Đặc phái viên Quốc tế Kofi Annan và các cường quốc đã khởi động nỗ lực cuối cùng nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria trong khi chuẩn bị các lệnh trừng phạt và kế hoạch khẩn cấp cho các quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria.
Một em bé Syria tại trại tị nạn Thổ Nhĩ Kỳ |
Đặc phái viên LHQ Kofi Annan cũng hy vọng sẽ công bố kế hoạch mới của ông trong cuộc họp tại Geneva vào ngày 30/6 tới đây.
Ông Annan đã có cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Anh William Hague tại London vào hôm qua và ông Hague cho biết việc đưa Syria trở lại đàm phán là rất 'khẩn thiết'.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thảo luận về vấn đề Syria bên lề các cuộc hội nghị tại Brazil cùng với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết ông Annan đang làm việc về "lộ trình chuyển giao chính trị" cho Syria. Trong suốt 15 tháng bạo lực diễn ra tại quốc gia này, 15.000 người đã thiệt mạng.
Bà Clinton cho biết ông Annan có thể đưa ra đề xuất cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan "để cố gắng làm cho họ đồng thuận về lộ trình này" và gây sức ép lên Tổng thống Assad và phe đối lập Syria.
Bản kế hoạch gồm 6 điểm của ông Anna đã được Tổng thống Assad đồng tình, nhưng ông Assad được cho là không thể thực hiện kế hoạch này.
Người phát ngôn của ông Annan là Ahmad Fawzi cho biết các cuộc đối thoại giữa ông Annan và bà Clinton cùng với các bộ trưởng 'chủ chốt' khác là nhằm 'đồng ý về nguyên tắc nhóm họp một cuộc họp có thể đưa ra đồng thuận trong đường hướng sắp tới cho Syria và làm cách nào để thực thi kế hoạch 6 điểm của ông Annan".
Ông Annan muốn có "một kế hoạch hành động có thể giải quyết được kế hoạch 6 điểm, và sẽ buộc các bên ngừng giết chóc lẫn nhau và bắt đầu tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này" - ông Fawzi nói.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vẫn khẳng định rằng bất kỳ một kế hoạch buộc ông Assad từ chức trước khi ngăn chặn bạo lực và một tiến trình chính trị "đơn giản không có hiệu quả ngay từ ban đầu".
"Điều này là không thể được vì ông ấy [Assad] sẽ không đi đâu hết" - ông Lavrov nói trên kênh radio Echo of Moscow.
Mỹ, Anh và Pháp đang tìm cách đưa ra một nghị quyết mới kêu gọi trừng phạt nhằm vào ông Assad nếu như ông này không thực hiện kế hoạch 6 điểm của ông Annan.
Nga tuyên bố phản đối mọi sự can thiệp quân sự kiểu như Libya tái diễn tại Syria. Nhưng các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo tại hội nghị G-20 tại Mexico tuần này khiến cho các quốc gia phương Tây tin rằng có khả năng áp dụng lệnh trừng phạt với Damascus.
- Lê Thu (Theo CNA)