Đi thuê hàng hiệu đang trở thành trào lưu đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc khi không phải ai cũng có đủ tiền để mua những món đồ đắt tiền.

TIN BÀI KHÁC:

Ren Jiansong mê mẩn với những món đồ vừa thuê từ cửa hàng V2. (Ảnh: China Daily)

Ren Jiansong bỏ tiền ra thuê trước khi có thể mua được những món đồ xa xỉ mà anh vô cùng ngưỡng mộ, điều hấp dẫn anh chàng mê hàng hiệu 26 tuổi này thường xuyên có mặt tại một cửa hiệu cho thuê đồ ở Bắc Kinh.

Món đồ mà Ren thuê gần đây nhất là một chiếc túi Damier Naviglio của hãng Louis Vuitton. Chiếc túi đưa thư màu nâu và làm bằng da này có giá khoảng 1.600 USD nhưng Ren chỉ phải trả 80 NDT (29 USD) để thuê nó trong ba ngày. Anh cũng bỏ ra 90 NDT để thuê một chiếc ví Louis Vuitton trị giá 700 USD trong khoảng thời gian tương tự.

"Tôi có đủ tiền để mua những món đồ này, nhưng tôi không nghĩ giá cả của chúng hợp lý," Ren, người có thu nhập hàng năm gần 220.000 NDT (gần 35.000 USD) cho biết.

"Tôi cần những chiếc túi chất lượng cao cho những buổi tiệc và gặp mặt bời vì chúng sẽ giúp nâng cao hình ảnh của tôi," Ren giải thích.

Anh chàng gốc Bắc Kinh này biết rất ít về các thương hiệu xa xỉ trước khi bắt đầu làm việc trong một cửa hàng thời trang vào năm 2009. Anh đã bỏ ra tổng cộng 63.000 NDT để mua hai chiếc túi, một của hãng Chanel và một của Dior cùng với một chiếc nhẫn Cartier.

Vào năm 2010, anh mở công ty riêng nhằm giúp các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới bán được sản phẩm tại các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc cũng như qua các trang web.

Tuy nhiên, Ren đã ngừng mua hàng hiệu sau khi khám phá ra V2, một cửa hàng thời trang ở khu vực Guomao, Bắc Kinh.

Ngoài việc bán các loại túi đắt tiền, V2 cũng cho khách hàng có một cơ hội sử dụng các sản phẩm cao cấp này, một dịch vụ hiếm hoi tại Trung Quốc.

Để thuê những món đồ, một khách hàng phải đặt cọc và trả tiền thuê hàng ngày bằng 3% giá bán lẻ.

Tính tới nay, Ren đã tiêu tốn hơn 60.000 NDT tại cửa hàng này.

"Những người bình thường không có nhiều cơ hội để sử dụng các mặt hàng xa xỉ, vậy tại sao không thuê một lần khi bạn cần tới nó?" Ren nói.

Trong khi Ren thường xuyên thuê hàng hiệu, những đồng nghiệp của anh lại trở thành những tín đồ nghiện mua các món đồ như vậy.

Thị trường hàng hiệu tại Trung Quốc phát triển nhanh nhất trên thế giới nhờ sự tăng trưởng kinh tế ổn định, đẩy mạnh sức chi tiêu của những khách hàng siêu giàu.

Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc có tổng cộng 146 tỷ phú vào năm 2011, tăng 14% so với năm 2010 và chỉ đứng thứ hai sau Mỹ với 431 tỷ phú.

"Thực tế, nhiều người tiêu dùng chỉ bị cuốn hút bởi các biểu tượng chứ không biết nhiều về văn hóa thương hiệu," Ren nói.

Yang Xu đang hướng dẫn khách tới cửa hàng thuê đồ. (Ảnh: China Daily)

Người Trung Quốc thích phô trương sự giàu có của mình ở nơi công cộng và tin rằng các sản phẩm chất lượng cao được gắn với những biểu tượng nổi tiếng thế giới tượng trưng cho phẩm giá của mình. Tuy nhiên, họ thích được sở hữu chứ không phải thuê, Kong Liang, quản lý Công ty Dịch vụ cho thuê Oursjia, chi nhánh Nam Ninh, tỉnh Giang tô cho biết.

"Nhiều người thể hiện sự giàu sang bằng cách sử dụng hàng hiệu, trong khi một vài công nhân viên chức lại chắt bóp tiền chi tiêu hàng ngày để mua chúng," Kong nói thêm.

Các công ty liên doanh, hợp tác với hàng chục cửa hiệu lớn tại các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc, đã cung cấp một loạt các sản phẩm cao cấp cho thuê, bao gồm thiết bị gia dụng, nội thất, sản phẩm kỹ thuật số, xe cộ, hàng hóa...Giá thuê hàng ngày cho các sản phẩm tương tự giữa các cửa hàng hầu như là giống nhau, nên các khách hàng không phải lo lắng về chuyện mặc cả, Yang Xu, nhân viên nghiên cứu thị trường, đồng thời là người đồng sáng lập V2 cho biết.

