NATO đang phải đối mặt với hàng loạt các cuộc tấn công trên mạng, khối này cho rằng Nga và Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công này.
Trụ sở NATO tại Brussel, Bỉ |
Các chuyên gia về chiến tranh mạng của Hiệp ước Quân sự Bắc Đại tây dương đang nghi ngờ tình báo Nga và Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công trên mạng nhằm lại khối này. Theo thống kê của tờ Tấm Gương (Đức), mỗi ngày đơn vị chống chiến tranh mạng của NATO phải đối phó với khoảng 30 cuộc tấn công kiểu này.
Các chuyên gia cho biết các cuộc tấn công ngày càng dồn dập hơn, và hầu hết trong số đó có vẻ như có liên quan tới tình báo Nga và Trung Quốc. "Mỗi ngày, chúng tôi có hơn 30 cuộc tấn công đáng kể vào hệ thống kỹ thuật số hoặc máy tính cá nhân, hầu hết thông qua các email bị nhiễm phần mềm gián điệp được gửi tới các cá nhân nhân viên NATO" - Trung tướng Kurt Herrmann cho biết bên lề một cuộc hội thảo tại Trụ sở tối cao của liên minh các cường quốc châu Âu (SHAPE), đặ tại Mons, Bỉ.
Tướng Herrmann đã thành lập một đội gồm 120 chuyên gia máy tính của NATO đảm nhiệm việc bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm của khối này khỏi các cuộc tấn công trên mạng. Đơn vị này được gọi là Cơ quan Dịch vụ Hệ thống Thông tin và Truyền thông của NATO (NCSA) thu thập các dữ liệu về mọi cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống thông tin của NATO. Hai năm trước, khối NATO đã chính thức coi mối nguy hiểm từ các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia thành viên của khối là một mối đe dọa mang tính chiến lược.
Tướng Herrmann cũng cho biết các chuyên gia của ông đã nhấn mạnh về "số lượng và cả mức độ và cường độ" của các cuộc tấn công nhằm vào khối này. Trong rất nhiều trường hợp, các email mang theo các phần mền gián điệp bao gồm nhiệm vụ do thám thông tin tình báo lẫn phầm mềm tin tặc.
Trong các trường hợp khác, những kẻ tấn công đã tìm mọi cách để tìm kiếm dữ liệu cá nhân về các mục tiêu để làm cho các email có tính thuyết phục hơn. Khi người nhận mở các email này, một phần mềm Trojan sẽ tự động cài vào máy tính và bắt đầu chuyển dữ liệu về các máy chủ ở nước ngoài.
"Nhân tố con người"
Tuy nhiên, khi nói về gốc gác của các tin tặc thì tướng Herrmann từ chối đưa ra bình luận. Nhưng tờ Tấm gương lại đưa thông tin từ các nguồn khác, cho rằng một số p hần mềm độc hại được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào NATO giống với các chương trình được các tổ chức thuộc cơ quan tình báo Nga và Trung Quốc sử dụng. Do đó, các chuyên gia của khối quân sự tin rằng hai quốc gia này đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm vào NATO. Ngay cả việc các cuộc tấn công này đã lấy đi bao nhiêu tài liệu quan trọng của khối cũng không ai rõ. Do đó, NATO cho rằng họ chỉ biết rằng các cuộc tấn công này đã được phát hiện ra và ngăn chặn.
Còn tại trụ sở của SHAPE, mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công này được hiển thị rõ ràng. Ngay tại lối vào của khu vực an ninh có treo một tấm biển thể hiện mức độ nguy hiểm hiện thời. Trên đó là một biển hiệu bằng đèn LED cảnh báo không được mở bất kỳ các tệp đính kèm nào trên máy tính làm việc. Ngoài ra, trên khắp các tòa nhà cũng có các biển báo khác kèm theo.
Trên thực tế, cái được gọi là "nhân tố con người" được coi là thứ yếu nhất trong việc bảo vệ các mạng lưới trước các cuộc tấn công. Các phần mềm gián điệp như vậy nhằm vào NATO đã thành công nhiều lần trước đó, thậm chí ngay cả trong việc tấn công các cơ quan như Bộ Quốc phòng Mỹ.
NATO tin rằng các cơ quan nước ngoài đang hy vọng rằng các cuộc tấn công sẽ tìm ra càng nhiều dữ liệu mật càng tốt, từ các kênh ngoại giao cho tới các chi tiết từ các quốc gia như Afghanistan - nơi mà khối này đang thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quan chức cũng nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công chính trị cũng đang có xu hướng tăng cao. Chẳng hạn như trước một chiến dịch ở Libya hồi đầu năm 2011, một website của NATO đã bị tin tặc và khối quân sự này bị gắn mác là "kẻ giết người". Tuy nhiên, vụ tấn công đã nhanh chóng bị phát hiện và sửa chữa.
- Lê Thu (theo Tấm Gương)