Mỹ đang tìm cách thiết lập lá chắn chống tên lửa đạn đạo ở cả châu Á và Trung Đông, tương tự hệ thống phòng thủ gây tranh cãi tại châu Âu, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc hôm (26/3) tiết lộ.
Nỗ lực trên có thể làm quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga thêm phức tạp vì cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều sợ rằng lá chắn như vậy có thể gây hại tới an ninh hai nước này dù Mỹ khẳng định, kế hoạch trên chỉ nhằm bảo vệ các quốc gia khác khỏi những nước như Iran và Triều Tiên.
Việc Mỹ thúc đẩy kế hoạch lá chắn tên lửa mới gồm 2 loạt đối thoại ba bên, một với Nhật và Australia, một với Nhật và Hàn Quốc, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề chiến lược toàn cầu Madelyn Creedon nói.
Những lá chắn như trên có thể chống lại các mối đe dọa từ những nước láng giềng của Nhật, Australia, Hàn Quốc như Iran và Triều Tiên, cũng như giúp bảo vệ Mỹ khỏi các tên lửa tầm xa mà Iran và Triều Tiên có thể phát triển trong tương lai, bà Madelyn phát biểu tại cuộc hội thảo do Cơ quan phòng thủ tên lửa Lầu Năm Góc đồng tổ chức.
Mô hình trên sẽ được gọi là "giai đoạn tiếp cận thích ứng" với lá chắn tên lửa ở châu Âu, bà Madelyn nói. Nó bao gồm tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Romania, radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và tàu khu trục có khả năng phòng thủ Aegis tại Tây Ban Nha
Moscow sợ rằng một lá chắn như trên, còn có thể nâng cấp, sẽ ngày càng lớn mạnh và tới 2020 có thể gây tổn hại cho lực lượng phòng thủ hạt nhân của Nga. Nga đe dọa sẽ triển khai tên lửa để vượt qua lá chắn và có thể nhằm vào các địa điểm phòng thủ tên lửa như những nơi dự định được được thiết lập ở Ba Lan và Romania.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản đối mạnh việc Mỹ thiết lập lá chắn tên lửa ở sân sau của quốc gia này, Riki Ellison, một nhân vật ủng hộ việc phòng thủ tên lửa, nổi tiếng vì có quan hệ chặt chẽ với nhiều cựu quan chức cấp cao Mỹ liên quan tới nỗ lực này. "Bắc Kinh sẽ bực mình hơn nhiều so với Nga" Riki nhận định và gọi lá chắn khu vực là ý tướng hay về mặt lý thuyết song trên thực tế lại là ý tưởng có nhiều vấn đề.
Tại Trung Đông, bà Madelyn nói, Washington sẽ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa cá thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, gồm Ả rập Xê út, Kuwait, Bahrain, Qatar, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Oman - khi mà những nước này cần có năng lực phòng thủ tên lửa mạnh hơn.
Các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ gồm Boeing Co, Lockheed Martin Corp, Raytheon Co và Northrop Grumman Corp.
- Hoài Linh (Theo Reuters, JPost)