Park Geun-hye - con gái của cựu lãnh đạo Park Chung-hee - đã gây dựng hình ảnh về một người phụ nữ can trường, trong sạch và đáng tin cậy để có thể ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc trong năm tới.
Những người dân vui mừng khi gặp Park Geun-hye |
Khi Park Geun-hye bước từ trên bục xống để tới bắt tay người dân trong một chiến dịch vận động tranh cử ngoài trời, một số trong những người già đã len lên phía trung tâm của đám đông. Đối với họ, bà Park tựa như một ngôi sao truyền hình nổi tiếng, hoặc thậm chí là một nhân vật tôn giáo.
"Tôi đã chạm vào tay bà ấy, tôi đã chạm vào tay bà ấy" - ông Lee Kyung-su, một cựu kỹ sư xây dựng 72 tuổi reo lên.
Sau đó, khi đã bình tĩnh hơn, ông mới giải thích tại sao bà Park lại khiến cho ông có cảm xúc như vậy. "Bà ấy sống một mình, không hề có các mong muốn ích kỷ nào và cũng không có gia đình nào khiến bà bị mua chuộc. Bà ấy đã dành cả đời mình cho đất nước" - ông Lee nói.
Trong nền chính trị của Hàn Quốc, bà Park có một vị trí rất đặc biệt. Sự hiện diện của con gái của một cựu Tổng thống - sống độc thân, và đang theo đuổi quyền lực trong một xã hội mà tư tưởng gia trưởng ngự trị, với tình trạng bất bình đẳng - có thể được coi là một kiểu 'huênh hoang' cho dù bà Park chỉ có vóc người nhỏ bé và cách ứng xử khiêm nhường.
Giờ đây, sau khi có được thành công trong việc dẫn dắt Đảng Saenuri (tạm dịch Biên giới mới), cùng với sự thành quả bất ngờ trong bầu cử quốc hội tuần qua, bà cũng có cơ hội để tranh cử, trở thành tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc. Nếu thành công, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm lãnh đạo đất nước một cách dân chủ.
"Bà ấy theo kiểu Bismarch và Evita" - Ahn Byong-jin, tác giả cuốn sách “Hiện tượng Park Geun-hye" nói. "Bà ấy muốn giống như cha của bà bằng cách trở thành một lãnh đạo mạnh mẽ, vì người dân của mình, nhưng bà cũng muốn trở thành một phụ nữ đồng cảm với những vấn đề của người dân".
Đây là một sự 'trỗi dậy' rất đáng chú ý, ngay cả khi bà đã có lợi thế được đào tạo về chính trị từ khi còn bé từ một chính trị gia đặc biệt của Hàn Quốc: đó là cha của bà - tướng Park Chung-hee - người từng điều hành đất nước với kỷ luật thép trong suốt 18 năm, nhưng lại đặt nền tảng cho một trong những câu chuyện về thành công kinh tế thần kỳ của châu Á.
Sau khi vợ bị ám sát vào năm 1974, tướng Park Chung-hee đã gọi con gái Park Geun-hye đang học tại Pháp về nước. Suốt 5 năm sau đó, Park Geun-hye sát cánh bên cha, đón tiếp các vị lãnh đạo thế giới và thực hiện các trọng trách của một đệ nhất phu nhân, cho tới khi cha mình bị ám sát vào năm 1979. Trong suốt những năm đó, Park Geun-hye cho biết, bà đã học được những bài học đầu tiên về chính trị từ cha mình từ những cuộc đối thoại khi ngồi ở ghế sau chiếc xe limousine của ông.
"Cha dạy tôi yêu đất nước, và phụng sự đất nước" - Park Chung-hee nói.
