Nhật Bản đang dấy lên nghi án về việc loại thuốc diệt cỏ độc hại vẫn được biết đến với tên gọi 'chất độc da cam' được quân đội Mỹ chôn và thử nghiệm tại hòn đảo Okinawa.
Hình minh họa |
Rất nhiều thùng chất diệt cỏ này được chôn bí mật tại Căn cứ Không quân Futenma ở đảo Okinawa sau cuộc chiến này.
Tài liệu mới công bố gần đây cho thấy Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm tối mật đối với chất độc da cam trên đảo Okinawa vào năm 1962.
Các thí nghiệm này được cho là đã tiến hành dưới sự bảo trợ của Dự án AGILE - một chương trình tối mật nghiên cứu về các kỹ thuật chiến tranh phi truyền thống.
Tờ Thời báo Nhật dẫn lời của một cựu chiến binh và một cựu quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận thông tin này.
Thời kỳ những năm 1970 và 1980, Lầu Năm Góc được cho là đã phớt lờ các yêu cầu của binh sĩ đóng quân trên đảo đòi xử lý các kho thuốc độc nguy hại này.
Mùa hè năm 1981, Trung tá Kris Roberts cho đào xới khu đất ở gần đoạn cuối đường băng của căn cứ không quân, sau khi có phát hiện về lượng chất hóa học lớn chảy ra từ khu máy móc.
"Chúng tôi đào lên thì thấy trên 100 thùng được chôn thành các hàng. Các thùng bị han và rò rỉ và chúng tôi có thể thấy các vệt màu cam ở phía giữa" - ông Robert kể lại trên tờ Thời báo Nhật trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 76 triệu lít chất độc da cam trên các chiến trường Việt Nam.
Và do Okinawa từng đóng vai trò như một chốt tiền tiêu của quân đội Mỹ nên căn cứ này đã gần như trở thành điểm trung chuyển cho loại chất độc này, cho dù Lầu Năm Góc luôn khẳng định điều ngược lại.
Các nhân viên của Roberts đã tìm cách ỉm đi vụ việc này bằng cách thuê các công nhân địa phương đưa các thùng chất độc bị rỉ tới một địa điểm bí mật khác. Nhưng một trận bão đã làm ngập khu vực chôn chất độc, trong khi Roberts và các đồng đội của ông đang nhảy xuống mương để tháo "nước bị nhiễm độc khỏi căn cứ".
Sau khi tiếp xúc với chất độc này, Roberts đã bị nhiễm một loạt bệnh hiểm nghèo, bao gồm bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và bệnh tim nặng. Các bác sĩ chuẩn đoán các bệnh này của Roberts là do tiếp xúc với chất độc da cam.
Roberts sau đó đã đấu tranh để buộc các cơ quan chức năng liên hệ với đồng đội cũ của ông để lên tiếng về các vụ nhiễm độc tương tự, nhưng các lời kêu gọi của ông đều bị phớt lờ.
Bất kể quan điểm của Lầu Năm Góc, tháng Hai vừa qua, Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã bồi thường cho hai cựu quân nhân đã bị nhiễm chất độc da cam khi họ đóng tại đảo Okinawa lúc trước.
Một trong hai cựu chiến binh nhiễm bệnh cho biết họ thường phải chở các hàng hóa bị nhiễm chất độc da cam đi để rửa sạch.
Trên thực tế, từ khoảng năm 1962-2010, có 132 cựu chiến binh của Mỹ từng phục vụ tại đảo Okinawa (cho tới năm 1975) lên tiếng là họ bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn phủ nhận sự hiện diện của chất diệt cỏ độc hại này trên đảo Okinawa.
- Lê Thu (theo RT/Japan Times)