Một loạt các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ đã thông báo trục xuất các quan chức ngoại giao hàng đầu của Syria để phản đối vụ thảm sát hôm 25/5 vừa qua.

Vụ thảm sát tại Houla khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có hơn 30 trẻ em dưới 10 tuổi.
Vụ thảm sát đã khiến hơn 100 người dân thường thiệt mạng, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em tại thị trấn Houla.

"Hôm nay, Hoa Kỳ tuyên bố trục xuất Đại biện lâm thời của Syria là Zuheir Jabbour khỏi Hoa Kỳ. Ông có 72 giờ đồng hồ để rời khỏi đất nước [Mỹ]" - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đọc tuyên bố.

Syria không có đại sứ tại Washington kể từ khi ông Imad Moustapha rời Mỹ năm ngoái và nhận nhiệm vụ tại Trung Quốc.

Động thái bất thường này của Washington và các đồng minh đưa ra sau khi bàn thảo về cách phản ứng lại với vụ thảm sát đẫm máu tại Syria.

Trước đó, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố tại London rằng Washingon có thể sẽ cùng với các đồng minh trục xuất quan chức ngoại giao của Syria để đáp trả vụ việc ở Houla.

Các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết hầu hết 108 người thiệt mạng trong vụ thảm sát đều là dân thường. Hãng tin Reuters cho biết nhiều gia đình đã bị giết hại toàn bộ khi họ đang ở trong nhà.

"Chúng tôi khuyến khích mọi quốc gia lên án các hành động này thông qua các hành động tương tự" - bà Nuland nói.

Trong khi đó, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đã tới Syria để gặp Tổng thống Bashar al-Assad ngay sau khi vụ thảm sát diễn ra.

Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tuyên bố rằng tình hình tại Syria đã lên tới 'đỉnh điểm' sau hơn một năm xung đột đẫm máu.

Nói với các phóng viên, ông Annan cho biết kế hoạch hòa bình quốc tế gồm 6 điểm dành cho Syria đang không được thực thi "như nó buộc phải thế".

"Tôi kêu gọi ông ấy [Tổng thống Assad] phải có các biện pháp mạnh mẽ ngay lúc này - không phải ngày mai, mà là ngay lúc này - để tạo nên động lực thực thi kế hoạch" - ông Annan nói.

Kêu gọi chính quyền Syria và các lực lượng du kích do chính phủ hậu thuẫn phải 'kiềm chế tối đa', ông Annan cũng yêu cầu 'lực lượng vũ trang đối lập giảm các hành động bạo lực".

 Còn hôm nay, Australia dự định thảo luận về việc can thiệp quân sự tại Syria theo yêu cầu của Pháp, nhưng Canbera cũng cảnh báo các thách thức nghiêm trọng của hành động này, nhất là sau khi quân đội rút đi.

"Nhưng bạn sẽ phải cần tới sự thống nhất trong Hội đồng Bảo an LHQ để thực hiện điều này, và bạn phải lưu tâm tới các quan điểm của Nga và Trung Quốc -- vì đó là quyền của họ -- về cách thức can thiệp như đã từng xảy ra tại Libya" - Ngoại trưởng Australia Bob Carr nói.

  • Lê Thu (theo BBC/CNA/Reuters)

Nga bực mình với Syria về vụ thảm sát
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng một số nhân tố chính trị đang làm xói mòn lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn tại Syria.
 
LHQ lên tiếng về vụ tàn sát kinh hoàng ở Syria
Liên Hợp Quốc đã đi đầu trong các lời kêu gọi hôm 26/5 về việc phải có hành động quốc tế tức thời với Syria sau khi có nhiều báo cáo về cuộc tàn sát man rợ ở nước này
 
Thế giới 24h: Tin sốc từ Syria
Syria cáo buộc Mỹ và phương Tây liên quan tới khủng bố; Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 16 thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn của siêu cơ Nga ở Indonesia... là những tin nóng trong ngày.
 
Máu tiếp tục chảy tràn trên đất Syria
Hôm nay (5/5), một loạt vụ nổ đã lại xảy ra, làm rung chuyển hai thành phố Damascus và Aleppo của Syria, làm ít nhất 5 người thiệt mạng, phá hủy nhiều tài sản, hãng tin Reuters cho hay.