Samira Ibrahim là nạn nhân của cái gọi là "kiểm tra trinh tiết" đang đấu tranh chống lại những luật lệ do quân đội Ai Cập đặt ra.

 Samira Ibrahim

Vị bác sĩ quân đội bị cáo buộc nhằm vào cô đã được tuyên bố là vô tội vào tuần trước. Trong một cuộc phỏng vấn, Samira Ibrahim nói rằng cô vẫn phải chiến đấu tiếp, và giành lại công lý cho phụ nữ Ai Cập.

Đó là những lời đầu tiên mà  Samira Ibrahim nói trong một phiên tòa quân sự tại Cairo trước khi nghe tuyên bố người bác sĩ đã buộc cô phải làm "kiểm tra trinh tiết" được trắng án.

 Samira Ibrahim nói rằng "Chính nền luật pháp tại Ai Cập đã tự hạ thấp mình, chứ không phải tôi". Nhà hoạt động 25 tuổi này vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến công lý. "Tôi đang đưa vụ kiện đến Ủy ban Nhân quyền và Con người của châu Phi" - cô nói.

Vào tháng 3/2011, Ibrahim đã bị bắt trong suốt các cuộc biểu tình tại Quảng trường Tahrir cùng với 17 nhà hoạt động khác. Sau khi được chuyển tới một căn cứ quân sự, bảy phụ nữ trong đó có cô đã bị buộc phải cởi quần áo và bị bác sĩ quân y Ahmed Adel kiểm tra màng trinh. Tuy nhiên, ngày 11/3 vừa qua, vị bác sĩ này lại được tuyên bố trắng án. 

"Nhưng ông bác sĩ đó chỉ thực thi theo mệnh lệnh mà thôi" - Ibrahim nói. "Ban đầu tôi kiện các lãnh đạo quân đội đã đưa ra lệnh này. Họ đáng phải ra tòa, đó là lý do tại sao tôi lại đưa vụ việc ra tòa án quốc tế - một phiên tòa không nằm trong quyền hạn của họ".

Từ trường hợp như của  Samira Ibrahim, các luật sư và các nhà hoạt động chính trị đã phải đặt ra câu hỏi về tính chất độc lập của các phiên tòa tại Ai Cập và kêu gọi cải cách chính trị.

 Samira Ibrahim nói rằng cô tin rằng hệ thống pháp luật của Ai Cập có sự tha hóa.

Rất nhiều người biểu tình đã tập trung lại phản đối kết luận của tòa án quân sự đối với vụ việc của  Samira Ibrahim. Ibrahim nói rằng cô đã rất ngạc nhiên khi những người biểu tình không chỉ lên tiếng ở bên ngoài thủ đô Cairo, mà còn ở ngoài biên giới Ai Cập. "Có nhiều cuộc biểu tình ở châu Âu, New York và thậm chí Ả Rập Xê Út".

"Sau bản án của phiên tòa, tôi đã rất suy sụp. Nhưng sau khi nhận được sự ủng hộ lớn lao của mọi người, giờ đây tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi nhận ra rằng tôi có thể thắng quân đội, bởi vì tôi có cả một đội quân ủng hộ trên đường phố" -  Samira Ibrahim nói rằng sự ủng hộ của những người phụ nữ Ai Cập đã mang lại cho cô sức mạnh để kiên trì và bền bỉ hơn.

Ibrahim tuyên bố quyết định theo đuổi vụ kiện chống lại quân đội từ 6 tháng trước. "Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến phút chót, và cho đến khi nào các luật không công bằng của Ai Cập thay đổi".

Nhưng cũng nhờ chính trường hợp của  Samira Ibrahim, chính quyền Cairo đã chính thức đưa ra lệnh cấm kiểm tra "trinh tiết" đối với những phụ nữ bị bắt tạm giam trong các nhà tù quân đội.

"Điều đó thật sự đặc biệt quan trọng đối với tôi khi mà không còn phụ nữ nào bị buộc phải trải qua những gì mà tôi từng chịu đựng" - Ibrahim nhấn mạnh.

"Khi bạn phá hủy một người phụ nữ, bạn đã phá hủy cả xã hội" -  Samira Ibrahim nói.

Cô cũng tuyên bố đấu tranh cho mọi hành vi xâm phạm tình dục. "Tôi không cho phép điều này xảy ra. Cơ thể của người phụ nữ không thể được dùng như một công cụ để đe dọa, và không ai có thể xâm phạm vào phẩm giá của họ".

Quấy rối tình dục và lạm dụng dù rất phổ biến nhưng vẫn còn quá nhạy cảm đối với các cuộc thảo luận trước dư luận tại một xã hội còn khép kín như Ai Cập.  Samira Ibrahim đã thách thức các tiêu chuẩn bằng việc công khai nói về việc tấn công tình dục mà cô từng phải trải qua. "Xã hội chúng tôi coi lạm dụng tình dục là một đề tài cấm kỵ. Khi nói ra việc này, tôi hy vọng điều đó sẽ giúp mang lại sức mạnh cho người phụ nữ, và khuyến khích họ trở nên dũng cảm hơn và đấu tranh chống lại quấy rối tình dục".

 Samira Ibrahim không quá lạc quan về các quyền của phụ nữ tại Ai Cập trong suốt thời gian các cuộc nổi dậy nổ ra. "Nữ quyền đã bị xâm phạm bởi chính những người đang cầm quyền - đó là quân đội và những người cực đoan".

Khi được xếp trong danh sách 150 phụ nữ làm rung chuyển cả thế giới,  Samira Ibrahim "đã rất ngạc nhiên, xúc động và tự hào khi thấy tên mình trong bản danh sách". Cô không ngờ có ngày mình lại đứng cùng trong danh sách với những người phụ nữ vừa được trao giải Nobel vì hòa bình năm 2011.

  • Thu Lượng (theo Daily Beast)