Điều châm biếm nhất về tình yêu trong tháng này đó là 6 tuần đầu tiên hoặc thời gian đầu của năm mới lại là thời điểm bận rộn nhất trong năm của các luật sư chuyên về ly dị, hoặc họ nói như vậy. Dường như có nhiều người không cảm nhận được nhiều tình yêu và lãng mạn như Hallmark kỳ vọng. Nhiều người còn cảm giác căm ghét.
Tác giả - tiến sĩ Christine L. Carter của báo Tâm lý ngày nay đã có một học thuyết về vấn đề này.
Nếu tôi hỏi bà ngoại tôi rằng liệu người chồng quá cố của bà có phải là người bạn thân nhất, người tài trợ chính, người yêu và cộng sự của bà trong suốt cuộc đời và là người đáp ứng mọi cảm xúc, luôn giúp đỡ khi cần thiết, trung tâm vũ trụ xã hội của bà không - bà sẽ cười lăn lộn.
Bà yêu chồng tới ngày ông qua đời và vẫn nhớ ông nhiều tới mức mỗi lần nhắc đến bà đều sụt sịt dù người chồng yêu quý của bà đã qua đời hơn 30 năm. Tuy nhiên, ông không phải là người bạn thân nhất của bà (bạn thân nhất của bà là cô Beulah). Bà ngoại không dựa dẫm vào ông để chăm lo cho con cái hoặc làm việc nhà (thời thế đã thay đổi!), bà cũng không mong ông thấu hiểu những cảm xúc của bà. Bà tự dựa vào mình để hạnh phúc và đáp ứng những mong mỏi của chính mình, bà không có kỳ vọng cao.
Tuy nhiên, bà có thể nói với bạn rằng bà có một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Khi tôi hỏi liệu bà có một cuộc sống hạnh phúc không (năm nay bà 104 tuổi), bà cười khúc khích vì cho đó là câu hỏi ngớ ngẩn. Rõ ràng là bà có hạnh phúc.
Tuy nhiên, giống như hầu hết những người đồng trang lứa, tôi không giống bà, đặc biệt về hôn nhân. Ngày nay, chúng ta kỳ vọng vợ/chồng là cộng sự của chúng ta trong mọi lĩnh vực. Chúng ta kỳ vọng họ là cha/mẹ của con cái chúng ta, là người bạn cùng làm việc nhà và là người kiếm tiền cho gia đình. Chúng ta sẽ cho rằng có vài điều sai lầm sẽ xảy ra khi vợ/chồng không coi chúng ta là bạn tâm tình, người yêu...
Giống như cá nhân, các cặp vợ chồng ngày càng tách mình khỏi các nguồn hỗ trợ bên ngoài - không giống các thế hệ trước, vì vậy bạn đời của chúng ta trở thành những nguồn đáp ứng tình cảm đầu tiên. Khi chúng ta không hạnh phúc, thế hệ chúng ta hiện giờ sẽ dễ dàng - và rất phổ biến, đổ lỗi cho bạn đời.
Ở đây, có một nghịch lý về sự kỳ vọng: Những đòi hỏi đặt lên mối
quan hệ của chúng ta trở nên vĩ đại và kỳ vọng đối với người bạn đời lên cao tới
mức chúng ta dễ bị thất vọng hơn nếu không nhận được những gì mong muốn thay vì
cảm thấy biết ơn khi chúng ta làm việc đó.
Bà tôi không đặt nhiều kỳ
vọng vào chồng, bà chỉ cần ông tạo ra sự ổn định về tài chính và chung thủy với
bà. Ông tôi làm được những việc đó và "phần thưởng thêm" của ông là chia sẻ niềm
đam mê khiêu vũ với bà, một cuộc sống xã hội với nhiều người bạn chung và các
bữa tiệc, một sự vui vẻ thầm lặng trong việc nuôi con cháu.
Bà tôi hài lòng không phải vì những thứ có được từ chồng mà vì bà ít kỳ vọng. Đây vừa là điều trớ trêu vừa là chỉ dẫn cho thế hệ chúng ta.
Ngẫm nghĩ về cuộc nghiên cứu của giáo sư Dan Ariely, tác giả cuốn sách Những phi lý có thể dự báo. Ông nghiên cứu hai đối tượng thử hai loại bia, một là bia Budweiser và một loại là Budweiser có pha chút giấm đen. Phần đông đều thích bia Bud có pha chút giấm nếu không được bảo đã uống gì. Tuy nhiên, trước khi thử bia pha giấm, họ được thông báo mình sẽ uống gì thì phần đông đều nói, họ không thích.
