Vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không diễn ra cách đây đúng 35 năm. Vào ngày 27/3/1977, 583 hành khách đã thiệt mạng tại sân bay Los Rodeos trên đảo Canary do một chiếc Boing 747 đâm phải máy bay phản lực.
Phần còn lại của chiếc máy bay của hãng Pan American |
Tất nhiên, vụ tai nạn xảy ra còn do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do lỗi con người gây ra. Các nguồn tin đưa ra rất nhiều chi tiết khác nhau về vụ tai nạn thảm khốc này, nhưng tất cả đều cùng xác nhận một điều: nhân tố con người là đáng trách nhất, bao gồm cả những người điều khiển hàng không, các phi công và những tên khủng bố.
Vụ đâm máy bay sẽ không thể xảy ra nếu như các tay súng của "Phong trào vì độc lập và tự chủ của đảo Canary" không cho phát nổ quả bom ở sảnh sân bay Las Palmas.
Vụ nổ không gây ra thương vong hoặc thiệt hại gì (chỉ có vài hành khách bị thương nhẹ hoặc vỡ cửa kính). Chính quyền đã tạm thời đóng các cửa ra vì sợ các cuộc tấn công khủng bố có thể diễn ra sau đó.
Những người điều hành các chuyến bay đã lệnh cho các máy bay đáp xuống một sân bay nhỏ hơn và kém tiện nghi hơn là Los Rodeos, cách Las Palmas khoảng hơn 90km.
Sân bay Los Rodeos nằm sâu giữa hai ngọn núi lửa đang hoạt động, và ở độ cao 700m so với mặt nước biển. Các phi công không thích sân bay này vì điều kiện thời tiết không ổn định.
Do mực nước biển ở Đại Tây Dương, trời lập tức có thể đầy sương mù chỉ ngay khi nắng vài phút. Tuy nhiên, khi Las Palmas đóng cửa, tất cả mọi người đều phải hạ cánh tại Los Rodeos.
Sân bay nhỏ bé Los Rodeos rõ ràng là không được thiết kế để đáp ứng số lượng quá lớn các máy bay cùng lúc. Ngay sau đó, các khu đỗ máy bay và thậm chí cả một phần trong đường băng cất cánh đã bị các máy bay chờ cất cánh tới Las Palmas chiếm chỗ.
Trong số đó có chiếc máy bay của hãng KLM của Hà Lan với 235 hành khách đang chờ. Chiếc Boeing của Hà Lan muốn bay sang sân bay Las Palmas, trả khách tại đó và sau đó trở về Amsterdam với một nhóm du khách khác.
Còn chiếc Boeing 747 của Mỹ do hãng Pan American làm chủ được Công ty Du lịch Royal Cruise đặt. Có 378 hành khách đi từ Los Angeles và New York trên máy bay.
Vài giờ sau khi vụ tấn công xảy ra, sân bay Las Palmas đã mở cửa lại. Chỉ vài phút sau đó, những chiếc máy bay đầu tiên may mắn đã được ra đường băng của Los Rodeos, xếp đúng thành một hàng dài. Hai chiếc máy bay của Hà Lan và Mỹ đã không thể kiên trì chờ đợi lệnh cất cánh.
Khi hai chiếc máy bay đâm phải nhau |
Cũng chính trong ngày hôm đó, có hai người điều phối chuyến bay tại sân bay Los Rodeos. Một người phụ trách các máy bay di chuyển trên mặt đất, và một người điều khiển các chuyến bay hạ cánh và cất cánh.
Người thứ nhất đã chỉ dẫn cho chiếc máy bay của Hà Lan tới một trong số các đường băng. Người điều hướng đã nói từ "mặt đất" bằng thứ tiếng Anh rất nặng âm Tây Ban Nha, và phi công trưởng đã phải hỏi lại nhiều lần về tuyến đường đi. Và đội lái vẫn phải liên lạc với người điều hướng nhưng ít thường xuyên hơn.
