà và in ấn tiền giả với quy mô lớn.

Phòng 39 giữ vai trò then chốt, Paul Janiczek, cựu phân tích gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên về các vấn đề Triều Tiên cho biết. Paul cho hay, lãnh đạo Phòng 39 là Kim Tong-un, cựu chuyên gia công nghiệp.

Theo Syung Je Park, một trong những chức trách của Phòng 39 là quản lý các tài khoản cá nhân trị giá nhiều tỷ đôla của lãnh đạo Triều Tiên tại Thụy Sĩ cũng như ở các ngân hàng tư nhân khắp toàn cầu. Cơ quan này hợp tác chặt chẽ với những phòng ban khác như Phòng 99, chuyên gây quỹ bằng cách bán tên lửa và những vũ khí khác cho các đối tượng mà Phòng 39 thấy thích hợp. Nếu Phòng 99 kiếm được lợi nhuận nó sẽ nộp tất cả cho Phòng 39", ông Park cho biết.

  • Lê Nguyễn (Theo Time, Vanity Fair)