Kết luận của Ariely là, khi mọi người tin rằng cái gì đó có thể
không thích, họ sẽ trải qua phản ứng tiêu cực thậm chí là trước hoặc sau đó họ
có thể thích. Nói một cách khác, kỳ vọng của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến
nhận thức của chúng ta cũng như những quyết định, những trải nghiệm, phán xét
của chúng ta, và quan trọng nhất là ảnh hưởng tới cách mà chúng ta cảm nhận.
"Giúp! Tôi ghét chồng!", một độc giả viết thư gửi Iris Krasnow, tác
giả cuốn sách Cuộc sống bí mật của các bà vợ. Độc giả của Krasnow là Cindy ở
Dallas đã viết thư cho cô nói "tôi cảm thấy chán ghét, nó sắp sôi lên và tôi tự
hỏi liệu đó có phải là một dấu hiệu rằng liệu ngoài kia có một người bạn đời nào
tốt hơn đang chờ tôi. Mỗi ngày, những điều nhỏ nhoi khiến tôi phát điên. Chồng
tôi nhai thức ăn chóp chép. Tôi ghét bố anh ta. Đó không thể là tình yêu được".
Krasnow lọc các dữ liệu và thấy rằng ông chồng bị ghét không phải là kẻ tán gái, cũng không phải là ông bố tồi. Người đàn ông này không phải tay mê cờ bạc, không lạm dụng thể chất và lời nói với vợ. Đó là một người dễ chịu, một ông bố tốt. Cindy nói: "Sự căm ghét xuất phát từ cảm giác tôi bị thiếu mất một cái gì đó".
Đúng vậy, chúng ta, những người Mỹ được sinh ra và lớn lên với những kỳ vọng - về tất cả mọi thứ. Giấc mơ Mỹ dạy chúng ta cách phải luôn cố gắng. Chúng ta luôn có thể làm tốt hơn thế hệ cha ông nếu chúng ta làm việc đủ chăm chỉ.
Hơn thế nữa, chúng ta luôn cho rằng mình phải làm được nhiều hơn, tốt hơn. Chúng ta cho rằng mình nên có những lựa chọn không giới hạn khi tính tới việc dùng giày, nhà cửa, xe cộ, các loại mứt ở hàng tạp hóa...và cả bạn đời.
Nghiên cứu của Barry Schwartz cho thấy, kỳ vọng vào sự lựa chọn không giới hạn làm tổn thương tới hạnh phúc của chúng ta với 2 lý do. Thứ nhất, nhiều lựa chọn thực chất không làm chúng ta hạnh phúc hơn, nó chỉ khiến chúng ta mất một thời gian dài trước khi quyết định từ bỏ. Càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng cảm thấy không hạnh phúc với sự lựa chọn của mình vì chúng ta thấy còn nhiều lựa chọn khác.
Thứ hai, nếu thường xuyên nhìn qua vai bạn đời để thấy những thứ tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn vào mắt anh/cô ấy. Cảm giác biết ơn bạn đời là chìa khóa cho một mối quan hệ thành công. Nhưng chúng ta dễ không cảm thấy biết ơn những gì mình có vì cho rằng bản thân có thể có cái tốt hơn. Chúng ta không thể toàn tâm toàn ý với một ai đó nếu cảm thấy vẫn còn ai đó ở bên ngoài dành cho mình.
Việc có nhiều lựa chọn khiến chúng ta cảm thấy mình chưa có đầy đủ những thứ mong muốn cho tới khi có được thứ tuyệt vời tiếp theo, điều đó ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng ta. Dĩ nhiên, ngoài đời sẽ có một người nào đó dành cho bạn. Luôn là như vậy. Song câu hỏi thực sự là liệu bạn có hạnh phúc với quyết định của mình không.
Tất cả những vấn đề trên dẫn tới một loạt câu hỏi: Chúng ta mong đợi từ bạn đời như thế nào và làm sao để hạnh phúc? Làm thế nào để từ bỏ những mong muốn phi hiện thực? Chúng ta biết, kỳ vọng có thể giết chết mối quan hệ, cũng giống như chỉ trích, khinh miệt và cằn nhằn, chúng ta sẽ có phản hồi tích cực như thế nào khi kỳ vọng không được đáp ứng.
- Hoài Linh (Theo PToday)