Các báo cáo được công bố tuần này cho rằng chính phủ Pháp và Ả Rập Xê Út đã lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Theo các nguồn tin tình báo và quân đội mà hãng Debka (Israel) thu thập được, một kế hoạch đã được bàn thảo trong những tuần qua nhằm vào Tổng thống Syria dựa trên việc không kích và ném bom từ biển. Tuy nhiên, khi đề cập tới sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc tấn công này, Tổng thống Barack Obama đã từ chối can dự.

Các nguồn tin của hãng Debka cho biết: trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy đã "dành những ngày cuối trong Điện Elysée để trao đổi rất lâu qua điện thoại với Nhà Trắng",  nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ cử thêm quân tham gia vào vụ tấn công.

Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê Út Salman, ông Sarkozy hy vọng rằng Tổng thống Obama sẽ hỗ trợ về mặt lực lượng cần thiết để phá hủy dinh thự của ông Assad.

Theo trang Debka, kế hoạch này sẽ bao gồm một đợt không kích kéo dài 12 giờ đồng hồ vào dinh Tổng thống Syria. Cùng lúc đó, máy bay chiến đấu sẽ được cất cánh từ một hàng không mẫu hạm của Mỹ đóng ở Địa Trung Hải hoặc Biển Đỏ sẽ vùi dập các cơ sở phòng không của Syria.

Thêm vào đó, ông Obama cũng được đề nghị cho phép các máy bay chiến đấu của Mỹ kìm chân Không lực Syria trên mặt đất và có thể thậm chí còn kêu gọi tiến hành chiến tranh mạng nhằm vô hiệu hóa hệ thống rađa và chương trình chống tên lửa của chính quyền Assad.

Trang Debka dẫn ra ba luận điểm được cho là của ông Sarkozy như sau:

Thứ nhất, ông Assad tập trung cả gia đình, các tướng lĩnh quân đội và tình báo tại một trung tâm đầu não đằng sau các bức tường kiên cố của Dinh Qassioun, do đó, có thể  'cắt đầu rắn' chỉ sau một cuộc không kích.

Đặc điểm này khác hẳn so với trường hợp của cựu lãnh đạo Libya là Muammar Gaddafi, vì ông Gaddafi không bao giờ ở quá lâu tại một địa điểm.

Thứ hai, một khi trung tâm đầu não bị phá hủy, quân đội và tình báo Syria không có nguồn chỉ huy. Quân đội của họ sẽ vẫn khu trú trong các căn cứ và chờ đợi thông tin mới, trong khi đó, các lãnh đạo của họ có thể tận dụng khoảng trống về chính trị tại Damascus.

Thứ ba, các lực lượng không quân của Pháp, Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập thiếu một trung tâm chỉ huy có khả năng điều phối các chiến dịch kết hợp với hoạt động trên không nên họ phụ thuộc vào Mỹ về khía cạnh then chốt này. Sự kết hợp của quân đội Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc làm tê liệt các lực lượng phòng không của Syria, nhất là khi can thiệp thông qua hệ thống mạng.

Tuy nhiên, chính quyền ông Obama đã từ chối tham gia vào kế hoạch này vì lo sợ sẽ 'gia tăng giết chóc'.

  • Lê Thu (theo Debka/RT)