Tarulata Rani không thể thừa kế bất cứ thứ gì từ gia đình cô, không thể ly dị và không thể đòi hỏi chu cấp từ người chồng vắng mặt...bởi vì cô là một phụ nữ Hindu sống ở Bangladesh.

TIN BÀI KHÁC:



Không giống như người Hồi giáo Bangladesh hay người Hindu ở Ấn Độ và Nepal, những phụ nữ Hindu Bangladesh không thể ly hôn vì quy định pháp luật không tồn tại và cuộc hôn nhân của họ cũng không được phép đăng ký chính thức.

"Sinh ra là một cô gái Hindu là điều tội lỗi?" Rani, 22 tuổi, người kết hôn cách đây 2 năm tự hỏi.

"Tôi không được thừa hưởng bất cứ tài sản nào. Tôi không thể ly dị chồng và tái hôn mặc dù anh ta đã bỏ tôi để đi theo người phụ nữ khác và đánh đập tôi cả ngày."

Tháng trước Thủ tướng Sheikh Hasina đã phê chuẩn một đạo luật mới về việc đăng ký kết hôn chính thức cho những người Hindu giáo tại Bangladesh trong một động thái bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ như Rani.

Pháp chế mới, hy vọng được quốc hội thông qua nhanh chóng, đã nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động dân quyền và nhiều phụ nữ Hindu.

Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho biết đạo luật mới chỉ là một động thái chiếu lệ và không đủ để thuyết phục những người mộ đạo bảo thủ, những người cho rằng không cần can thiệp chính trị vào truyền thống văn hóa của họ.

Bangladesh có một hệ thống pháp luật không quy định về các vấn đề như thừa kế, hôn nhân và ly dọ khi những người Hồi giáo tuân theo luật Sharia và những người Hindu sống theo những quy tắc truyền thống của mình.

Theo luật mới, người Hindu - chiếm 10% dân số của Bangladesh - sẽ có thể đăng ký kết hôn với chính quyền địa phương hoặc tòa án.

"Hiện tại, nếu một người đàn ông Hindu từ bỏ cuộc hôn nhân của mình, người vợ không thể kiện anh ta ra tòa để đòi bồi thường hay cưu mang bởi vì họ không thể chứng minh rằng mình có quan hệ vợ chồng với người đàn ông đó," luật sư Nina Goswami nói.

"Hàng chục ngàn người đàn ông Hindu có nhiều vợ cùng lúc vì biết rằng họ không thể bị truy tố," Goswami, giám đốc của tổ chức nhân quyền Ain O Salish Kendra, cho hay.

Goswami, cũng là một người Hindu, đã chứng kiến sự thiếu hụt về quyền lợi đã đẩy nhiều phụ nữ Hindu tới "những việc làm không mong muốn và cực kỳ nghèo khổ" sau khi họ bị chồng bỏ rơi.

Tuy nhiên, bà tin rằng những đạo luật mới của chính phủ chỉ là một động thái chiếu lệ để xoa dịu những người phụ nữ Hindu mà không chọc giận tới đấng mày râu Hindu - những người thường bỏ phiếu cho Awami League, đảng cầm quyền hiện nay tại Bangladesh.

"Không may thay, những người phụ nữ không tồn tại trong đôi mắt và đôi tai của chính phủ," bà nói. "Đối với các chính trị gia của chúng tôi, cộng đồng Hindu là một ngân hàng phiếu bầu lớn, chỉ được hình thành bởi đàn ông."

Chính phủ bác bỏ những lời chỉ trích như vậy và cho rằng họ bị các nhà hoạt động Hindu theo đường lối cứng rắn, những người phản đối thay đổi luật, đe dọa.

Bộ trưởng Tư pháp Shafique Ahmed cho biết đạo luật mới sẽ hạn chế tình trạng đa thê và đảm bảo được quyền cưu mang cho những người phụ nữ bị chồng bỏ rơi.

"Chúng tôi không thể cải cách những luật lệ riêng của người Hindu thêm nữa vì sự phản đối từ các tổ chức Hindu, bao gồm những người có học thức nhất trong cộng đồng của họ. Những người theo đường lối cứng rắn thậm chí không muốn đăng ký kết hôn," Bộ trưởng Ahmed nói thêm.

Các nhà hoạt động Hindu có quan điểm cực đoan cho biết họ từ chối bất kỳ cải cách nào chống lại kinh thánh hay nền văn hóa của họ, đồng thời cho rằng ly hôn có thể đe dọa tới nền tảng cơ bản của gia đình Hindu.

"Chúng tôi không phản đối việc đăng ký kết hôn tùy ý bởi vì các cặp vợ chồng Hindu thỉnh thoảng cần giấy chứng nhận hôn nhân khi họ đi du lịch," Hiren Biswas, chủ tịch của tổ chức Samaj Sangskar Parishad, nói.

"Nhưng chúng tôi không chấp nhận việc đăng ký bắt buộc hoặc ly hôn và quyền thừa kế của người phụ nữ bởi vì kinh thánh và luật lệ của chúng tôi không cho phép điều đó," ông nói.

Phụ nữ Hồi giáo tại Bangladesh có thể ly hôn và đòi bồi thường cho hôn nhân đổ vỡ hay kiện chồng ra tòa nhờ sự hoạt động tích cực của các tổ chức nhân quyền trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, phụ nữ Hindu ở Bangladesh, những người phải chịu sự ngược đãi và phân biệt tôn giáo kể từ khi phân chia tiểu lục địa vào năm 1947, lại không được sự bảo vệ của pháp luật.

Sầm Hoa (Theo thesundaily)