Tổng thống Vladimir Putin trao lại chiếc ghế lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất cho Tổng thống sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev sau lễ nhậm chức vào hôm 7/5 vừa qua.
Bộ đôi quyền lực Vladimir Putin - Dmitry Medvedev. Ảnh: RIA |
Lý do ông Putin đưa ra quyết định này là vì tổng thống nên là một gương mặt không theo đảng phái nào. Trong con mắt của một số chuyên gia chính trị, hành động cải tổ nhân sự này cho thấy ông Putin đang dần rời bỏ Nước Nga Thống nhất.
Vốn là người luôn làm như đúng những gì mình đã nói, ông Putin đề cử ông Medvedev giữ các vị trí mà ông từng tuyên bố: chức Thủ tướng và giờ là lãnh đạo Đảng cầm quyền.
Dựa trên những gì mà ông Putin đã làm kể từ khi lên nắm quyền tới nay, không ai mảy may nghi ngờ bất cứ khả năng "đánh trống bỏ dùi" nào của chính trị gia quyền lực nhất nước Nga.
Ông Medvedev gánh trách nhiệm lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất, và nắm quyền Thủ tướng.
Nhưng với ông Medvedev thì vấn đề lại chẳng đơn giản theo kiểu cứ nhậm chức là xong. Bởi mọi thách thức mà ông sẽ phải đối mặt lại nằm ở chỗ: ông sẽ thực sự phải chèo lái như thế nào để đạt được các thành quả do chính mình đề ra?
Kể từ tháng 12 vừa qua tới nay, các quan chức trong đảng vẫn đang thảo luận về việc cải tổ nội bộ, hứa hẹn sẽ chia đảng thành ba nhóm tư tưởng khác nhau: chẳng hạn như tự do, bảo thủ và ái quốc. Còn giới truyền thông và phân tích lại nghi ngờ rằng quyền lực trong đảng sẽ phân tán ra thành nhiều mảng khác nhau, hoặc thậm chí là giải tán.
Ông Medvedev sẽ phải dốc sức ra nghĩ cách để cải tổ đảng với một 'hình ảnh vững chãi'. Nhưng cơ hội cho ông không nhiều tới vậy. Bởi những người quan liêu thì không thích Medvedev và ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến về mặt ý thức hệ.
"Ông Medvedev là một người có tư tưởng tự do theo kiểu phương Tây, trong khi đa phần Đảng Nước Nga Thống nhất lại có tư tưởng chống phương Tây. Họ không hợp nhau chút nào" - Yevgeny Minchenko thuộc Học viện Chính trị nói.
Trước đó, ông Putin đã từng dẫn dắt thành công Đảng với các kỳ bầu cử Hạ viện chiến thắng áp đảo. Trong kỳ bầu cử vừa qua, tuy kết quả thấp kỷ lục nhưng Nước Nga Thống nhất vẫn chiếm đa số trong quốc hội.
Hiện nay, tỉ lệ ủng hộ đối với đảng này đã tăng lên 52% (so với tháng 12 là 49%), nhưng với ông Medvedev, vượt qua cái bóng của mình đã khó, vượt qua cái bóng của người khổng lồ Putin càng khó hơn.
Không ít người đoán ra được phần nào nỗi trăn trở của ông Medvedev, đó là sau khi đã được đặt vào những vị trí trước đó từng của Putin, ông Medvedev sẽ làm thế nào để lấp đầy được khoảng trống mà người tiền nhiệm để lại.
Cụ thể hơn là ông Medvedev liệu có thể dẫn dắt được Đảng Nước Nga Thống nhất thành công như ông Putin từng làm? Hoặc nếu ở vị trí thủ tướng, liệu ông Medvedev có đạt được các thành quả vang dội như những gì Putin đã làm với nền kinh tế của Nga.
Ở đây có hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, ông Medvedev luôn miệng hô hào về dân chủ, tự do chính trị nhưng các chuyên gia lại cho rằng "Thủ tướng Medvedev" sẽ có rất ít cơ hội để phát triển tự do chính trị ở Nga.
"Trong vai trò Tổng thống, ông ấy [Medvedev] đã không làm được quá nhiều cho việc này" - Chủ tịch của đảng Tự do Yabloko Servey Mitrokhin nói. Ông Medvedev "đã quên rằng ông ấy chỉ là một Thủ tướng", ông Mitrokhin bình luận, và nói thêm rằng quan điểm của ông Putin về rất nhiều vấn đề lại "hoàn toàn khác".
Vấn đề thứ hai, ông Medvedev sẽ phải gồng mình chèo lái nội các như thế nào trong khi cái bóng của Putin vẫn lừng lững trong bộ máy lãnh đạo.
Sau bài diễn văn tổng kết 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống của mình, nhiều chuyên gia cho rằng ông Medvedev đang muốn thể hiện rõ vị thế riêng của ông với tư cách là 'người có ảnh hưởng lớn thứ hai của đất nước' - ông Minchenko nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin lại cho rằng: lời lẽ của ông Medvedev trong bài diễn văn lại rất giống với giọng điệu của ông Putin trong loạt các bài báo đăng suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua.
Như vậy, chặng đường trước mắt của Dmitry Medvedev sẽ không gì khác ngoài việc tự thoát ra cái bẫy do chính ông và người tiền nhiệm của mình vô tình sắp đặt.
- Lê Thu