Theo một nguồn tin của VietNamNet tại Moscow, trước khi bầu cử Tổng thống Nga diễn ra ngày 4/3, các cơ quan cảnh sát của Nga đã phát hiện ra clip về bầu cử gian lận.
Bầu cử Tổng thống tại Nga ngày hôm nay được các quan sát viên trong và ngoài nước giám sát chặt chẽ, cùng với hệ thống camera rộng khắp tại 91.000 điểm bầu cử |
Cũng theo nguồn tin của VietNamNet, tối nay, những người ủng hộ đương kim Thủ tướng Nga sẽ có cuộc mít-tinh ủng hộ ông Vladimir Putin tại 3-4 nơi ở thủ đô Moscow.
Số lượng người tham gia mít-tinh nằm trong giới hạn của Hội đồng Thành phố. Trong khi đó, phe đối lập cũng sẽ tiến hành tuần hành nhằm kêu gọi bầu cử minh bạch vào ngày mai.
Cộng tác viên Lê Văn của báo VietNamNet tại Moscow cho rằng với số lượng camera và quan sát viên kỷ lục trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này, khả năng gian lận bầu cử là rất khó xảy ra.
Các camera này đều được nối mạng và truyền trực tiếp lên internet để người dân có thể theo dõi trực tuyến. Đồng thời, chính quyền cũng kêu gọi người dân tham gia giám sát và phát hiện gian lận nếu có.
Một dự án đặc biệt nhằm lắp đặt các camera tại 91.000 điểm bỏ phiếu. Kế hoạch giám sát bằng camera này có trị giá lên tới 300 triệu USD. Hơn 1 triệu người sử dụng internet sẽ giám sát việc bỏ phiếu trên internet.
Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố vào 9h tối nay (giờ Nga), tức 12 giờ đêm giờ Việt Nam.
Khả năng chiến thắng
Về tỉ lệ ủng hộ và khả năng chiến thắng trong lần tranh cử này, cho tới nay, các ưu thế vẫn nghiên về ứng viên Vladimir Putin.
Theo VTsIOM - Trung tâm nghiên cứu dư luận công chúng của Nga, đương kim Thủ tướng Nga có nhiều khả năng thắng cử ngay từ vòng đầu với 58,6% số phiếu bầu.
Các số liệu của VTsIOM luôn được tin cậy vì trung tâm thường đưa ra các dự đoán rất chính xác kết quả bầu cử Tổng thống Nga.
Còn thăm dò dư luận gần đây nhất của Levada - trung tâm thăm dò dư luận độc lập lớn nhất tại Nga lại cho rằng, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Putin đang ở mức trên 60%.
"Putin sẽ giành chiến thắng" - giám đốc của trung tâm nghiên cứu Valery Fedorov nói với các phóng viên tại Moscow. Dự báo này dựa trên khảo sát 1.600 người dân Nga trong tháng này.
Đứng thứ hai là lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov, với khả năng sẽ giành được 14,8% số phiếu bầu.
Trước đó, trung tâm nghiên cứu này cũng đưa ra kết quả thăm dò dư luận tương tự, nhưng mức độ ủng hộ dành cho ông Putin chỉ là hơn 53%.
Theo sau đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Zyuganov với tỉ lệ ủng hộ là 10,3%, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky về thứ 3 với 8,2% phiếu bầu, tỉ phú Mikhail Prokhorov chỉ giành được 4,6% tỉ lệ bình chọn và ứng viên Sergey Mironov của đảng Nước Nga Công bằng về cuối với 3,3%.
Chiến lược và chiến thuật của Putin
Các ứng cử viên Tổng thống Nga đã đưa ra những hứa hẹn và biện hộ thông qua các cuộc tranh luận trực tiếp. Tuy nhiên, ông Putin đã không tham dự và chỉ cử đại diện của mình tới. Các nhà quan sát chính trị tại Nga cho rằng, động thái đó của ông Putin nhằm gửi tới một thông điệp khác, rằng ông có nhiều vấn đề phải giải quyết để xây dựng nền kinh tế Nga, và không có thời gian cho những cuộc tranh cãi vốn chỉ gây thêm chia rẽ.
Theo quan sát của cộng tác viên Lê Văn tại Moscow, các cuộc tranh luận trên truyền hình này rất sôi nổi, nhưng nội dung tranh luận mang tính công kích và các ứng viên dành cho nhau những lời lẽ không mấy tốt đẹp, kể cả ứng cử viên độc lập là tỉ phú Mikhail Prokhorov.
Thay vào đó, ông Putin ghi điểm bằng những chiến thuật cũng như biện pháp cụ thể vẫn theo phong cách "nói là làm". Thủ tướng Vladimir Putin đã giành lại uy tín từ các chương trình hành động cụ thể, mang tầm chiến lược, giải quyết các nhiệm vụ chiến lược của nước Nga khi vận động tranh cử.
Đây cũng là những nguyên nhân chính đã khiến cho tỉ lệ ủng hộ đối với ông tăng đáng kể chỉ trong khoảng thời gian ngắn trước khi bầu cử diễn ra (từ 49% cho tới hơn 60% như hiện nay).
Cụ thể, ông giành được sự ủng hộ của phần lớn những người dân chủ trương ủng hộ "ổn định" ở nước Nga. Trong khi đó, tại nước Nga, những người theo xu hướng này chiếm rất đông. Họ là những người "nói Không" với các cuộc "cách mạng".
Còn tại Moscow và St. Peterburg, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Putin lại sụt giảm. Điều này là do đây là những thành phố lớn, chủ yếu tập trung là người dân trung lưu. Những lớp người này muốn thể hiện mình bằng cách phản đối lại Putin. Mặt khác, họ có sự tiếp cận rộng rãi tới các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội, nhất là với lớp trẻ trung lưu (chiếm tới 60-70% dân số tại các thành phố lớn).
Bên cạnh đó, từ ngày 1/2 vừa qua, Thủ tướng Vladimir Putin cũng đã quyết định tăng lương cho quân đội với mức tăng đáng kể.
Đồng thời, lần đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình, ông tham gia mít-tinh ngoài trời trong chiến dịch tranh cử - một động thái hiếm hoi của ông Putin, người luôn hạn chế tối đa các hoạt động chính trị ngoài đường phố.
Song song với đó, Duma Quốc gia Nga đã tiến hành các biện pháp cải cách chính trị, chẳng hạn như bầu cử trực tiếp thống đốc, tỉnh trưởng. Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev đã đề xuất cải thiện hệ thống, chế độ bầu cử, đăng ký thành lập các đảng (Chẳng hạn, chỉ từ 500 người trở lên đã được phép đăng ký thành lập đảng mới. Tuy nhiên, điều này cũng đang gây tranh cãi gay gắt trong Duma do tính chất phức tạp của việc quản lý).
- Lê Thu