Khi các lãnh đạo nhóm các quốc gia công nghiệp G-8 nhóm họp tại Trại David vào tuần này, có rất nhiều câu chuyện đề cập về vai trò lãnh đạo toàn cầu, cũng như tầm quan trọng của vai trò này đối với một thế giới đang dễ xung đột như hiện nay.
Trong một thế giới mà quá nhiều thách thức tràn qua các biên giới -- các mối đe dọa tới ổn định kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, xung đột mạng, chủ nghĩa khủng bố, và các mối đe dọa tới nguồn cung thực phẩm, nước.. - thì nhu cầu hợp tác toàn cầu trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, hợp tác còn phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo. Chỉ có các lãnh đạo toàn cầu mới có đà để phối hợp các phản ứng đa quốc gia nhằm đối phó với các ấn đề xuyên quốc gia, cũng như đủ 'tiền bạc' và quyền lực để thuyết phục các quốc gia đưa ra hành động mà họ không thể thoái thác. Chỉ có họ mới đưa ra các dịch vụ mà không ai sẽ chi trả và các nguồn lực mà không ai có thể đáp ứng được. Các lãnh đạo này cũng đặt ra nghị trình cho hết vấn đề này đến vấn đề khác.
Không may thay, lần đầu tiên trong suốt bảy thập kỷ qua, thế giới vắng bóng lãnh đạo. Tại Mỹ, núi nợ đã chất lên cao ngất, khả năng phục hồi mong manh từ sau Đại Suy thoái, và tình trạng tê liệt về chính trị của Washington đã dấy lên các mối lo ngại rằng Mỹ sẽ không thể đáp ứng nổi vai trò lãnh đạo suốt từ thời hậu chiến. Còn trên khắp Đại Tây Dương, cuộc khủng hoảng nợ đã làm châu Âu rung chuyển, cả thể chế, cả tương lai của châu lục này.
Còn tại Nhật, công cuộc tái thiết lại sau ba thảm họa liên hoàn năm 2011 - động đất, sóng thần, hạt nhân, cho thấy việc khôi phục lại sau thiên tai rõ ràng dễ dàng hơn so với việc khôi phục sau hai thập kỷ bất ổn về kinh tế, chính trị, một tình trạng tê liệt đã khiến chính phủ Nhật ít hào hứng và sẵn lòng đóng góp vào các dự án quốc tế.
Canada đã thành lập nên G-7, nhóm các nền dân chủ thị trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, các nước này đang chật vật tìm lại nền tảng của mình.
Nhưng, các quốc gia đang nổi đầy hứa hẹn nhất thế giới lại chưa sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống này. Các lãnh đạo Trung Quốc đang được chú ý hơn bao giờ về các kế hoạch chính sách đối ngoại của họ với các thực thi quan trọng trong giai đoạn tới cho việc phát triển trong nước. Tuy nhiên, giống như những người đồng nhiệm Brazil, Ấn Độ và Nga, họ vẫn rất bận tâm tới các thách thức phức tạp trong nước và còn lâu mới chấp nhận các rủi ro và gánh nặng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trên trường quốc tế.
Ngay đến cả các thể chế đa quốc gia cũng không có vẻ như muốn bước vào địa hạt này. Các nhóm quyền lực mở rộng như G-20 bao gồm các quốc gia với các bất đồng giá trị kinh tế chính trị chỉ có thể tạo nên các giải pháp đồng thuận cho mọi vấn đề khi chúng đã trở thành khủng hoảng thật sự -- và cũng chỉ khi mà mọi thành viên quyền lực nhất trong cả nhóm đang bị đe dọa. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không có lực đẩy về chính trị hoặc tài chính như trước, và mọi đối thủ cạnh tranh trong Hội đồng Bảo an LHQ hiếm khi hợp tác một cách có chủ ý. Trước mắt, nền chính trị quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đã bước vào một giai đoạn quá độ, một giai đoạn mà tác giả gọi là trật tự "G-0". Ngày nay, không có bất kỳ một cường quốc nào, hoặc một liên minh quyền lực nào có thể tạo ra một vị thế lãnh đạo quốc tế thích hợp.
Thế nhưng, bản chất tự nhiên lại không hề ưa tình trạng 'trống vắng' này, và giai đoạn quá độ này không thể kết thúc một cách mơ hồ. Các chính quyền sẽ không chấp nhận các phí tổn và rủi ro cho tới chừng nào họ tin là họ phải làm vậy -- và cho tới khi mà họ hiểu rằng những người khác sẽ không làm điều đó cho họ. Cũng giống như khi Chiến tranh Thế giới II đã tạo ra một trận tự tài chính thế giới mới tại hội nghị Bretton Woods, nâng Mỹ lên vị thế siêu cường, đó cũng gần như sẽ mang theo một mối họa nào đó, hoặc nỗi sợ ám ảnh rằng tai ương sẽ xảy ra vào một ngày nào đó để hoài thai một trật tự toàn cầu bất trắc nào đó.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đây, và ai sẽ lãnh đạo thế giới mới này?
