Trong tuần mà trận động đất và sóng thần tàn phá một phần rộng lớn phía đông bắc nước Nhật, có hơn 100.000 binh lính và phụ nữ đã tham gia vào các nỗ lực cứu hộ trên mặt đất.

Binh sĩ Nhật cõng một phụ nữ sau khi thảm họa sóng thần tràn qua nước Nhật vào tháng Ba năm ngoái
Chính phủ Nhật cho biết họ đã cứu sống 19.286 người. Con số này tương đương với số những người đã thiệt mạng hoặc mất tích do thảm họa kép gây ra.

Trong bản hiến pháp thời hậu chiến tranh thế giới II, Nhật Bản không được phép có các lực lượng quân đội tấn công.

Trong điều số 9 đã tuyên bố rõ: "Người dân Nhật phải vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh vì chủ quyền của đất nước và việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm các phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế"

Do đó, trong bản tuyên bố mục đích thành lập quân đội Nhật – được biết đến với tên gọi Lực lượng Phòng vệ (SDF) – đó là nhằm “bảo vệ hòa bình, độc lập và an ninh của nước Nhật”.

Họ đã gây ấn tượng mạnh mẽ sau khi các thảm họa động đất và sóng thần xảy ra vào tháng Ba năm ngoái.

“Tôi nhìn thấy xe tải của họ ngày hôm qua đã đi lên vùng đông bắc. Tôi muốn hét to rằng: “Chúc may mắn!” – một người dân đã nhắn tin trên mạng Twitter vào ngày 14/3/2011.

“Tôi đã suýt khóc khi nhìn thấy tấm hình của Lực lượng Phòng vệ” – một người khác nói. “Đội quân không tấn công thật tuyệt vời”.

Đó là hình ảnh mà chính quyền Nhật muốn tạo dựng về Lực lượng Phòng vệ - một đội quân thường trực đóng trong nước và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho các quốc gia khác.

Nhưng thực tế lại có một mẫu thuẫn. Theo như trong hiến pháp, SDF chỉ được “trang bị ở mức tối thiểu nhất đối với nhu cầu phòng vệ”. Nhưng theo Học viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược, đây lại là đội quân có được nguồn tài chính đứng thứ 6 trên thế giới.

Mức ngân sách mà Nhật dành cho SPF chỉ là 1% GDP, nhưng với việc Nhật là nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới, thì một phần ngân sách “nhỏ” đó cũng lên tới 55,9 tỉ USD.

Binh sĩ Nhật cũng được huấn luyện ở trình độ rất cao, cùng với vũ khí tinh nhuệ.

Sức mạnh hải quân

“Chất lượng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ trong các lĩnh vực như do thám, cứu viện thảm họa, dò phá mìn và tái thiết đều đạt chuẩn thế giới” – Phó giáo sư Ken Jimbo tại Đại học Keio nói.

Theo Giáo sư Christopher Hughes của Đại học Warwick, 2/3 ngân sách nhà nước dành cho các lực lượng trên mặt đất, phần còn lại chia đôi cho lực lượng hải quân và không quân.

‘Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách an ninh của Nhật đã thay đổi sang hướng tăng cường năng lực bảo vệ đất nước từ bên ngoài lãn thổ và và gửi quân ra các mặt trận bên ngoài” – ông Hughes nói.

“Họ phủ nhận các loại vũ khí uy lực nhất, do đó họ không có tiềm lực tấn công – chẳng hạn như các tên lửa đạn đạo – nhưng hải quân của Nhật lại là một trong những hạm đội đứng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ”.

Tuy nhiên, tính chiến đấu của quân đội Nhật lại là một câu hỏi khác. Kể từ sau Thế chiến II, không có binh lính nào của Nhật tham gia vào một trận chiến thực sự.

Phó giáo sư Jimbo nói rằng tính sẵn sàng chiến đấu của Nhật còn phụ thuộc vào quy mô của cuộc tấn công.

“Chẳng hạn, Lực lượng Phòng vệ có thể triển khai các hệ thống tên lửa phòng vệ chống lại các cuộc tấn công (giả định) bằng tên lửa của Triều Tiên hoặc các hoạt động có giới hạn trên mặt đất nhằm vào Nhật”.

