Ở Singapore, họ gọi osin là một nghề. Nhưng làm người giúp việc ở đây thật sự là một nghề không dễ dàng khi tư tưởng phân biệt thân phận đã trở thành cố hữu.
Những phụ nữ nước ngoài đang ngồi chờ để được đưa tới Singapore làm giúp việc. |
Tuy nhiên, thực tế này lại khiến các nhà lập pháp tại đây lo ngại. Trong những năm gần đây, họ đã cố gắng bổ sung các luật liên quan tới việc chủ nhà kiểm soát osin khi mà tỉ lệ các hộ gia đình tại đây có người giúp việc lên tới 20%.
Đối với các osin, lợi ích về pháp lý gần đây nhất mà họ có chính là quyền yêu cầu được nghỉ ít nhất một tuần. Luật này sẽ bắt đầu từ năm 2013. Kể từ năm 2000 tới nay, có 75 trường hợp người giúp việc bị thiệt mạng, Singapore đã tuyên bố sẽ trừng phạt các gia đình nào không cung cấp đầy đủ điều kiện làm việc an toàn cho người giúp việc sống chung với gia đình.
"Có một sự thay đổi có thể nhận thấy trong thái độ của mọi người và người Singapore nhận thức rõ ràng hơn rằng người giúp việc không đáng bị đối xử như một loại hàng hóa" - Jolovan Wham, giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân đạo đối với Kinh tế Nhập cư. "Tuy nhiên, việc phân biệt đối xử với người giúp việc vẫn bắt nguồn và thâm căn cố đế trong văn hóa của chúng tôi".
Wham lấy ví dụ từ "người ở" mà các dịch vụ trên mạng tiếp thị. "Khi sử dụng cụm từ 'người ở' tức là đã làm mất phẩm giá của họ. "Điều đó chỉ càng nhấn mạnh vào sự lệ thuộc của họ".
Nhưng đối với nhiều chủ nhà ở Singapore, sự lệ thuộc này lại chính là thứ mà họ muốn.
Tamarind là một bà mẹ Singapore có hai con nhỏ. Cô viết một trang blog dành cho "các chủ nhà phải chịu đựng bàn tay của người ở". Đây là một trang blog nổi tiếng và đưa ra các chỉ dẫn tinh quái nhằm kiểm soát hành vi của các osin và xử lý các rắc rối khi thuê phải osin 'có vấn đề'. Trên trang blog này, osin thường bị mang tiếng là những người có mưu đồ, ăn ở hai lòng, lười biếng và ở bẩn.
Tại nhà của Tamarind, cô đặt ra quy định dành riêng cho người giúp việc. Osin phải dậy từ 6:30 sáng, và đến 10:30 tối mới được đi ngủ, rửa tay hàng ngày sạch sẽ và phải xin phép khi muốn ra khỏi nhà. Tamarind có vẻ còn thoáng tính hơn nhiều so với các nhân vật khác xuất hiện trên blog của cô. Nhiều người còn giữ cả tiền mặt của osin và bắt họ làm việc mà không có ngày nghỉ.
Một chủ nhà tên là Yvonne viết trên blog: "Họ là chim trong cùng một bầy và chớ có bao giờ nghĩ rằng người giúp việc của bạn có gì đặc biệt hơn người khác bất kể họ được dạy dỗ thế nào. Cứ tưởng tượng xem họ có thể làm những gì sau lưng bạn! Trời ạ!".
So với các bậc cha mẹ người Mỹ, các gia đình tại Singapore có nhu cầu thuê người giúp việc nhiều hơn. Đàn ông Singapore thường không thích làm việc nhà, hoặc quá bận để giúp chăm sóc bọn trẻ. Trong khi đó, đa phần người dân lại thích ăn cơm ở nhà hơn là ra phố. Ngoài ra, các chủ nhà lúc nào cũng muốn nhà của mình phải sạch sẽ thơm tho vì họ để cho lũ trẻ chơi đùa trên sàn suốt ngày.
Hiện nay, 51% phụ nữ Singapore đều đi làm. Tỉ lệ này gần bằng con số thống kê tại Mỹ và Anh.
Tamarind cho biết khi mà các bà mẹ ngập lụt trong công việc ở cơ quan, thì ti tỉ các việc lặt vặt trong nhà đều đổ lên đầu người giúp việc. Các osin ở Singapore bị buộc yêu cầu một khoản 2300 USD để trả cho các công ty đã đưa họ từ các quốc gia khác trong khu vực tới đây làm việc.
Chính quyền Singapore cũng yêu cầu các chủ nhà phải chi ra một khoản tiền là 5000USD cho vấn đề an ninh và trong trường hợp osin của họ bị mất tích, chính phủ sẽ thu khoản tiền này.
Khoản tiền này làm tăng thêm tính đa nghi của chủ nhà, họ luôn cấm người giúp việc ra đường. "Khoản tiền an ninh này là hệ quả không hay ho gì từ việc duy trì một quan hệ bất bình đẳng giữa chủ nhà và người giúp việc" - Wham nói. "Nó tạo ra một cảm giác sở hữu..."
Tan Chuan-Jin - Bộ trưởng của Singapore chịu trách nhiệm về Phát triển và Nhân lực quốc gia - đã kêu gọi người dân Singapore có thiện ý hơn nữa với người giúp việc tại gia của họ.
"Cách các bậc cha mẹ như chúng ta ứng xử với người giúp việc [nước ngoài] sẽ nhiễm vào đầu con cái chúng ta khi chúng quan sát mỗi ngày. Điều đó sẽ phản ánh không hay nếu như chúng ta không bảo vệ các giá trị, và hưởng lợi từ cuộc sống tại Singapore, và đó là điều mà đôi khi tất cả mọi người phải ghi nhớ trong đầu".
Đáp lại lời kêu gọi của vị bộ tưởng, Tamarind nói trên website của mình rằng: "Tại sao chúng ta lại phải biết ơn người giúp việc? Thực tế, chính họ mới phải biết ơn chúng ta! Thông điệp của ông rất xúc phạm tới tất cả các bà mẹ làm việc toàn thời gian tại Singapore".
- Lê Thu (theo GP)