"Chồng tôi và tôi quyết định rời Somalia sau khi đàn dê của chúng tôi chết hết.

Sau vài tháng không hề có mưa, cả đất nước trở nên khô cạn. Chúng tôi không có bất kỳ thứ gì có thể ăn được trong đám rau cỏ đã khô quắt. Chúng tôi nghe nói rằng qua biên giới Kenya có một nơi là Dadaab, nơi mà các gia đình có thể có thức ăn - vậy là chúng tôi gia nhập cùng với các gia đình khác trong làng, lặn lội suốt cả quãng đường dài để không bị chết đói.

Chúng tôi hiểu rằng chuyến đi sẽ rất nguy hiểm: Chúng tôi nghe nói có phụ nữ và các bé gái đã bị kẻ cướp tấn công trên đường tới Dadaab. Nhưng chúng tôi đã rất may mắn.

Sau khi đi bộ suốt 20 ngày trời, chúng tôi đã tới Hagadera - một trong số các trại ở Dadaab vào tháng Bảy năm ngoái. Chúng tôi quá đói và kiệt sức - nhưng an toàn".

Đó là hành trình mà Saadia và gia đình cô đã trải qua để có được nước uống và lương thực khi những cánh đồng ở Somalia "chết cháy" vì khô cạn vào tháng Bảy năm ngoái.

 
Một người phụ nữ đi xách nước về ở khu vực trại Dadaab, Kenya. Ảnh: IRC

Trước đó, nhiều người vẫn nghĩ tới một tin tương đối khả dĩ liên quan tới cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng lớn đe dọa 10 triệu người dân ở vùng đất khô bụi, khát mưa ở Đông Phi.

Đó là họ vẫn còn đang phải đối phó với nạn hạn hán khủng khiếp, chứ chưa trở thành một nạn đói hoang tàn thật sự. Điểm khác biệt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

"Tôi ví đây giống như một cảnh quay chậm của con tàu sắp bị đâm" - Robert Fox, lãnh đạo của Oxfam Canada nói với tác giả Brian Steward vào năm 2011 về nạn hạn hán tàn bạo ở Đông Phi. "Chúng ta còn quá ít thời gian để đưa mọi người ra tới nơi an toàn trước khi tàu đâm".

Nhưng rồi sau đó, tại khu vực Sừng châu Phi, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua đã ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực Đông châu Phi. Khắp Somalia, Ethiopia và Kenya bị khủng hoảng lương thực trầm trọng, khiến cho đời sống của hơn 10 triệu người lâm nguy.

Ngày 20/7/2011, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo về nạn đói này. Ước tính hơn 1 triệu người đã chết vì đói. Hàng chục ngàn người được cho là đã thiệt mạng ở miền nam Somalia.

Fox muốn nói rằng trong khi có những người đang phải vật lộn với mùa màng thất bát và vật nuôi chết hàng loạt, phần còn lại của cả thế giới vẫn có đầy đủ các công nghệ cảnh báo hiện đại để hạn chế thiệt hại.

Khắp nơi cần tới nước sạch và lương thực, những giếng nước sâu hoắm được đào lên để kiếm nước uống và cứu đàn gia súc. Nhưng trên hết,  các trung tâm cứu tế cùng với chăm sóc sức khỏe đã được thiết lập - tất cả đều với số lượng gấp đôi bình thường, cho dù việc này đã quá chậm trễ trong năm qua.

Khu vực Sừng châu Phi đang chịu thiệt hại nặng nề từ nạn đói, trong đó, cấp độ sẫm màu thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình hình. Nguồn: Wikipedia

Liên Hợp Quốc thừa nhận rằng họ đã "theo sau con dốc" bởi vì những cảnh báo sớm về thảm họa môi trường trong những khu vực như Ethiopia, Somalia, Kenya, và miền nam Sudan đã không được các chính phủ - cả trong và ngoài khu vực, cũng như rất nhiều tổ chức cứu trợ lắng nghe đúng lúc.

Cuối năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 500 triệu USD dành cho Ethiopia và Kenya để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, nhưng chỉ có chưa đầy phân nửa số tiền đó được quyên góp.

Những thiếu sót trong tình huống đó có thể dẫn tới một thảm họa thật sự. Chỉ có một số ít chính phủ như Anh Quốc đã phản ứng kịp thời. Rất nhiều nước phát triển đã cắt giảm viện trợ nước ngoài vì vấn đề tài chính của họ, và nhiều nước phương Tây đã có vẻ đã mệt nhoài với việc cứu trợ trong nhiều năm sau các cuộc khủng hoảng từ Haiti cho tới Pakistan và 'nhường' lại việc này cho Nhật Bản.

Khắp ngả những nơi bị hạn hán chất đầy xác động vật và những bộ xương trắng xóa.

Nông dân phải ăn cả hạt giống cây trồng. Một số loại thực phẩm có giá cao chất ngất, chẳng hạn như lúa miến đã tăng giá lên 240%. Một trại tị nạn hạn hán tại Kenya đã bị bùng nổ với hơn 400.000 người đói trong khi sức chứa chỉ là 90.000 người.

Hạn hán luôn đi kèm với giá lương thực cao ngất, tình trạng vô gia cư, bệnh dịch và bất ổn xã hội. Điều đáng lo ngại là hạn hán có thể gây ra nạn đói tệ hại và con số người thiệt mạng sẽ gia tăng kinh hoàng.

Nạn đói này không kém phần kinh hoàng như từng xảy ra ở Ethiopia vào năm 1984-1985 đã khiến 1 triệu người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

  • Thu Lượng (Tổng hợp)