Chiếc máy bay boeing của Mỹ đã sẵn sàng cất cánh ngay sau chiếc máy bay của Hà Lan. Ban đầu, họ cũng nghe được chỉ dẫn (bằng tiếng Anh) để bay ngay sau máy bay của Hà Lan và cùng đường băng, nhưng sau đó lại phải chờ sau chiếc máy bay khác. Tầm nhìn xa trong lúc trời mờ mịt như vậy không quá 50m, và các phi công khó lòng nhìn thấy ranh giới của đường băng. Trong khi sân bay Los Rodeos lại không được trang bị hệ thống theo dõi bằng rađa, và người điều hướng buộc phải xác định vị trí của máy bay trên mặt đất theo báo cáo của phi công.
Trong khi tổ lái của máy bay Hà Lan đang đàm phán với "tháp điều hướng", máy bay của Mỹ đã tới vị trí mà họ phải chuyển sang một đường băng khác. Hai phi công của máy bay Mỹ đã phải cố gắng xen ngang vào cuộc nói chuyện giữa người điều hướng và phi công Hà Lan.
Cuối cùng, phi công Mỹ đã xen được vào đoạn hội thoại: '... chúng tôi vẫn ở đường băng'. Trong một khoảnh khắc kinh hoàng của vụ tai nạn, những lời này của phi công Mỹ đã bị chèn với đoạn cuối trong chỉ dẫn mà người điều phối nói với tổ bay Hà Lan: '... chuẩn bị cất cánh. Tôi sẽ liên lạc sớm với anh chừng nào đường băng rảnh'.
Những dữ liệu trong các "hộp đen" tìm thấy sau vụ tai nạn rõ ràng đã phản ánh chính xác khoảnh khắc kinh hoàng khi hai máy bay đâm vào nhau. Như vậy, phi công trưởng của Hà Lan không hề biết là chiếc máy bay của Mỹ vẫn đang ở trên đường băng. Ông đã chắc chắn rằng quyết định cất cánh đó là dành cho máy bay của ông. Tuy nhiên, cơ trưởng của máy bay Mỹ cũng nghĩ điều tương tự. Hệ quả là, hai chiếc máy bay đã đâm thẳng vào nhau với vận tốc lấy đà khi cất cánh.
Khi thấy chiếc máy bay Mỹ cách đó có vài mét, máy bay Hà Lan đã cố tìm cách cất cánh hết sức có thể. Nhưng đuôi của máy bay đã bị nghiến vào sàn bê tông. Chiếc máy bay Hà Lan lập tức đổ ập vào máy bay của Mỹ ngay khi vừa cất cánh khỏi mặt đất. Máy bay Hà Lan gần như nằm chồng lên máy bay Mỹ. Trong lúc đó, có vài hành khách đã kịp thoát ra khỏi máy bay.
Chiếc máy bay của Hà Lan rơi xuống nền bê tông ở vị trí cách 150m so với đoạn va chạm. Còn thân của máy bay Mỹ đã bị kéo lê trên đường băng 300m, cho tới khi dừng lại thì thì nó bị xoay 90 độ. Sau đó, bình xăng của máy bay Hà Lan phát nổ. Những mảnh vụn bắn xa hàng trăm mét và máy bay Mỹ bắt lửa. Vài giây sau đó, chiếc boeing 747 trở thành một ngọn đuốc khổng lồ.
Phần thân bên trái của máy bay 747 chỉ bị hư hại một phần nên trong số 396 hành khách trên máy bay thì có 70 người thoát ra ngoài được. Chín người trong số đó đã thiệt mạng trong bệnh viện vì bỏng nặng. Tổ lái cũng thoát được ra ngoài.
Vụ tai nạn máy bay này đã đi vào lịch sử hàng không dân dụng như một ví dụ điển hình về các lỗi bất cẩn do con người gây ra.
Lê Thu (theo Pravda)