Muhammad Morsi đã trở thành Tổng thống đắc cử của Ai Cập và bước vào một cuộc xung đột chính trị khi là người phản đối các hiệp ước hòa bình Trại David. Đây là một điều đáng lo ngại cho Israel.
Đối với người Israel, các Hiệp ước Trại David năm 1979 mở đầu một kỷ nguyên mới mà họ kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình cho cả khu vực.
Khi hiệp ước được ký kết, nhiều người đàn ông đã khóc trên các con phố ở Tel Aviv.
"Tôi không hề thấy lạc quan về việc này" - Tiến sĩ Liad Porat, một giáo sư về lịch sử Trung Đông tại Đại học Haifa nói về tương lai của quan hệ Israel - Ai Cập. Porat là một trong những chuyên gia hàng đầu của Israel về Phong trào Anh em Hồi giáo mà tân Tổng thống Ai Cập là một thành viên trong đó.
"Tôi nghĩ là lúc này, chúng ta có thể hình dung về một chiều hướng quan hệ công chúng quốc tế có thể chấp nhận được. Nhưng Phong trào Anh em Hồi giáo giờ đây là một tiếng nói chính thức tại Ai Cập, thậm chí đảng điều hành còn được gọi với tên Tự do và Công lý. Họ muốn xác nhận sự trung thành của họ đối với Hamas và ác cảm với Israel".
Porat tin rằng trong một chiều hướng hành động mà trong đó Ai Cập - không từ bỏ hoàn toàn hiệp ước của họ với Israel - sẽ dần dần trở thành một nhân tố cơ bản chống lại Israel trên trường quốc tế. Chuyên gia này cho rằng Ai Cập sẽ giảm dần quan hệ với Israel xuống mức tối thiểu để đáp ứng duy trì quan hệ với Mỹ. Hiện giờ, Mỹ vẫn viện trợ cho Ai Cập 2 tỉ USD mỗi năm.
Nói về hiệp ước hòa bình với Israel, ông Porat nói: "Tôi nghĩ là cuối cùng thì ông ấy [Morsi] cũng sẽ đưa nó [hiệp ước] ra bỏ phiếu trước toàn dân. Và tất nhiên, nó sẽ được diễn đạt theo cách mà ông ấy muốn nói".
Các thay đổi tại Ai Cập đã đưa ra nhiều tín hiệu cho Israel. Sứ quán Israel tại Cairo một thời từng là niềm kiêu hãnh của nhà nước Do Thái tại thế giới Ả Rập. Nhưng tháng Chín vừa qua, một đám đông từ quảng trường Tahrir đã tấn công sứ quán này. Nên ngày nay, đại sứ Israel tại Ai Cập làm việc tại Jerusalem, và chỉ bay tới Cairo khi có việc cần.
Israel biết rõ ông Morsi là thành viên sáng lập của một vài ủy ban chống Israel trong tổ chức Anh em Hồi giáo, và suốt 5 năm làm việc tại Quốc hội Ai Cập ông tham gia công việc lập pháp sôi nổi chống lại Israel.
Nhưng một số nhà phânt ích của Israel lại đang hy vọng rằng với tư cách là Tổng thống, ông Morsi sẽ khác.
"Ông Morsi không còn là một ứng cử viên nữa" - Elie Podeh, một giáo sư về nghiên cứu Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Hebrew tại Jerusalem nói. "Ông ấy giờ đây thực sự mang trọng trách, và trong cuộc bầu cử vừa qua, tỉ lệ 51% phiếu bầu không mang lại cho ông một sự đảm bảo an toàn. Ông ấy sẽ phải chứng minh tính hợp pháp của mình và sự quan tâm của ông đối với việc điều hành toàn bộ đất nước - bao gồm cả nhóm thiểu số, phe đối lập chính trị và cả thế giới".
Tuy nhiên, từ một góc độ lịch sử khác lại thấy mọi việc sẽ không thể tồi tệ hơn được nữa.
David Ben Gurion - người sáng lập và là thủ tướng đầu tiên của Israel - đã đưa ra lý thuyết rằng tương lai của Israel trong khu vực này sẽ được đảm bảo từ các quan hệ với các quốc gia không phải Ả Rập, đặc biệt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Lý thuyết của ông Gurion cho rằng: Israel sẽ tồn tại được nếu tách ra được 3 người khổng lồ trong khu vực là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
"Lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với thực tế là cả ba quốc gia này đều đang do những người Hồi giáo theo trào lưu chính thống lãnh đạo" - ông Hillel Frisch, một giáo sư tại Đại học Bar Ilan và là chuyên gia về quân sự và an ninh trong thế giới Ả Rập, phân tích.
Tuy nhiên, ngay cả lúc này, Frisch vẫn đang đặt cược vào việc thực tế sẽ đánh bại lý thuyết như thế nào.
Ông Frisch lạc quan rằng tình trạng kinh tế bấp bênh của Ai Cập sẽ buộc họ phải "chế ngự các tham vọng về ý thức hệ".
"Tôi chẳng nghi ngờ gì việc ông Morsi không ưa Israel và muốn xóa bỏ Israel" - Frisch nói thẳng thắn. "Phong trào Anh em Hồi giáo đã nói điều này từ năm 1928 và ông Morsi giờ 61 tuổi có vẻ như sẽ không thay đổi triệt để niềm tin của ông ấy".
Nhưng lúc này, bài diễn văn đầy tính xoa dịu của ông Morsi với tư cách là Tổng thống đắc cử lại có vẻ như đầy hứa hẹn.
"Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang đối mặt với một bình minh mới, một thế
giới mới, một Trung Đông mới" - ông Morsi nói trong bài phát biểu.
Ben Eliezer - một người bạn của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak - dự đoán
rằng quan hệ giữa Ai Cập và Israel sẽ nguội lạnh đáng kể.
Ben Eliezer dự đoán rằng Tổng thống Morsi sẽ cố gắng đàm phán lại về các điều khoản cơ bản trong thỏa thuận hòa bình, mà trong đó sa mạc Sinai ở giữa hai quốc gia sẽ trở thành một khu vực phi quân sự hóa. Eliezer cho rằng sa mạc này rồi sẽ "trở thành thùng thuốc súng trong khu vực".
"Tôi rất lấy làm bi quan" - ông nói thêm về viễn cảnh quan hệ Ai Cập - Israel.
Cựu Thủ tướng này cũng nói thêm rằng ông hy vọng Israel sẽ phải hành động trên cả hai mặt trận - tiếp tục duy trì quan hệ quân sự và tình báo với Ai Cập, đồng thời tìm cách đối thoại với những người Hồi giáo.
Tuy nhiên, Eliezer cho rằng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn.
"Mọi người nói cứ như thể cuộc cách mạng đã kết thúc, nhưng chúng ta giờ mới chỉ ở lúc bắt đầu. Chúng ta vẫn trong cơn địa chấn. Ông Morsi sẽ phải đưa ra các hành động cốt yếu, đầu tiên sẽ là hướng đi mà ông ấy chọn. Mọi người dân muốn thực phẩm, công việc và nhà cửa. Đám đông biểu tình ở quảng trường Tahrir muốn nhận được gì đó đáp lại nỗ lực của họ, họ muốn hy vọng và cuộc sống. Họ muốn kỳ vọng.
Morsi sẽ phải quyế định xem ông ấy sẽ đi theo hướng xung đột với Israel hay là sẽ theo đuổi chiều hướng cách mạng, và tập trung vào các yêu cầu xã hội, kinh tế và dân chủ".
- Lê Thu (theo GP)