“Nhưng nếu tình hình trở nên phức tạp hơn và với cường độ cao hơn thì liên minh Mỹ - Nhật phải can thiệp” – ông Jimbo nói.

Trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh và Hợp tác lẫn nhau, Mỹ có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Nhật trong tình huống bị tấn công quân sự.

Đổi lại, Nhật sẽ cho phép quân Mỹ đồn trú – chủ yếu là tại Okinawa, và trả 2,3 tỉ USD cho Mỹ mỗi năm.

Sự thay đổi hoạt động của SDF trong nhiều năm có liên quan chặt chẽ tới chính sách của Mỹ. Chỉ mới 20 năm trước, họ vẫn còn không được phép triển khai quân ở nước ngoài.

Ngày nay, các binh sĩ Nhật có thể đến những nơi như Haiti để giúp người dân địa phương khắc phục sau động đất. Họ cũng đến Somali để bảo vệ tàu thuyền khỏi cướp biển và có thời gian ngắn triển khai quân tới Iraq theo yêu cầu trợ giúp của Mỹ.

Một binh sĩ cứu được một bé sau thảm họa sóng thần

Chính quyền đã thông qua một luật quan trọng cho phép triển khai quân ở nước ngoài trong một giới hạn nhất định – một động thái mà nhiều người cho rằng không hợp hiến.

Cuối cùng, gần 1400 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ đã được gửi tới Iraq trong khoảng từ 2003-2009 để tham gia vào các công việc tái thiết.

Tướng Goro Matsumura cho biết: “90% thành viên trong đội của tôi chưa bao giờ triển khai quân ở nước ngoài”

“Trước khi đi, chúng tôi không hề biết chiến trường là như thế nào, do đó nhiều người đã bày tỏ lo ngại, nhưng khi chúng tôi tới đó và được chào đón, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn”. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ trải nghiệm cảm giác bị tấn công.

Tướng Matsumura nói rằng ông đã chịu áp lực vô hình để bảo toàn tính mạng của toàn đội.

“Chưa có một binh lính nào của Lực lượng Phòng vệ từng bị thương hoặc thiệt mạng khi làm nhiệm vụ, cho nên tôi cần được chuẩn bị tốt để không có tai nạn nào xảy ra tại Iraq”.

Phó giáo sư Narushige Michishita cho rằng việc gửi quân này là “một cử chỉ mang tính biểu tượng về mặt chính trị tới Mỹ và các quốc gia đồng minh khác hơn là một sự tham gia về mặt quân sự thực sự”.

Ông cũng nói về “quá trình học hỏi quan trọng” cho SDF nhưng nói thêm “vì quyền sử dụng vũ lực bị cấm, do đó tính chất đóng góp của họ cũng bị hạn chế”

Trong lúc lo ngại về việc Trung Quốc chi bạo tay cho quân sự và Mỹ trở lại khu vực, cuộc tranh luật quanh bản hiến pháp của Nhật lại nổ ra.

Một số nhà lập pháp của Nhật nói rằng hiến pháp nên có sự sửa đổi để Nhật tự do hành động hơn trên trường quốc tế.

“Thật ngớ ngẩn làm sao nếu cứ giữ mãi bản hiến pháp đã án ngữ quân đội của chúng ta suốt hơn 65 năm qua” – Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara nói. “Chúng ta nên thay đổi bản hiến pháp cũ và viết nên hiến pháp mới”.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Jimbo lại nói rằng chỉ nên thay đổi rất ít các điều khoản này.

“Nhật nên giỡ bỏ các quy định như cấm tập trận Lực lượng Phòng vệ tập trung (nhằm bảo vệ các đồng minh khác)” – ông Jimbo nói.

“Chẳng hạn như tại Samawah [Iraq], quân đội Hà Lan, Anh và Úc đã chia sẻ trách nhiệm để trợ giúp cho Lực lượng Phòng vệ trong trường hợp khẩn cấp, nhưng ngược lại thì không được”.

Mặc dù vậy, công chúng hầu như không muốn thay đổi hiện trạng của SDF.

Do đó, những mâu thuẫn vẫn còn nguyên đối với đội quân hiện đại, được đầu tư rất mạnh nhưng lại chỉ được ở trong biên giới của nước mình.

  • Lê Thu (theo BBC)