Người dân Rwanda không muốn cả thế giới quên đi những gì đã xảy ra cách đây 18 năm. Bản thân họ chắc chắn không thể quên.
Những gì Dida kể chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện phức tạp của cô |
Tuần qua, người dân Rwanda đã kỷ niệm 18 năm sự kiện ngày 6/4/1994 – ngày diễn ra thảm họa diệt chủng trên đất nước này. Với nhiều người, sự kiện này chỉ gợi lại đau buồn, nhưng lại là việc rất cần thiết, đây cũng là lúc những người còn sống đến thăm lại những nơi gia đình và bạn bè của họ bị giết hại.
Năm 1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến thăm tới nơi này. Ông nói – nhân danh người dân Mỹ - xin lỗi người dân Rwanda vì đã không nỗ lực hết sức để ngăn chặn thảm họa diệt chủng năm 1994 – thảm họa đã cướp đi mạng sống của 800.000 người chỉ trong 100 người.
Trong số những người còn sống sót sau thảm họa đó, có một cô gái đặc biệt.
Khi đó, cô là một cô gái trẻ, bị cưỡng bức tập thể và trên đầu vẫn còn vết sẹp to dài do bị dao rựa chém. Khi được hỏi, “Điều gì đã mang lại cho em sức mạnh để tiếp tục sống?”, cô đáp lại, đó là “niềm tin”.
Khi tác giả trở lại với miền đất này, tác giả bài báo đi cùng với một nhóm nhà báo nữ khác. Các nhà báo được yêu cầu giúp các cô gái Rwanda kể lai câu chuyện của họ. Họ gọi đó là ‘hiệu ứng con gái’ – tìm hiểu về những sự kiện xảy ra cuộc sống thời thơ ấu của những cô gái trẻ sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của họ. Tại Rwanda, cách làm này gọi là ‘ni nyampinga’. Đây là cách nói bản địa, có nghĩa là trở thành một người phụ nữ đẹp từ bên trong lẫn bên ngoài.
Cô gái mà tác giả gặp năm nay 23 tuổi, tên là Didacienne "Dida" Nibagwire. Cô là một diễn viên trẻ, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim và trên truyền hình Rwanda. Những đứa trẻ phát cuồng lên khi nhìn thấy cô trên phố bởi vì họ nhận ra cô từng xuất hiện trong loạt phim truyền hình về quyền trẻ em.
Ngoài việc làm diễn viên, cô còn làm thêm về sửa chữa điện tử, phiên dịch để kiếm thêm thu nhập. Cũng giống như những người Rwanda khác, cô nói ít nhất ba thứ tiếng – Kinyarwanda, tiếng Anh, tiếng Pháp.
Dida là một phần trong thế hệ mới ở Rwanda có cơ hội và hy vọng để theo đuổi giấc mơ của họ. Cô là người cởi mở, dễ gần và nụ cười luôn trên môi. Nhưng con đường để Dida trải qua để có được nụ cười đó khó khăn vô vàn, và cô sẵn lòng trò chuyện về ‘cuộc chiến’ đó.
Khi Dida lên 7 tuổi, cha mẹ của cô và 10 anh chị em ruột đã bị giết hại trong thảm họa diệt chủng. Những ký ức tuổi thơ của cô gắn liền với cuộc trốn chạy với chị gái, mẹ và rất nhiều lý do khác mà lúc đó cô không thể hiểu nổi. Dida nói rằng ban đầu cha cô bị bắn, sau đó tới lượt mẹ cô bị tấn công.
“Họ cầm một cái giáo xiên vào lưng của mẹ… Sau đó họ bắn em gái của tôi và cắt chân của một trong số các chị của tôi. Sau đó thì họ giết mẹ tôi, nhưng bà chưa chết. Bà đã đi tới chỗ các chị của tôi, và muốn uống nước, nhưng chị không thể đi ra ngoài để kiếm nước được. Sau đó thì mẹ chết” – Dida kể lại.
Dida và chị gái của cô là Claire thoát chết sau khi những kẻ giết người phóng lựu đạn. “Chị ấy ngủ ngay trước mặt tôi, và máu của chị ấy chảy khắp người tôi, những kẻ giết người nghĩ rằng bọn tôi đều đã chết. Đêm đó, chị ấy đã đưa tôi chạy trốn” – Dida kể.
Những ngày sau chuyến đi tử thần đó, Dida và Claire bị một nhóm khác bắt giữ và ném vào hố toàn xác người chết.
“Một ngày, rất nhiều kẻ giết người và cả người đứng đầu tóm lấy tôi và chị gái, sau đó họ mở ra một cái hổ rất to, rồi ném chúng tôi vào đó. Chúng tôi đã cầu xin họ tha cho chúng tôi” – Dida nói và hỏi Claire rằng liệu hai người đã chết hẳn chưa.
Hai chị em Dida đã thoát chết vì một người bạn của Claire đã trả tiền cho ai đó để lôi hai cô bé ra ngoài.
“Điều đáng buồn là khi họ đóng cửa hầm lại, họ lại đưa một người đàn ông khác vào trong đó khi ông ta vẫn còn sống” – Dida nói.
Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện vô cùngp phức tạp của Dida.
Khi được hỏi làm thế nào để cô có thể chịu được cả một thảm kịch dã man như vậy cho đến ngày hôm nay, cô trả lời: “Tôi nghĩ đó là một nghĩa vụ. Tôi phải làm điều gì đó tốt đẹp của đất nước của mình… Tôi tự hỏi bản thân tại sao tôi ở lại, mà không phải là em gái, không phải là anh trai của tôi, và tôi nói rằng có lẽ ông trời muốn tôi ở lại làm điều gì đó”.
Mỗi ngày, Dida có vô số công việc để làm, từ biểu diễn, dạy học và nhiều việc khác. Cô rất tự hào về những vai diễn của mình đã thu hút sự chú ý của nhiều người về vấn đề bạo lực đối với các em gái. Cô nói rằng điều này phần nào giúp cô hàn gắn vết thương lòng.
“Trên Trái đất này không có Thiên đường. Những gì xảy ra ở Rwanda đều có thể tái diễn ở những nơi khác” – Dida nói.
“Rwanda không chỉ là nơi của thảm họa diệt chủng. Tôi nghĩ Rwanda còn nhiều điều khác. Tôi nghĩ mọi người khi nghe nói về Rwanda đều liên hệ ngay tới nạn diệt chủng, nhưng sau 18 năm qua, Rwanda đã ở một điểm nào đó rồi… Chúng tôi có nền văn hóa, có lịch sử, và còn có nhiều thứ khác nữa” – Dida tự hào nói.
- Lê Thu (theo CNN)