Câu trả lời cho hai câu hỏi then chốt này này sẽ định hình nên cán cân quyền lực hậu G-0. Trước tiên, liệu các vấn đề phát sinh từ việc vắng bóng vai trò lãnh đạo này có buộc Mỹ và Trung phải hành xử như đối tác hay không, hay là các vấn đề đó sẽ đẩy cả hai vào thế đối địch?
Hiện nay, không có bất kỳ quan hệ thương mại và chính trị nào quan trọng đối với nền hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ 21 hơn là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu như các công ty của Mỹ tiếp tục thu được lợi nhuận tại Trung Quốc, họ sẽ có phần trong thành công của Trung Quốc và có quan hệ bền vững với Bắc Kinh -- buộc Nhà Trắng và các nhà lập pháp Mỹ tránh các xung đột không cần thiết. Nói cách khác, nếu như các công ty Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của họ bên trong bộ máy quan liêu của Trung Quốc để luồn lách các quy tắc mới nhằm lật lọng trong cạnh tranh theo hướng của họ, thì các công ty Mỹ sẽ đẩy cả hai chính quyền theo hướng cạnh tranh chính trị hung hăng hơn.
Có cả tá viễn cảnh như vậy có thể khuyến khích hợp tác hoặc khơi dậy thù hằn giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, một cú sốc sẽ đẩy giá dầu lên cao có thể khiến cho các quan chức Mỹ và Trung Quốc có chung mối quan tâm trong việc giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng hóa thạch, nhưng một vụ tấn công mạng của bên này nhằm vào bên kia lại có thể dẫn đến một sự đáp trả liều lĩnh về mặt chính trị.
Câu hỏi then chốt thứ hai: Liệu Trung quốc và Mỹ sẽ thống trị về địa chính trị, hay là trái lại, một số cường quốc mới nổi và thiết lập sẽ chia rẽ nhiều hơn? Nếu như các nền kinh tế cốt lõi và ngoại biên có thể hài hòa được các chính sách và tái thiết lập lòng tin trong khu vực đồng tiền chung, châu Âu vẫn sẽ là một lực lượng được tính đến. Nếu như Nhật có thể tái tạo sinh lực tăng trưởng và phát triển một hệ thống chính trị có thể khơi dậy lòng tin của công chúng, có thể họ sẽ là một nhân tố quốc tế năng động và quyết đoán.
Nếu như Ấn Độ có thể tự do hóa hơn nữa nền kinh tế của mình và quản lý lượng người di cư từ các vùng nông thôn ra thành phố, họ có thể đối trọng lại với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Nếu chính phủ Brazil có thể kiểm soát tốt lạm phát và quản lý phát triển tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, cường quốc Mỹ Latinh này có thể mở rộng đáng kể ảnh hưởng của mình.
Bằng cách đặt quan hệ Mỹ - Trung trong một trục biểu đồ và các quốc gia khác, ta sẽ có một mô hình cho viễn cảnh hậu G-0 như sau:
Hình này cho chúng ta bốn góc khác nhau. Nếu như Mỹ và Trung trở thành hai cường quốc mạnh nhất thế giới, và hiện tượng G-20 phù hợp với các lợi ích của họ, chúng ta có thể sẽ thấy một trật tự mới nổi lên, mà trong đó Washington và Bắc Kinh cùng có lợi trong việc chia sẻ gánh nặng. Có thể gọi tên đây là viễn cảnh G-2. Nếu như Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác với nhau, chia sẻ vai trò lãnh đạo với các cường quốc khác, chúng ta sẽ thấy một sự hòa hợp giữa các quốc gia có thể mang lại sự hợp tác thật sự trong một thể chế mạnh mẽ như G-20.
Nếu Mỹ và Trung Quốc trỗi dậy mạnh hơn mọi liên minh của các quốc gia khác, và G-0 đẩy cả hai về hướng xung đột, tính chất cạnh tranh sẽ buộc các chính phủ khác phải lựa chọn các bên, hoặc là chật vật đứng bên ngoài quỹ đạo. Có thể gọi viễn cảnh này là Chiến tranh lạnh 2.0.
Nhưng nếu như Washington và Bắc Kinh thấy mình lạc lõng với các quốc gia mạnh khác, quyền lực toàn cầu sẽ chia thành một 'thế giới của các khu vực' mà trong đó, các cường quốc khu vực cố gắng thống trị trong khu vực của riêng họ.
Các viễn cảnh này cho thấy sự cực đoan, và tương lai sẽ bao gồm sự kết hợp của ít nhất hai trong số các viễn cảnh này.
- Lê Thu (theo FP)