Sự thành lập của nhà nước Pakistan đã cắt Ấn Độ khỏi tuyến đường thương mại
lâu đời tới Trung Á và xa hơn nữa. Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Ấn Độ vẫn
coi Iran là một cách để kết nối lại.
Các tỷ phú thế giới giàu lên như thế nào
Rò rỉ thư vạch điểm yếu của quân đội Ấn Độ
Trong khi Mỹ cô lập Iran bằng cách thúc ép các nước ngừng mua bán dầu và các mặt hàng khác với nước cộng hòa Hồi giáo này thì Ấn Độ lại đang xây dựng những mối quan hệ thương mại mới tại đây. Ấn Độ cho rằng Iran là con đường dẫn tới việc xây dựng tầm ảnh hưởng mà nước này cần có tại Trung Á và Afghanistan.
Trước khi chia cắt, tiểu lục địa Ấn Độ có những kết nối về thương mại và chính trị với Trung Á và xa hơn là tới Nga, châu Âu. Sự thành lập nhà nước Pakistan đã cắt đường tiếp cận khu vực trên của Ấn Độ và do đó New Delhi đã từ lâu coi Iran là một lối ra.
Trong tuần này, chính phủ Ấn Độ chủ trì một hội nghị gồm 14 nước nhằm giúp xây dựng một mạng lưới vận chuyển hàng bằng đường biển mới - Hành lang Bắc Nam quốc tế, theo đó sẽ dùng các hải cảng, đường sắt và đường cao tốc của Iran. Mục tiêu của dự án này là kết nối Ấn Độ với các phần của châu Âu mà chỉ tốn 1/2 thời gian so với các tuyến đường hiện tại phải đi qua kênh đào Suez của Ai Cập.
Hội nghị vận chuyển đường biển diễn ra ba tuần trước khi một phái đoàn thương mại được chính phủ Ấn Độ hậu thuẫn vừa trở về từ Iran và công bố những triển vọng mới cho thương mại. Tuần trước, các nhóm xuất khẩu Ấn Độ cho hay, Iran đã mua thức ăn cho vật nuôi và đang tìm mua đường, chè, lúa mỳ - tất cả những thứ mà Mỹ thúc ép Ấn Độ cắt quan hệ với Iran.
Việc Ấn Độ với tay tới Iran đã đẩy Mỹ vào thế khó xử. Trong khi Washington bênh vực sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là một sức mạnh khu vực và hoan nghênh những nỗ lực viện trợ của Ấn Độ tại Afghanistan, thì chương trình hạt nhân Iran vẫn là một mối lo ngại ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng phát biểu trước Quốc hội nước này vào tháng 2 rằng Mỹ đang có những cuộc đối thoại lớn và thẳng thắn với Ấn Độ và những nước khác, như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn nhập khẩu dầu từ Iran.
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ vẫn cứng rắn. Tính tới vị trí địa chính trị của Ấn Độ với Iran, những lợi ích kinh tế và an ninh với Afghanistan, quan hệ thương mại đầy sóng gió với quốc gia được vũ trang hạt nhân Pakistan thì Ấn Độ coi Iran là một đối tác quan trọng lâu dài.
"Mỹ chỉ nhìn vào những lợi ích ngắn hạn", Tướng Dipankar Banerjee, một nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột nhận xét. "Chúng ta hiểu rằng Mỹ muốn Iran từ bỏ vũ khí hạt nhân song cũng phải nhìn vào những lợi ích chiến lược về an ninh và thương mại của Ấn Độ sau năm 2014 sau khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan".
Với số khoáng sản chưa khai thác ước tính lên tới 3 nghìn tỷ ở Afghanistan, một tuyến đường thương mại ổn định đi qua nước này sẽ cung cấp nguồn lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Ông Banerjee tin rằng nó cũng giúp bình ổn kinh tế Afghanistan và có tác dụng như một tấm đệm chống cực đoan hóa.
Ngoài thương mại, Ấn Độ đã ký cam kết huấn luyện lực lượng an ninh
Afghanistan tại Ấn Độ và bơm 2 tỷ USD với tư cách là hỗ trợ phát triển cho
Afghanistan kể từ khi Taliban sụp đổ. Gần đây, lần đầu tiên Ấn Độ đã dùng cảng
Chabahar, phía đông nam Iran - sau khi giúp Iran xây dựng hải cảng này cách đây
một thập niên, để vận chuyển 100.000 tấn lúa mỳ tới Afghanistan như một phần
viện trợ nhân đạo cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và ổn định của Afghanistan phụ thuộc vào nhiều
thứ chứ không chỉ là sự liên quan của Ấn Độ và những khó khăn do lệnh trừng phạt
của Mỹ với Iran gây ra. "Lệnh trừng phạt Iran là một yếu tố phức tạp trong chiến
lược kinh tế hướng tới Afghanistan. Tuy nhiên, nó không phải là yếu tố phức tạp
duy nhất", Ellen Laipson, Chủ tịch kiêm CEO của trung tâm Stimson, một viện
chính sách công đóng tại Washington nhận xét.
- Hoài Linh (Theo CSM)