Yang và các bạn anh đã mở V2 bảy năm về trước nhưng năm đầu tiên hầu như không làm ăn được gì vì chỉ có một vài khách hàng lui tới.

Sau đó, Yang đã chuyển sang việc tiếp thị trên Taobao.com, cổng thông tin kinh doanh trên mạng lớn nhất tại Trung Quốc, cũng như cập nhập thường xuyên các sản phẩm mới trên blog cá nhân.

Khách hàng tới với V2 cũng tăng dần lên. Túi xách, ví, va li là những sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất, Yang nói.

Khó khăn lớn nhất mà Yang và các đồng nghiệp của mình phải đối mặt đó là sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, hàng nhái khiến nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của những hàng hóa mà cửa hàng anh cho thuê. Không những thế, một vài khách hàng còn đem hàng giả để trả lại sau khi thuê hàng thật.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm của mình, Yang dễ dàng phân biệt được đâu là giả, đâu là thật. V2 cũng đưa ra quy định nếu bất kỳ khách hàng nào đánh tráo hàng giả sẽ không được trả lại tiền đặt cọc để ngăn tình trạng trên.

Hợp đồng cho thuê cũng yêu cầu khách hàng phải trả tiền bồi thường nếu như gây ra hư hại nhưng Yang nói rằng thường thì họ giữ đồ rất tốt.

Các dịch vụ cho thuê hàng hiệu đang được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.(Ảnh: China Daily)

Ren đã đi du lịch khắp Trung Quốc và anh đã phát hiện thêm một nơi cho thuê hàng hiệu khác ngoài Bắc Kinh.

Bạn gái của Ren, Tian Jing, cũng là một tín đồ hàng hiệu và là đệ tử của dịch vụ thuê đồ.

Trước khi cặp đôi này gặp nhau, nữ nhân viên của Tập đoàn ngân hàng Minsheng, Trung Quốc, người kiếm được hơn 10.000 NDT/tháng, đã bỏ ra hơn 120.000 NDT để mua túi và trang sức của Hermes, Chanel, Dior, Prada và Cartier trong những chuyến du lịch nước ngoài.

"Đồng nghiệp tôi dùng những chiếc túi xách tay và va li  hàng hiệu trong những chuyến đi do ngân hàng tổ chức và tôi phải theo kịp họ," Tian nói.

"Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng việc thuê rất phù hợp với nhu cầu và tiết kiệm được nhiều tiền. Bạn bè tôi và nhiều nhân viên ngân hàng khác cũng rất thích dịch vụ này."

Zhu Li, một quản lý cửa hàng đồ cao cấp ở gần trung tâm mua sắm SCITECH, Bắc Kinh cho biết: "Với việc thuê đồ, công nhân viên chức có thể sử dụng những món hàng hiệu đắt tiền. Việc làm này cũng tiết kiệm và tối đa hóa việc sử dụng các sản phẩm cao cấp."

Mùa kinh doanh đỉnh điểm thường là những ngày lễ và cuối năm khi các cá nhân, công ty cần các món đồ đắt tiền cho các bữa tiệc và các lễ kỷ niệm, cô nói.

Wang Shijia, 28 tuổi, một người bán sỉ quần áo, thường xuyên tới cửa hàng của Zhu để thuê túi xách cho các buổi tiệc chiêu đãi.

Wang, sinh ra trong một gia đình giàu có, sở hữu gần 50 sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng, nhưng vẫn thích đi thuê đồ.

"Sau khi bắt đầu kinh doanh, tôi nhận ra rằng, kiếm tiền không đơn giản chút nào nên tôi đã chấm dứt việc phung phí," Wang, người có thu nhập gần 50.000 NDT/tháng cho biết.

"Nếu một người có khả năng mua nó, món đồ cao cấp sẽ giúp họ thể hiện đẳng cấp và phẩm giá. Ngược lại, thật xấu hổ nếu bạn dành quá nhiều tiền cho tính kiêu căng tự phụ không hơn không kém."

Yang và Zhu cùng chia sẻ niềm lạc quan về thị trường hàng hiệu và tin vào đà tăng trưởng giàu có của Trung Quốc.

Trung Quốc được hy vọng sẽ thay thế Mỹ trở thành một thị trường tiêu thụ đồ cao cấp lớn nhất thế giới vào năm 2012, theo báo cáo của văn phòng Ipsos' China vào tháng 10 năm ngoái.

Hầu hết các khách hàng đều dưới 40 tuổi.

Người dân Trung Quốc chi 9,4 tỷ USD vào xa xỉ phẩm trong năm 2009 và con số này tăng 14% trong năm tiếp theo, Zheng Wenliang, nhân viên nghiên cứu thị trường toàn cầu trích dẫn báo cáo.

Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company ước tính sản phẩm cao cấp tại Trung Quốc sẽ tăng 18% hàng năm và đạt tới 27 tỷ USD trong năm 2015, khi chiếm hơn 1/5 thị trường hàng hiệu toàn cầu.

Sầm Hoa (Theo China Daily)