Trong khi một số người dân Syria ủng hộ can thiệp của quốc tế, những người khác lại cảnh báo về việc Syria có thể trở thành một Iraq mới.

Khi các cuộc nổi dậy ở Syria đã kéo dài tới tháng 12, những chia rẽ nảy sinh xung quanh việc nên hay không nên ủng hộ việc can thiệp quân sự của nước ngoài để ngăn chặn các cuộc đàn áp của chính phủ vào phe đối lập.

Edward Dark  - biệt danh của một nhà hoạt động tại Aleppo nói: hầu hết mọi ngưoiừ đều tán thành ý tưởng này, đặc biệt là khi số người thiệt mạng tăng cao. Liên Hợp Quốc đang ước tính trên 7500 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang.

"Đa phần người Syria ủng hộ một hành động can thiệp nào đó, tốt nhất là do quân đội Ả Rập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành và do NATO hậu thuẫn" - Dark nói.

"Ở đây có một cảm giác là bạo lực sẽ không chấm dứt, và chính quyền sẽ không ngừng đàn áp thẳng tay trừ khi họ đối mặt với hành động thật sự hoặc các đe dọa hành động".

Nhưng anh nói thêm: "Vấn đề lại không phải là những gì mà người dân Syria muốn, mà là những việc cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị làm, mà vào lúc này thì chẳng có gì hết".

Các cường quốc quốc tế vẫn bị chia rẽ về việc liệu có nên can thiệp vào Syria hay không. Ả Rập Xê Út, Qatar và Pháp vẫn nằm trong số ủng hộ động thái này. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh và phần đông các quốc gia Ả Rập lại phản đối và thiên về ý tưởng tăng cường lệnh trừng phạt, viện dẫn tình hình tôn giáo và dân tộc phức tạp tại Syria cũng như cấu trúc của chế độ sẽ là các trở ngại cho sứ mệnh này.

Rami - một người Sunni 29 tuổi ở vùng Malki trù phú ở thủ đô Damascus lại nó rõ quan điểm phản đối sự can thiệp từ bên ngoài và tin rằng hầu hết những người Syria khác cũng đồng tình với anh.

"Hầu như không ai ủng hộ việc can thiệp quân sự từ quốc tế - mọi người đều hoàn toàn phản đối việc này. Có một số ít nghĩ ngược lại, nhưng họ bị coi là điên rồ khi yêu cầu một việc như vậy.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Damascus tin rằng chính quyền Syria hiểu rõ rằng cộng đồng quốc tế không ham hố gì việc can thiệp quân sự vào quốc gia này và tin rằng cách làm đó không phải là giải pháp trong lúc này.

"Việc can thiệp sẽ chắc chắn sẽ làm lợi cho chính quyền và chỉ khiến cho họ trang bị vũ khí để chiến đấu dữ dội hơn chống lại những kẻ ngoại xâm" - nhà ngoại giao giấu tên nói.

Joshua Landis - giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma và tác giả blog nổi tiếng Syriacomment nói rằng: nguyện vọng kết thúc bạo lực của cộng đồng quốc tế là có thể hiểu được.

"Nhưng bằng cách "chặt đầu" nhà nước, thì việc chém giết sẽ còn gia tăng nhiều hơn nếu như chưa có một chính quyền mới thay thế" - Landis nói. Ông tin rằng sự can thiệp của cộng đồng quốc tế có thể kéo Syria vào hạng mục các nhà nước sụp đổ.

Liên Hợp Quốc cho biết họ đã chuẩn bị nguồn cung lương thực cho 1,5 triệu người dân Syria. Đây là một phần trong kế hoạch khẩn cấp 90 ngày để trợ giúp cho người dân Syria.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập tại Syria là ông Kofi Annan mới đây cho biết những người nổi dậy có vũ trang có thể sẽ dấy lên nhiều xung đột hơn. Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế nên "cẩn trọng ở chỗ, chúng ta không thể đưa ra một phương thuốc gây nguy hại hơn cả căn bệnh".

Kevork - một sinh viên Armenia từ thành phố Aleppo ở miền bắc của Syria cho biết: anh không tin rằng việc can thiệp từ bên ngoài sẽ là cơ may cho người dân Syria.

"Nếu - và chỉ nếu như - có một sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria thì đó không thể nào chỉ xuất phát từ một quốc gia duy nhất - chẳng hạn như là Thổ Nhĩ Kỳ hay là Mỹ, mà phải là từ một liên minh quân sự. Nếu không, sự việc sẽ ngay lập tức chuyển biến thành một cuộc chiến trực tiếp giữa đôi bên" - Kevork nói.

Sứ mệnh quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập tại Syria đã được tiến hành suốt từ tháng 12 cho tới tháng Giêng, nhưng lại không thể ngăn chặn chính quyền Syria ngừng đàn áp hoặc đưa được các phe đối lập vào bàn đàm phán.

"Các quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập không thể đánh bại quân đội Syria dựa trên thực lực của họ, và chính họ thậm chí còn bị chia rẽ về vấn đề này" - Kevork nói.

Bất ổn tại Syria vẫn được coi là không thể so sánh với những gì diễn ra ở Libya vì can thiệp của NATO vào Libya được cho là thành công (về phương diện quân sự). Nhưng rất nhiều người đã nhanh chóng chỉ ra các thất bại điển hình khác của hoạt động can thiệp quân sự từ bên ngoài, chẳng hạn như là ở Afghanistan hay Iraq. Điều đó cũng có thể xảy ra với Syria, và sẽ chẳng dẫn tới một kết cục tốt đẹp nào.

Vị quan chức ngoại giao châu Âu kia lại nói thêm: tình hình tại Syria có thể không tiến triển đến mức phải can thiệp quân sự từ bên ngoài như đang được đề xuất một cách nghiêm trọng như hiện nay.

"Vẫn còn chỗ cho một giải pháp chính trị. Có bằng chứng cho thấy Nga sẽ tham gia với tính chất xây dựng nhiều hơn đối với một cách giải quyết mang tính chính trị và có thể chấp nhận một bản nghị quyết viện trợ nhân đạo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria".

Lê Thu (Theo GP)

Nga - phương Tây lại bất đồng về Syria
Phương Tây và Nga đã xảy ra bất đồng trong Hội đồng bảo an LHQ xung quanh vấn đề Syria, trong khi Chính phủ Syria và các nhóm đối lập đổ lỗi cho nhau về vụ thảm sát thường dân tại thành phố Homs.
 
Phái viên LHQ lạc quan về tình hình tại Syria
Mặc dù vậy, các sáng kiến của ông Kofi Annan vẫn không được chính phủ và phe đối lập nghe theo.
 
Mỹ thẳng thừng bác khả năng không kích Syria
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định một hành động quân sự đơn phương của Mỹ nhằm vào chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ là một "sai lầm".