Các quan chức Nam Xu Đăng cho biết Trung Quốc đã đồng ý cho họ vay 8 triệu USD để thực hiện các dự án phát triển.

Tổng thống Nam Xu Đăng đã gọi Trung Quốc là một trong những  'đối tác kinh tế và chiến lược' 
Người phát ngôn của chính quyền cho biết các khoản tiền vay được từ phía Bắc Kinh sẽ được sử dụng để xây dựng đường xá, cầu cống và hệ thống viễn thông, phát triển nông nghiệp và thủy điện.

Tuy nhiên, trong số các dự án này lại không đề cập đến các kế hoạch xây dựng một đường ông dẫn dầu từ quốc gia mới độc lập này.

Các thông tin từ vụ thỏa thuận này được đưa ra sau khi Tổng thống Nam Xu Đăng trở về nước sau chuyến công du chính thức của ông tới Trung Quốc.

Chuyến đi của ông diễn ra ngay trong lúc tranh chấp nổ ra giữa hai miền Xu Đăng về khu vực biên giới Heglig đầy dầu lửa.

Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều dầu từ cả hai miền Xu Đăng.

Họ muốn duy trì quan hệ tốt với cả Xu Đăng - một đồng minh lâu năm - và với cả miền Nam, nơi sở hữu một phần lớn sản lượng dầu trong khu vực khi họ ly khai vào tháng 7/2011 sau nhiều thập kỷ xung đột.

Kể từ đó, quan hệ Nam Xu Đăng với Xu Đăng (miền bắc) trở nên căng thẳng - chủ yếu xung quanh việc phân chia nguồn dầu mỏ và phân định lại biên giới.

'Bắt đầu từ con số 0'

Bộ trưởng Thông tin của Nam Xu Đăng Barnaba Mariel Benjamin cho biết phía Trung Quốc muốn giúp đỡ phát triển đất nước.

"Không hề có điều kiện nào ràng buộc" - ông Barnaba nói.

"Mọi người biết đấy, chúng tôi bắt đầu từ con số 0 nhưng chúng tôi có vô số nguồn tài nguyên. Ít nhất [nếu như] các nguồn tài nguyên phát triển, tôi tin chắc rằng chúng sẽ mang lại lợi ích cho người dân Nam Xu Đăng, và cho khu vực cũng như cả thế giới".

Nam Xu Đăng sẽ nhận được khoản tiền của Trung Quốc trong hai năm tới, và các dự án sẽ do phía Trung Quốc đảm nhiệm.

Vào tháng Giêng vừa qua, Nam Xu Đăng đã ngừng hoạt động sản xuất dầu vốn mang lại 98% nguồn thu của họ, sau khi Khartoum giam giữ các tàu chở dầu của Nam Xu Đăng trong lúc tranh cãi về các phí trung chuyển.

Hiện, Nam Xu Đăng vẫn dựa vào các đường ống dẫn dầu tới cảng biển ở Xu Đăng (miền bắc) để xuất khẩu dầu. Họ đang đề xuất một đường ống dẫn mới có thể đưa dầu tới cảng Ấn Độ Dương thay vì tới miền bắc Xu Đăng.

Cả Xu Đăng và Nam Xu Đăng đều phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Nhưng hai phía đều không thể đi đến thống nhất về việc phân chia nguồn dầu lửa từ quốc gia cũ (trước khi họ chia làm hai miền như hiện nay). Khoảng chừng 75% lượng dầu nằm ở miền Nam nhưng đường ống dẫn lại đi về miền Bắc. Nhiều người lo ngại rằng các tranh cãi về dầu lửa có thể khiến hai miền của đất nước cũ rơi vào cảnh chiến tranh.

Các tranh cãi chính giữa hai miền Xu Đăng

 - Phí trung chuyển Nam Xu Đăng phải trả cho Xu Đăng để sử dụng đường ống dẫn dầu.
- Phân chia biên giới
- Cả hai đều tuyên bố chủ quyền với khu vực Abyei.
- Các quyền của mỗi công dân giờ đây trên một đất nước khác - ước tính có 500.000 người Nam Xu Đăng ở Xu Đăng (miền bắc) và có 80.000 người Xu Đăng ở miền nam
- Cả hai đều cáo buộc bên còn lại ủng hộ cho các nhóm khủng bố trên lãnh thổ của họ.

  • Lê Thu (theo BBC)