Zeng Liangliang đã phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ gia đình khi anh lần đầu nói với họ về kế hoạch việc làm của mình mặc dù đó là một công việc tốt.

TIN BÀI KHÁC:


Anh có ý định trở thành một người chăm lo công việc hậu sự, một công việc tốt ở nhiều nơi, nhưng thường bị xa lánh tại Trung Quốc do quan niệm truyền thống.

Tuy nhiên, Zeng là một trong những người chăm lo hậu sự trẻ và tự tin đang chiến đấu với những điều cấm kỵ từ nhiều thế kỷ để đạt được sự chấp nhận của xã hội. Zeng nói rằng anh muốn giúp đỡ những người quá cố và gia quyến của họ có buổi tiễn biệt cuối cùng với tất cả sự tôn trọng.

"Ban đầu, cha tôi phản đối tôi bước chân vào nghề này. Ông ấy không hiểu tại sao tôi lại muốn làm một công việc như vậy và không hề ủng hộ tôi," anh chàng sinh viên 22 tuổi ở Jiaxing, tỉnh Chiết Giang nói.

"Chúng tôi là những người trẻ tuổi và chúng tôi có cách nghĩ khác," anh nói thêm. "Tôi cảm thấy những người chăm lo hậu sự không được coi trọng trước đây. Vì thế, thông qua dịch vụ của chúng tôi, tôi hy vọng rằng những người đã qua đời sẽ sang thế giới bên kia một cách đáng tôn quý hơn."

Sự mê tín về cái chết vẫn còn mạnh tới nỗi nhiều người dân Trung Quốc tránh số 4, có phát âm tương tự với từ "tử". Và nói về chủ đề này là điều cấm kỵ

Tuy nhiên, ngành công nghiệp về lĩnh vực này lại rất phát triển. Báo cáo hàng năm của Trung Quốc về dịch vụ tang lễ cho thấy doanh thu của ngành công nghiệp này đạt 200 tỷ NDT (31 tỷ USD) mỗi năm và là một trong 10 ngành đem lại lợi nhuận cao nhất tại Trung Quốc.

Có 4 trường cao đẳng kỹ thuật tại Trung Quốc đào tạo dịch vụ tang lễ. Trường cao đẳng Lao động Xã hội Trường Sa tại tỉnh Hồ Nam là đơn vị tiên phong, đã bắt đầu chuẩn hóa các hoạt động trong ngành công nghiệp này từ năm 1995.

Theo trường cao đẳng Lao động Xã hội Trường Sa, có hơn 1.500 sinh viên đã theo học để trở thành người chăm sóc hậu sự mỗi năm và nhiều người đã tìm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp.

Các khóa học về dịch vụ tang lễ kéo dài 3 năm. Trong lúc học các kỹ năng cơ bản, sinh viên được khuyến khích thực tập tại các đám tang ở địa phương trong kỳ nghỉ hè.

Trường cao đẳng Trường Sa cho biết thu nhập trung bình cho một người chăm lo hậu sự vào khoảng 4.000 tới 5.000 NDT (800-1.000 USD)/một tháng tại cách thành phố lớn của Trung Quốc, một mức lương cao hơn nhiều so với những sinh viên mới tốt nghiệp.

Thông qua những kỹ năng học được từ khóa học, bao gồm ướp (xác chết), trang điểm cho người chết và các nghi lễ, Zeng cảm thấy những người làm nghề chăm sóc hậu sự được kính trọng hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, không ít người gặp phải trở ngại khi theo học nghề này. Cui Wenchao, 22 tuổi, cho biết cô không đủ cam đảm khi lần đầu chạm tay vào xác chết mặc dù đã được học các kỹ năng trên lý thuyết.

"Đó không hẳn là một cảm giác sợ hãi nhưng là cảm xúc lẫn lộn trước thực tế rằng một đời người đã qua đi như vậy."

Mặc dù có cống hiến như vậy nhưng tới nay những người chăm sóc hậu sự vẫn đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Nhiều người đã chịu đựng áp lực từ người thân, bạn bè để thay đổi công việc trong khi một vài người khác lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nửa của mình.

Dần dần mọi chuyện sẽ thay đổi nhưng những người trong ngành công nghiệp này cho biết họ hy vọng sự gia nhập của những người trẻ tuổi sẽ giúp thay đổi suy nghĩ chung.

"Theo truyền thống, người già có thể nói rằng nghề này chỉ là dành cho những người không kết hôn, không con cái và không có lựa chọn nào khác," giảng viên Lin Leijie nói.

"Chúng tôi hy vọng rằng nhiều thanh niên theo đuổi nghề này và thể hiện cho những người khác thấy rằng không có gì đáng sợ."

Sầm Hoa (Theo Asiaone)