Câu chuyện rò rỉ giữa hai Tổng thống sắp mãn nhiệm của hai cường quốc kiêm kình địch cũ là Nga và Mỹ suýt nữa trở thành vũ khí lợi hại cho ứng viên cho ông chủ Nhà Trắng Mitt Romney.


Trong cuộc trò chuyện riêng tư vô tình được tất cả mọi người nghe thấy, ông Obama có nói rằng “sẽ linh hoạt hơn” sau khi bầu cử về vấn đề lá chắn tên lửa mà Mỹ đang định triển khai tại châu Âu.

Ông Obama nói ông Medvedev nên “bình tĩnh” chờ đợi và đáp lại, ông Medvedev cũng nói rằng sẽ chuyển thông điệp này tới Tổng thống vừa đắc cử của Nga là Vladimir Putin.

Ông Romney đã định “lật tẩy” ý đồ của ông Obama nhằm “dàn xếp” với Nga – nước mà trong mắt của ông Romney vẫn là “kẻ thù số một về địa chính trị” – sau lưng người dân Mỹ.

Ông Romney đã thẳng thừng tuyên bố Nga cũng cùng một giuộc với Iran, hay Syria – những nhân vật “bất hảo” mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng xếp vào “trục ma quỷ”.

Với những bình luận này, một cuộc chiến ngôn từ đã được châm ngòi. Sơ hở này của ông Obama đáng lý có thể là một cơ may đối với bản thân ông Romney, nhất là khi mà cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang trở nên sôi nổi và ông đang có ưu thế ở nhiều bang.

Nhưng cái sai lớn nhất của ông Romney khi tận dụng lợi thế này lại chính là bối cảnh thực tiễn. Nga và Mỹ đã không còn ở thế tương quan lực lượng như thời Chiến tranh Lạnh. Và tư duy đối kháng cũ mòn đó đã không còn phù hợp trong một thế giới mà một phần không nhỏ đang nóng lên trong một “mùa Xuân” [Ả Rập].

Không có gì quá bất ngờ khi Tổng thống sắp mãn nhiệm của Nga phản ứng lại bình luận của ông Romney. Điều đáng ngạc nhiên là một người được cho là khá “mềm mỏng” như ông Medvedev đã không tiếc lời để “lên lớp” ứng viên thủ cựu của Mỹ về sự lạc hậu này.

Ông Medvedev đã nói ông Romney xem lại lịch ngay lập tức và cho rằng những lời bình luận kiểu đó “sặc mùi Hollywood”. Ông Medvedev – người có thể sẽ trở lại làm Thủ tướng Nga – đồng thời còn nhắc nhở ông Romney nên nhớ “ít nhất là hai điều” khi muốn thách thức ông Obama.

“Tôi muốn thúc giục những ai muốn làm chủ chiếc ghế Tổng thống Mỹ, không ngoại trừ vị ứng viên mà mọi người đã đề cập, ít nhất nên làm hai điều: trước tiên, hãy sử dụng các lập luận có lý lẽ khi đưa ra các quan điểm của mình. Làm vậy chẳng có gì đau đớn cả. Thứ hai là nên xem lại đồng hồ của mình. Giờ đã là năm 2012 rồi, không còn là giữa nhưng năm 1970 nữa đâu”.

Trong khi ông Romney vẫn tin rằng với Mỹ, Nga là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn cả Iran hay Trung Quốc, ông đã quên mất một điều rằng, nếu không có Nga – sẽ không thể có các biến chuyển theo hướng tích cực về vấn đề đang khiến Mỹ nhức đầu như Syria hay Iran.

Và cách tư duy này của ông Romney phảng phất hơi hướng tư duy chống khủng bố của Tổng thống Bush trước đó. Tức là, ai chống khủng bố thì theo Mỹ, còn ai nói không tức là chống lại Mỹ.

Còn với ông Romney, dường như ông nghĩ rằng những ai hành xử giống Mỹ thì là “người tốt”, còn ai hành xử khác với ý chí của Mỹ thì chỉ có thể là “kẻ xấu”.

Rồi ông chỉ trích Nga vì đã không đứng cùng một phe với Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ, mà lại đứng về phe “những nước xấu xa nhất thế giới”. (Việc này là do gần đây Mỹ đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Nga về việc Moscow phủ quyết bản dự thảo của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria. Moscow cho rằng dự thảo đó đã đòi hỏi quá khắt khe đối với chính phủ Syria, trong khi lại không đưa ra yêu cầu tương tự với phe đối lập)

Những lời bình luận của ông Romney – có khi chỉ là một lối khoa trương để gây ấn tượng trong dịp tranh cử, thì vẫn - không thể tránh khỏi gây ra những tác động không hay lên quá trình “tái thiết” quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Đồng thời, bình luận này còn bày ra một tình huống “tiến thoái lưỡng nan” cho Moscow khi muốn duy trì quan hệ với Washington. Đó là cho dù Tổng thống Medvedev và Tổng thống vừa đắc cử Vladimir Putin dường như đang muốn thúc đẩy quá trình tái thiết này, thì thái độ của Mỹ vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào làn gió chính trị nào sẽ thổi ở Washington sau tháng 12 tới.

  • Lê Thu (Nguồn clip: truyền hình Nga)