Trong hai tuần vừa qua, Mỹ đã có các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ trong khu vực châu Á khi họ tìm cách nhen nhóm lại quan hệ thân thiết với Nhật, Ấn Độ trong khi lại hay gặp khúc mắc với Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có những động thái rõ ràng thể hiện chiến lược của Mỹ tại châu Á.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama luôn nói rằng họ không có chiến lược nào nhằm kiềm chế Trung Quốc nhưng họ lại ráo riết thắt chặt quan hệ với các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda có cuộc gặp ông Obama vào thứ Hai này tại Nhà Trắng, sau đó là một bữa tiệc tối do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tổ chức. Ngay sau đó, bà Clinton bay tới Bắc Kinh để có cuộc hội đàm quan trọng.

Sau đó, bà Clinton sẽ tới Ấn Độ sau khi dừng chân ở Bangladesh. Bà Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng có cuộc hội đàm chung với các người đồng nhiệm Philippines vào thứ Hai này. Đây là một dấu hiệu cho thấy quan hệ đồng minh giữa hai bên đang được củng cố.

Vài ngày trước chuyến thăm của ông Noda, Mỹ và Nhật đã thông báo về kế hoạch rút 9000 quân khỏi căn cứ Okinawa, tìm cách giải quyết việc tái thiết lập căn cứ của Mỹ trên đảo. Đây là vấn đề gây cản trở chính trong mối quan hệ giữa hai đồng minh Thái Bình Dương.

Kurt Campbell - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á cho biết thỏa thuận trên sẽ giải quyết 'các vấn đề về liên minh Mỹ - Nhật' nổi lên trong những năm qua khi chính quyền Nhật có những sự chuyển giao.

Thỏa thuận quân sự trên 'xua tan moi nghi ngờ -- chúng tôi vẫn là nền móng, chúng tôi vẫn là số 1. Chúng tôi là nền tảng cho mọi việc mà Mỹ tiến hành trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - ông Campbell nói trên một diễn đàn.

Trong khi tìm cách giải quyết khúc mặc với đồng minh lâu năm Nhật Bản, Mỹ cũng nỗ lực củng cố quan hệ với Ấn Độ.  Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ký một thỏa thuận hợp tác hạt nhân bước ngoặt đánh dấu cho quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Trong chuyến thăm trước đó vào năm 2011, bà Clinton đã kêu gọi New Delhi có vai trò toàn cầu lớn hơn nữa và nói rằng quan hệ Mỹ - Ấn có thể định hình nên cả thế kỷ 21 này.

Tuy nhiên, đà thúc đẩy này đã bị hãm lại khi một số nhà lập pháp của Mỹ lần đầu tiên trong nhiều năm đã chỉ trích Ấn Độ vì họ có ý định mua dầu từ Iran.

Daniel Twining - một nhà hoạch định chính sách của châu Á trong thời kỳ Bush cho biết Ấn Độ và Mỹ ban đầu đã tiến gần hơn tới một quan điểm chung về các giá trị và cả các đối thủ cạnh tranh - chủ yếu là từ phía Trung Quốc.

"Quan hệ Mỹ - Ấn thật sự đã bị thả nổi và giữa hai phía đều có cảm giác lo lắng, nhưng thực thế là những điều thật sự đưa chúng tôi tới gần nhau nhất trong thời gian tới là chính những lo ngại về tình hình Đông Á" - ông Twining nói.

Về vấn đề Nhật Bản, ông Twining hy vọng rằng Washington và Tokyo 'có thể đi tới cùng thỏa thuận Okinawa' và tập trung vào các vấn đề mang tính chiến lược hơn, chẳng hạn như phòng thủ tên lửa và cùng nhau giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải đầy căng thẳng tại châu Á.

Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định mọi nỗ lực của họ không phải nhằm vào Trung Quốc. Trong một bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Clinton khẳng định: "Chúng ta chỉ có thể thành công trong việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, hòa bình nếu như chúng ta xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung thành công".

  • Lê Thu (theo CNA)