Vladimir Putin đã trở thành nhân vật gần như được chú ý nhất trong hội nghị thượng đỉnh G8 và NATO vừa qua, cho dù ông không tham dự các cuộc họp này.
Mô phỏng hệ thống tên lửa phòng thủ |
Việc 'không xuất hiện' này có một phần mang tính tượng trưng, nhưng cũng không quá quan trọng. Cho dù nguyên nhân là gì thì thực tế là, ông Putin cũng chẳng có nhiều nội dung để tranh luận trong các cuộc hội nghị này.
Nhưng hẳn nhiên, ai cũng có thể đoán ra nguyên nhân một phần trong đó có thể là vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu vẫn đang phủ bóng lên quan hệ giữa Mỹ và phương Tây.
Các cuộc thảo luận diễn ra từ cuối năm 2010 và nửa đầu 2011 về chủ đề này tỏ ra khá hữu ích, nhưng lại mang lại một kết quả tiêu cực - không đưa ra có bất kỳ khả năng phòng thủ tên lửa chung nào. Kể từ sau đó, các cuộc thảo luận đã bị ngưng lại, và lúc này thì không có bất kỳ cuộc đàm phán nào mang lại kết quả khả quan.
Trong một sự cố quên tắt micro, Tổng thống Barack Obama đã hứa hẹn với Thủ tướng Dmitry Medvedev (khi đó còn làm Tổng thống Nga) rằng ông sẽ 'linh hoạt hơn' sau cuộc bầu cử tới đây. Nhưng dù ông Obama có tái đắc cử đi chăng nữa, thì việc 'linh hoạt' này chắc chắn vẫn còn nhiều hạn chế - bởi hệ thống phòng thủ tên lửa này vẫn được phần lớn giới chính trị của Mỹ coi đó là một biểu tượng cho cả sức mạnh về quân sự và an ninh của Mỹ.
Hầu hết các nghị sĩ ở Thượng và Hạ viện của Mỹ đều hiểu rõ vấn đề phức tạp trong tương tác giữa các yếu tố bảo phòng thủ và tấn công của hệ thống chiến lược và ảnh hưởng của nó lên sự ổn định mang tính chiến lược. (Họ chỉ không hiểu tại sao người Nga lại có thể phàn nàn bất kỳ điều gì về một hệ thống tên lửa chỉ đơn thuần mang tính 'phòng thủ').
Đối với Putin, ông có thể mềm mỏng hơn trong một số khía cạnh, nhưng riêng với vấn đề lá chắn tên lửa này thì không ai mong chờ ông sẽ có nhượng bộ. Hy vọng 'tái thiết' quan hệ Nga - Mỹ theo sáng kiến của ông Obama hồi năm 2009 vừa mới được nhen nhóm trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Medevdev.
Nay, Tổng thư ký NATO tuyên bố giai đoạn đầu của hệ thống đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quá trình 'tái thiết' này sẽ bị đẩy về không xa vạch xuất phát ban đầu, bởi giữa hai 'cựu thù' chẳng có nhiều nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin trên đó.
Hồi tháng 11 năm ngoái, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu đối thủ cũ thời Chiến tranh Lạnh, NATO đưa ra lời mời hợp tác với Nga về hệ thống này tại Lisbon, nhưng cả hai phía đã phải rất chật vật để tìm ra một cơ sở chung.
'Đây không phải là một dự án nhằm chống lại Nga, đó là một dự án mà chúng tôi muốn cùng Nga thúc đẩy mối quan tâm về an ninh tại châu Âu" - Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói. "Và do đó, cánh cửa với Nga vẫn luôn mở".
Tuy nhiên, cánh cửa đó có mở đủ rộng để Nga bước vào hay không lại là việc khác. Moscow đã kêu gọi cùng kiểm soát hệ thống này với NATO và kêu gọi NATO ký một cam kết mang tính ràng buộc pháp lý rằng hệ thống không nhằm vào Nga.
Nhưng NATO kiên quyết không đồng ý, và khẳng định rằng hệ thống này chỉ nhằm đánh chặn các loại tên lửa của những nước như Iran. Còn Nga lại tin rằng các tên lửa của Iran khó có thể uy hiếp được Mỹ hoặc các mục tiêu của Mỹ ở châu Âu.
Sẽ chẳng còn bất kỳ cơ hội nào cho việc 'tái thiết' nếu như nhìn vào thực tế: Mỹ không bao giờ từ bỏ chương trình phòng thủ tên lửa này, lại càng không bao giờ làm việc đó vì mong muốn của Nga.
Nhưng khi nhìn vào túi tiền và thực trạng kinh tế ảm đạm của cả Mỹ và NATO, Nga có khi cũng chẳng cần phải quá sốt ruột về hệ thống tên lửa phòng thủ có nguy cơ đặt sát nách của mình. Nếu không có tiền, thì hệ thống này sẽ chẳng có động lực để vận hành.
Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Chicago bàn thảo một nội dung vô cùng quan trọng đối với lá chắn tên lửa: ai sẽ phải trả tiền cho toàn bộ kế hoạch?
Sáng kiến "quốc phòng thông minh" là một trong nội dung thảo luận lần này của NATO, nhằm cắt giảm một khoản tiền đáng kể bằng việc nâng cấp độ hợp tác về việc lên kế hoạch ngân sách.
Nếu đi vào chi tiết các bất đồng bên trong NATO, thì có thể tính đến một giả thiết tương đối khả thi. Washington mong châu Âu đóng góp nhiều hơn về mặt tài chính để tạo ra hệ thống phòng thủ tại châu lục này.
Nhưng nếu châu Âu cảm thấy rằng họ chưa cần tới một hệ thống đắt đỏ như vậy,
thì người được lợi nhất hẳn sẽ là Nga. Bởi Moscow sẽ chẳng cần phải giương rađa
hay đe dọa dùng bất kỳ loại tên lửa tối tân nào để đáp trả, thì tự thân một
chiếc túi rỗng cũng là 'sát thủ' đáng gờm nhất cho cả hệ thống tên lửa phòng thủ
tối tân nhất thế giới này rồi.
- Lê Thu (tổng hợp)