Dartmoor được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Daniel Asher Alexander, được xây bằng các vật liệu địa phương, đặc biệt là đá granit Dartmoor được dùng để xây dựng các ô khám. Nhà tù này được đưa vào sử dụng năm 1809 và được dự định chuyên giam giữ các tù nhân Pháp trong các cuộc chiến với Napoleon. Tuy nhiên, không chỉ người Pháp mà cả các phạm nhân Mỹ trong cuộc chiến năm 1812 cũng bị đưa về đây.
Sau khi sự thù địch với Pháp và Mỹ chấm dứt, Dartmoor bị đóng cửa năm 1816. Trong khoảng thời gian đóng vai trò là nhà tù quân sự, nơi đây giam giữ khoảng 6.000 tới 10.000 tù nhân, với hơn 1.500 người không thể sống nổi, phần lớn do cảnh tù túng, bị đối xử thô bạo, thiếu đói và bệnh tật.
Sự kiện đầu tiên khiến Dartmoor nổi danh là "cuộc tàn sát Dartmoor" ngày 6/4/1815. Bầu không khí trong tù trở nên căng thẳng tột độ, cả ở phía tù nhân lẫn ban quản giáo. Các tù nhân om sòm phàn nàn về chất lượng khẩu phần ăn của họ. Trong khi đó, các nhân viên an ninh lo ngại sẽ xảy ra hỗn loạn giữa các tù nhân.
Khủng hoảng bùng phát khi các bảo vệ phát hiện một lỗ nhỏ khoét vào một bức tường, cho phép các tù nhân di chuyển tới một sân khác bên trong nhà tù.
Chỉ huy nhà tù, đại tá Hải quân Hoàng gia - người bị nhiều tù nhân coi là một nhân vật tàn ác thường xuyên say xỉn - ra lệnh cho các bảo vệ đứng trên tường nổ súng vào trong nhà tù. Bảy tù nhân thiệt mạng và 31 người bị thương. Tù nhân trẻ nhất chết mới 14 tuổi.
Nhà tù bị đóng cửa năm 1816 và bị bỏ không cho tới tận năm 1850. Trong khoảng thời gian này, nhiều tù nhân Anh bị đày tới những vùng thuộc địa xa xôi như Tasmania hay Australia. Không hề ngạc nhiên khi những người Australia nói riêng bắt đầu bực tức về việc này và tỏ rõ rằng họ không được chào đón. Thực tế đó làm gia tăng nhu cầu về nhà tù ở Anh, vì vậy mà Dartmoor được tái thiết và nâng cấp. Trại giam này mở cửa trở lại năm 1859, giam giữ những tù nhân dân sự.
Chế độ cai trị ở Dartmoor cực kỳ hà khắc và tàn ác. Quất roi là một hình thức trừng phạt thảm khốc. Giống như vùng đất hoang bao quanh nó, nhà tù này thường xuyên lạnh lẽo, âm u, lộng gió và ẩm ướt quanh năm.
Vấn đề đặc biệt của Dartmoor là giam giữ quá nhiều tù nhân, với 2.000 người bị giam chung một khu đơn lẻ cùng lúc. Ba khu khác cũng chịu cảnh tương tự. Tình trạng quá đông, cộng với chất lượng thực phẩm tồi tệ và thời tiết xấu, đã khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng khắp nơi. Số tù nhân chết ở Dartmoor kể từ khi nó được mở cửa lần đầu tiên lên tới mức kinh ngạc. Khoảng 500 tù nhân chết vì bệnh sởi và ít nhất 1.250 người khác tử vong vì thương hàn, đậu mùa và tự tử. Một số khác bỏ mạng vì tỷ thí với nhau.
Khẩu phần ăn quá ít không khuyến khích được các tù nhân cải tạo tốt, do vậy kỷ luật thép và tàn bạo được đưa ra áp dụng ở Dartmoor. Tù nhân thường xuyên bị quất roi, đánh đập. Họ còn bị nhốt vào nơi gọi là "cachot" (phòng trừng phạt) trong 10 ngày và chỉ được ăn bằng 2/3 khẩu phần bình thường. Roi vọt vẫn được sử dụng ở Dartmoor cho tới năm 1950, và vào thời điểm đó, một tù nhân ngoan cố cũng vẫn bị biệt giam ba ngày.
Dartmoor trở thành một nhà tù khét tiếng ở Anh và hình ảnh đó vẫn tiếp tục đến ngày nay. Khi nghĩ về Dartmoor, người ta liền hình dung ra cảnh các tù nhân lầm lũi phá đá trong khu khai thác đá của nhà tù từ sáng tới tối. Không chỉ có phá đá, họ còn phải khai hoang các vùng đầm lầy và biến nó thành đất trồng trọt, dọn đá, xây tường, chăm sóc vật nuôi...
Do điều kiện giam giữ khắc nghiệt và kỷ luật thép, các âm mưu đào tẩu xảy ra thường xuyên. Nhưng Dartmoor nằm ở giữa Công viên Quốc gia Dartmoor, tức là giữa địa hình hiểm trở rộng 365 dặm vuông không có người ở. Do vậy, nếu có cơ hội thoát khỏi nhà tù thì một người cũng gặp phải vấn đề rất lớn, đó là làm sao thoát khỏi vùng đất hoang trong khi bị bảo vệ nhà tù, thậm chí cả quân đội, truy đuổi. Và nếu bị bắt lại, người cả gan trốn trại sẽ phải chịu đựng nhiều hình phạt tàn bạo. Họ bị đánh, quất, biệt giam trong nhiều ngày, giảm khẩu phần thức ăn và ngồi tù lâu hơn nhiều so với mức án ban đầu.
Một nhà tù khét tiếng luôn gắn liền với những tù nhân khét tiếng và Dartmoor không ngoại lệ. Nổi trội trong số đó có John Haigh (Sát nhân bồn Acid), Frank Mitchell (Thợ rìu điên)... Eamon De Valera, người sau này trở thành Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ireland khi nước này giành độc lập, cũng từng bị giam giữ ở chốn này.
Ngày nay, Dartmoor được cải thiện rất nhiều nhưng tên gọi và địa điểm của nhà tù này vẫn khiến nhiều người rùng mình. Ở thế kỷ 21, Dartmoor có một nhiệm vụ mới. Từng là một nhà tù "Hạng A", chuyên giam giữ những tù nhân ghê gớm và cứng cổ nhất, Dartmoor giờ được hạ xuống "Hạng C", giam giữ các phạm nhân thuộc dạng ít nguy hiểm nhưng không đủ tin tưởng để vào "Hạng D", hay một nhà tù "mở".
Nơi đây cũng được dùng để đào tạo các sĩ quan giám sát nhà tù, giúp họ lấy kinh nghiệm hành nghề trước khi chuyển tới làm nhiệm vụ tại các nhà tù khắc nghiệt hơn như Whitemoor, Wakefield hay Parkhurst...
Thanh Hảo (Theo Crime)