Người Mỹ thích nghĩ về mình như là một vùng đất hứa, và những người khác cũng có cách nhìn gần như vậy. Nhưng trong khi tất cả chúng ta có thể nghĩ về những người Mỹ điển hình vươn lên thành công bằng nghị lực của chính họ, thì điều thực sự quan trọng lại là các thông tin từ các con số: cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ thay đổi tới mức nào khi phụ thuộc vào thu nhập và trình độ học vấn của cha mẹ họ?

Hình minh họa
Ngày nay, những con số cho thấy giấc mơ Mỹ vẫn là một điều bí hiểm. Mức độ bình đẳng trong các cơ hội tại Mỹ đã giảm sút hơn so với tại châu Âu - hoặc ở bất kỳ quốc gia công nghiệp hiện đại nào có dữ liệu về lĩnh vực này.

Đó là một trong những lý do cho thấy người Mỹ có mức độ bất bình đẳng cao nhất trong bất kỳ quốc gia tiến bộ - và khoảng cách giữa Mỹ và phần còn lại vẫn đang nới rộng thêm. Trong giai đoạn 'phục hồi' 2009-2010, chỉ 1% nhóm những người đứng đầu về thu nhập tại Mỹ đã chiếm tới 93% tăng trưởng thu nhập.

Các chỉ số cho thấy bất bình đẳng - như là tiền bạc, sức khỏe, tuổi thọ - đều tệ hoặc thậm chí đang có xu hướng tệ hơn. Xu hướng có thể thấy rõ là mức độ tập trung về thu nhập và tiền bạc đều đổ về những người giàu nhất, ở nhóm những người trung lưu thì chỉ số này sụt hẳn xuống, và phần đáy là nhóm người nghèo đang gia tăng.

Sẽ là đáng nói nếu như các mức thu nhập cao của nhóm giàu nhất là kế quả từ việc đóng góp nhiều hơn cho xã hội, nhưng cuộc Đại Suy thoái lại chỉ ra một sự thật khác: thậm chí các chủ nhân hàng từng đưa cả nền kinh tế toàn cầu cũng như doanh nghiệp của họ tới bờ vực đổ nát vẫn nhận được các khoản lợi tức khổng lồ.

Một cái nhìn cận cảnh hơn nữa vào nhóm giàu nhất này cũng cho thấy một vai trò không cân xứng trong việc mưu cầu đặc lợi: một số người giàu lên bằng cách thể hiện độc quyền, số khác là những giám đốc điều hành tận dụng lợi thế từ khiếm khuyết trong điều hành để bòn rút cho bản thân những khoản tiền lãi kếch xù của doanh nghiệp, và vẫn còn những người vẫn dùng các mối quan hệ chính trị để chuộc lợi từ sự hào phóng của chính phủ - có thể là từ mức giá cao cắt cổ cho các khoản mà chính phủ mua (thuốc), hoặc là mức giá vô cùng thấp đối với những mặt hàng mà chính phủ bán (khoáng sản).

Tương tự vậy, một phần tài sản của những người khác trong lĩnh vực tài chính có được từ việc bóc lột người nghèo, thông qua các hoạt động cho vay và lạm dụng thẻ tín dụng. Trong các trường hợp này, những người giàu nhất đang giàu lên từ mồ hôi nước mắt của những người nghèo nhất.

Có thể sẽ đỡ tệ hơn nếu như có một mảy may sự thật nhỏ giọt ra từ nền kinh tế - một ý nghĩ kỳ quặc rằng mọi người đều hưởng lợi từ việc những người giàu nhất đang giàu thêm. Nhưng hầu hết người Mỹ lại đang nghèo hơn - với các khoản thu nhập thực tế thấp hơn (có sự điều chỉnh từ lạm phát) - so với hồi năm 1997, tức là 15 năm về trước. Mọi lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đều rơi vào túi người giàu nhất.

Những người bảo vệ sự bất bình đẳng này lập luận rằng người nghèo và trung lưu chớ có phàn nàn. Khi mà họ có thể chỉ nhận được phần bánh nhỏ hơn so với trước kia, thì bản thân chiếc bánh cũng đã lớn hơn rất nhiều rồi, đó là nhờ có sự đóng góp của những người giàu và siêu giàu; nhờ đó mà phần bánh đó thực tế cũng lớn hơn. Một lần nữa, bằng chứng lại cho thấy một sự đối lập hoàn toàn. Quả thực, khi mọi tầng lớp cùng tăng trưởng, nước Mỹ tăng trưởng nhanh trong các thập kỷ từ sau Chiến tranh Thế giới II hơn rất nhiều so với từ năm 1980. Đây là thời điểm tăng trưởng có sự không đồng đều.

Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, một khi đã hiểu rõ nguồn gốc của sự bất bình đẳng. Mưu cầu đặc lợi đã bóp méo nền kinh tế. Tất nhiên là các lực lượng thị trường cũng đóng một vai trò, nhưng các thị trường đều được định hình từ chính trị; và tại Mỹ, với hệ thống chiến dịch tài chính gần như là tham nhũng và các cánh cửa xoay tròn giữa chính quyền và công nghiệp, chính trị đều được định hình bằng tiền.

Hoặc chẳng hạn, một luật về phá sản miễn trừ cho các chứng khoán phát sinh, nhưng lại không cho phép thanh toán khoản nợ của sinh viên, bất kể nền giáo dục không thỏa đáng tới mức nào. Việc này đã làm cho các chủ ngân hàng ngày một giàu thêm, và bần cùng hóa rất nhiều người nghèo nhất. Ở một đất nước mà đồng tiền chi phối nền dân chủ, thì việc xây dựng pháp luật kiểu đó cũng trở nên thường xuyên hơn.

Nhưng bất bình đẳng gia tăng là điều không thể tránh khỏi. Có những nền kinh tế thị trường đang vận hành tốt hơn, cả về mặt tăng trưởng GDP lẫn nâng cao tiêu chuẩn sống cho hầu hết công dân. Một số nền kinh tế thậm chí còn thu hẹp bất bình đẳng.

Nước Mỹ đang phải trả giá đắt cho việc đi theo chiều ngược lại. Bất bình đẳng dẫn tới việc tăng trưởng thấp hơn và hiệu quả giảm sút. Khi thiếu đi các cơ hội cũng có nghĩa rằng thứ tài sản giá trị nhất của Mỹ - tức là người dân - không được tận dụng một cách đầy đủ. Rất nhiều người nghèo nhất, hoặc thậm chí tầng lớp trung lưu không được sống đúng với tiềm năng của họ, bởi vì người giàu chỉ cần tới rất ít dịch vụ công và lo ngại rằng một chính phủ mạnh sẽ có thể tái phân phối lại thu nhập, sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ để cắt giảm thuế và bớt đi các khoản chi tiêu công. Điều này dẫn tới việc đầu tư thấp hơn trong hạ tầng cơ sở, giáo dục, và công nghệ, gây cản trở cho các động cơ tăng trưởng.

Đại Suy thoái đã làm gia tăng bất bình đẳng, với việc cắt bớt các chi tiêu xã hội cơ bản và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đã gây sức ép đè thẳng xuống mức lương. Hơn nữa, Ủy ban Chuyên gia về Cải cách Tiền tệ Quốc tế và Hệ thống Tài chính của Liên Hợp Quốc đã điều tra nguyên nhân của Đại Suy thóai, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cảnh báo rằng bất bình đẳng dẫn tới bất ổn kinh tế.

Nhưng, điều quan trọng nhất là, bất bình đẳng tại Mỹ đang làm xói mòn giá trị và bản sắc của Mỹ. Với việc bất bình đẳng đã đạt tới mức tột độ, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà các tác động của nó có thể thấy rõ trong mọi quyết định công, từ việc thực thi chính sách tiền tệ cho tới việc phân chia ngân sách.

Nước Mỹ đã trở thành một quốc gia không phải 'công lý dành cho mọi người', mà đúng hơn là sự thiên vị dành cho người giàu và công lý dành cho ai có đủ tiền mua nó - có thể thấy rõ trong cuộc khủng hoảng tịch thu tài sản để thế nợ, mà trong đó, các ngân hàng lớn tin rằng họ quá lớn nên không thể thất bại, mà còn đáng tin cậy.

Mỹ không thể coi bản thân mình là một miền đất hứa như trước. Nhưng như vậy không có nghĩa là: vẫn chưa quá muộn để khôi phục lại giấc mơ Mỹ.

Tác giả: Joseph E. Stiglitz - nhà kinh tế học đạt giải Nobel Kinh tế.

  • Lê Thu (Theo Project - Syndicate)