Bà Park Geun-hye đã gây ấn tượng với các cử tri bằng chiến dịch không mệt mỏi, bắt tay người dân cho tới khi tay bà phải băng bó lại vì đau. |
Những người bảo thủ tìm thấy ở bà những hy vọng mang tính hoài cổ của họ để một lần nữa, có chung cảm giác cùng chia sẻ mục tiêu của đất nước từng một thời hưng thịnh dưới sự lãnh đạo của cha bà, và để tìm kiếm lại khoảng thời gian 'vô tư' ngày xưa, trước khi mà đồng tiền bắt đầu làm băng hoại hệ thống chính trị.
Còn đối với những người cánh tả thì bà lại gợi cho họ mối liên hệ với những thời kỳ trước khi Hàn Quốc trở thành một nền dân chủ vào cuối những năm 1980. Bản thân bà Park từng chỉ trích các vụ lạm dụng nhân quyền trong suốt thời kỳ cha bà trị vì, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng ông là một người yêu nước, và đưa cả đất nước Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói sau cuộc chiến tranh liên Triều.
Còn về khả năng tranh cử chức tổng thống vào năm tới, có nhiều người lại cho rằng sức cuốn hút của bà lại xuất phát từ cá tính, chứ không phải từ chính sách của bà. Trước cuộc bầu cử quốc hội vào tuần trước, bà Park đã gây ấn tượng với các cử tri bằng chiến dịch không mệt mỏi, bắt tay người dân cho tới khi tay bà phải băng bó lại vì đau.
Bà Park cũng nói rất ít về một trong những khía cạnh tiên phong trong sự nghiệp chính trị của bà, đó là về giới. Các nhà phân thích cho rằng sự liên hệ giữa bà với người cha lãnh đạo đã giúp bà phá bỏ được rào cản vẫn còn hiện diện mạnh mẽ trong xã hội Nho học này. Quả thực, bà được những người ủng hộ tôn sùng như là người phụ nữ đã hy sinh tất cả vì đất nước, mất cả cha và mẹ, rồi cũng không kết hôn, không có con cái.
Khi bà Park phát biểu ở Gongju, một phụ nữ đã lắng nghe và nói rằng: sức cuốn hút lớn nhất của bà Park chính vì bà là phụ nữ. "Tôi muốn thấy phụ nữ làm tổng thống một lần" - Lee Myung-shil, một người nội trợ 37 tuổi nói.
Trong khi đó, những người nam giới khác lại không để tâm tới việc bà Park là phụ nữ, mà nói luôn rằng họ ủng hộ bà vì nhớ tới vị cựu lãnh đạo Park Chung-hee. "Ông ấy cứu chúng tôi thoát khỏi nạn đói, và mang lại quần áo ấm cho chúng tôi" - Im Hong-su, một lái xe bus về hưu 74 tuổi nói.
Nhưng 'di sản' mà người cha của bà để lại cũng phủ bóng lên các nỗ lực của bà, chủ yếu là với những cử tri trẻ tuổi - những người sẽ quyết định không nhỏ tới lá phiếu bầu nên tổng thống Hàn Quốc trong tháng 12 tới. Các nhà phân tích cho biết: cử tri trẻ không quan tâm nhiều, hoặc không biết nhiều tới cha của bà, mà họ chỉ muốn biết bà sẽ làm gì cho họ.
Tuy vẫn chưa tuyên bố việc tranh cử tổng thống, nhưng người phụ nữ 60 tuổi Park Geun-hye đã cố gắng tạo dựng nên một hình ảnh mềm mại cho bản thân và cho chính đảng của bà, như đồng cảm hơn tới hoàn cảnh khó khăn của những thanh niên Hàn đang thất nghiệp. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ đối với bà Park Geun-hye, vì bà có thể sẽ phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất tới tham vọng tổng thống của mình, đó là sự vươn lên bất ngờ của Ahn Cheol-soo - một bác sĩ chuyển sang làm doanh nghiệp phần mềm, người đã đánh trúng trái tim của các cử tri trẻ, vốn đã vỡ mộng với các đảng phái chính trị hiện thời.
- Lê Thu (theo NYT)